Thư thỉnh nguyện trực tuyến yêu cầu Bộ Nội vụ Anh Quốc hủy bỏ quyền công dân của gia đình Trưởng Đặc khu Hồng Kông Carrie Lam đã đạt gần 300.000 chữ ký. Con số này vượt gần gấp ba yêu cầu tối thiểu để chính phủ Anh Quốc phải đưa ra phản ứng chính thức với công chúng. 

  • Quý độc giả có thể vào trang change.org để ký thư thỉnh nguyện này.
Chồng và hai người con trai của bà Carrie Lam đang có quốc tịch Anh.
Chồng và hai người con trai của bà Carrie Lam đang có quốc tịch Anh. (Ảnh từ trang Change.org)

Phản ứng lại luật cấm che mặt do bà Carrie Lam ban hành hồi đầu tháng Mười, một công dân Anh Quốc có tên Deeran Kumar đã soạn thảo thỉnh nguyện thư trực tuyến trên trang change.org để kêu gọi Bộ Nội vụ Anh Quốc hủy bỏ quyền công dân của chồng và hai người con trai của bà Carrie Lam.

Ông Lam Siu-por, chồng bà Lam và hai con trai it-si và Yeuk-hei đều được trao quyền công dân Anh Quốc thông qua Chương trình Lựa chọn Quốc tịch Anh Quốc trước khi Vương quốc này trao trả Hồng Kông về cho chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào năm 1997. Bà Carrie Lam cũng có quyền công dân Anh Quốc vào thời điểm đó, nhưng năm 2007 bà đã từ bỏ quốc tịch Anh Quốc để đủ điều kiện đảm nhận chức vụ thư ký phát triển trong chính phủ Đặc khu Hồng Kông.

Trong thư thỉnh nguyện, ông Deeran Kumar khẳng định rằng luật cấm che mặt đã cho thấy “nền pháp trị đã chết” tại Hồng Kông và lãnh đạo của thành phố này đã không còn coi trọng luật pháp nữa. Ông Kumar viết trong thư rằng bà Lam đang “phủ nhận trách nhiệm giải trình của chính quyền mà bà lãnh đạo và thực thi luật pháp hà khắc”.

Ông Kumar bày tỏ mong muốn rằng bạo lực tại Hồng Kông sẽ được kiềm chế và tuyên bố rằng chính phủ Anh Quốc có “trách nhiệm đạo đức” để thực hiện điều đó. Sau đó, ông Kumar kết luận trong thư rằng Anh Quốc nên gửi một tín hiệu mạnh mẽ tới chính quyền Hồng Kông bằng việc hủy bỏ quyền công dân của chồng và hai con trai của bà Carrie Lam.

Theo luật Anh Quốc, nếu một bức thư thỉnh nguyện trực tuyến đạt được tối thiểu 100.00 chữ ký, thì chính phủ Anh Quốc phải đưa ra phản hồi chính thức với công chúng và phải thảo luận vấn đề được nêu ra trong thư thỉnh nguyện tại Quốc hội. Cho tới sáng 22/11, bức thư thỉnh nguyện do ông Deeran Kumar soạn thảo đã đạt được hơn 282.000 chữ ký và vẫn đang tiếp tục tăng nhanh theo thời gian.

Những người ký vào thư thỉnh nguyện này đã bày tỏ sự không tán thành của họ đối với cách bà Carrie Lam xử lý các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ tại Hồng Kông và các chính sách của bà ta, gần như chịu sự kiểm soát hoàn toàn của ĐCSTQ.

Bà Carrie Lam và gia đình bà ta nên ở lại Trung Quốc vì họ đang tuân theo 100% [chỉ đạo] của ĐCSTQ,” một người ký thư thịnh nguyện viết.

Bà Carrie Lam đang hạnh phúc khi làm việc với chế độ độc tài. Giá trị này là hoàn toàn khác biệt với Anh Quốc,” một người khác ký thư viết.

Bà Carrie Lam là tội đồ trong lịch sử Hồng Kông. Bà ta đã đơn phương hủy bỏ hệ thống một quốc gia, hai chế độ. Bà ta đã cho phép cảnh sát Hồng Kông gọi công dân [của hòn đảo này] là những con gián và để cho cảnh sát bắt người tùy tiện không cần trình thẻ công vụ! Bà ta phải bị trừng phạt và bà ta cần biết những hành động của mình sẽ chịu hậu quả.

Bà Carrie Lam thông báo ban hành luật cấm che mặt vào ngày 5/10. Một ngày sau đó, hàng nghìn người dân Hồng Kông vẫn đeo mạng che mặt tràn xuống các tuyến phố để tuần hành phản đối lệnh cấm này.

Bất chấp nhiều người đã bị bắt vì vi phạm luật cấm che mặt, người biểu tình vẫn tiếp tục xuống phố với nhiều loại mạng che mặt khác nhau trong hơn 1,5 tháng lệnh cấm này có hiệu lực.

Vào ngày 18/11, Tòa án Tối cao Hồng Kông đã ra phán quyết rằng luật cấm che mặt là “không phù hợp với Luật Cơ bản”. Luật Cơ bản là Hiến pháp của Hồng Kông được áp dụng từ khi hòn đảo này được Anh Quốc trao trả lại cho Trung Quốc năm 1997.

Một ngày sau phán quyết của tòa Hồng Kông, một cơ quan lập pháp của chính quyền trung ương Trung Quốc tại Bắc Kinh đã tuyên bố rằng các tòa án Hồng Kông không có quyền phán quyết về tính hợp hiến của luật theo Luật Cơ bản của Hồng Kông, trong đó có luật cấm che mặt khi tham gia biểu tình.

Chế độ Bắc Kinh khẳng định rằng chính quyền trung ương nắm giữ vai trò duy nhất trong việc đưa ra phán quyết về các vấn đề hiến pháp của Hồng Kông.

Theo tờ The Guardian, phát ngôn viên Jian Tiewei của Ủy ban Sự vụ pháp luật Trung Quốc sáng 19/11 cho hay: “Việc các luật của Khu Hành chính Đặc biệt Hồng Kông có tuân thủ Luật Cơ bản của Hồng Kông hay không chỉ có thể được đánh giá và quyết định bởi Ủy ban Thường vụ của Quốc hội Nhân dân Toàn quốc. Không cơ quan nào khác có quyền đưa ra đánh giá hoặc quyết định.

Trong khi đó, các cuộc biểu tình tại Hồng Kông đã bước sang tháng thứ Sáu với căng thẳng ngày càng leo thang khi lực lượng chấp pháp Hồng Kông tăng cường trấn áp biểu tình bằng bạo lực, đặc biệt với sinh viên trong các trường đại học. Tính đến sáng 22/11 (giờ Hồng Kông), hàng chục người biểu tình vẫn đang bị bao vây, phong tỏa trong khuôn viên Trường Đại học Bách Khoa Hồng Kông (PolyU). Xung đột giữa cảnh sát và người biểu tình tại PolyU đã bước sang ngày thứ sáu liên tiếp.

Trước tình hình bất ổn tại Hồng Kông ngày càng có chiều hướng nghiêm trọng, Quốc hội Hoa Kỳ hôm 20/11 cũng đã hoàn tất việc thông qua hai dự luật gồm Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông và Đạo luật Bảo vệ Hồng Kông để thể hiện tiếng nói ủng hộ mạnh mẽ người biểu tình dân chủ. Hai dự luật này đã được chuyển cho Tổng thống Donald Trump và ông chủ Tòa Bạch Ốc có 10 ngày để ký các dự luật thành luật hoặc phủ quyết.

Như Ngọc

Xem thêm: