Gia đình nạn nhân mất tích ở Anh ngập trong nợ nần
“Chúng tôi vẫn nợ gần 8.600 USD (200 triệu VND)”, ông Nguyễn Đình Gia, người đang lo lắng rằng con trai ông, Nguyễn Đình Lượng nằm số 39 người tử nạn trong thùng xe đông lạnh ở Anh Quốc, nói.
Ông Gia chỉ là một trong số hàng chục gia đình ở Việt Nam đã báo con mất tích trên đường trốn lậu sang Anh, đã vay mượn số tiền hàng ngàn đô để chi trả cho đường dây buôn người. Nay, ông không biết phải trả khoản nợ khổng lồ này như thế nào.
Số tiền này đáng lẽ sẽ nhanh chóng được bồi hoàn lại sau khi con cái họ tìm được một công việc lương cao ở Anh. Và nếu câu chuyện này đi đúng hướng, chẳng mấy họ sẽ có một ngôi nhà khang trang, cuộc sống đầy đủ giống như những câu chuyện khác ở xung quanh họ.
Nhưng đấy là nếu con cái họ không bị mắc kẹt và chết trong thùng xe tải đông lạnh ở xứ người, để lại cha mẹ già ở quê nhà với núi nợ không thể nào trả nổi.
“Chúng tôi là nông dân, chúng tôi không có việc làm, giờ chỉ sống nhờ con cái”, ông Gia cho biết. Ngoài Lượng, ông vẫn còn 7 người con, vẫn ở Việt Nam.
Khoản tiền được vay mượn từ người thân, từ ngân hàng nhà nước,hoặc “vay nóng”, đã trao tay cho đường dây buôn người, để họ lo vé máy bay, làm giả hộ chiếu và thuê xe tải chở người sang Châu Âu, miền đất hứa cho những thanh niên trẻ mơ ước thoát khỏi làng quê nghèo đói và có một cuộc sống sung túc hơn ở nước ngoài.
Trước khi mất tích, nhiều người trong số này đã đi làm ở các nước khác tại Châu Âu, gửi những đồng tiền vất vả “làm chui” cho bố mẹ ở quê trả nợ.
Gia đình đã vay mượn từ người thân để nộp phí cho chuyến hành trình của Lượng. Đường dây buôn người đưa anh tới Nga, rồi tới Pháp trót lọt. Lượng ở lại Pháp, làm việc bồi bàn từ năm 2018. Hàng tháng, anh gửi về nhà từ 250USD đến 430USD để trả nợ trong khi trông mong tìm được một công việc thu nhập tốt hơn.
Cơ hội đến khi anh gặp được người trong đường dây buôn người tới Anh với chi phí đi “VIP” là 14.000 USD. Anh lại gọi điện về gia đình nhờ bố mẹ đi vay cho đủ số tiền để trao cho liên lạc của đường dây ở Việt Nam khi anh tới nơi. Nhưng Lượng đã mất liên hệ ngay trước khi nhà chức trách Anh phát hiện container chứa 39 thi thể người Châu Á, với những vết máu dính trên tay và thành thùng.
Nghệ An, Hà Tĩnh là 2 tỉnh nghèo nhất Việt Nam và có số lượng người thoát ly, cả ở trong nước vào ngoài nước, rất cao. Thảm họa môi trường Formosa hồi năm 2016 cũng khiến ngư dân ở đây phải gác mái, càng thúc đẩy thêm nguyện vọng muốn “đổi đời” ở nước ngoài của những thanh niên trẻ nhiều tham vọng.
Để có tiền trả cho đường dây buôn lậu, họ đã phải đi tiền.
Ông Hoàng Lanh đã vay vốn của nhà nước từ chương trình trợ giúp nông dân để gửi con mình ra nước ngoài theo con đường “tiểu ngạch”. Ông đã trả tiền để con trai Hoàng Văn Tiệp được đặt chân đến Pháp một năm trước. Nay, ông Lanh lo sợ rằng con trai mình cũng chung số phận với những người trong thùng xe lạnh ở Anh.
Tuyệt vọng vì mất con, ông cũng không biết kiếm đâu để trả số tiền 4.300 USD vay ngân hàng, khoản nợ còn lại sau khi đã trả bằng tiền con ông rửa bát thuê ở Pháp gửi về.
“Chúng tôi không biết làm thể nào để trả được nợ. Tôi không có kế hoạch gì cả”, ông Lanh với nghề đánh cá ở Diễn Châu kiếm về cho ông được khoảng 4,5 triệu 1 tháng (200USD), kể.
Để vay tiền, ông đã thế chấp mảnh đất của gia đình, nhưng ngoài đó ra, gia đình ông không có tài sản gì đáng kể.
Một nhân viên ở Quỹ Tín Dụng nhân dân cho hay, người sống ở khu vực nghèo ở Nghệ An không khó để vay tiền kinh doanh, nhưng họ không thể kiểm soát được những gia đình này dùng tiền để thực sự làm gì.
Giới chức Việt Nam và Anh chưa xác nhận về quốc tịch của 39 thi thể tìm thấy ở Essex tuần trước, trong khi nhiều gia đình đã lập bàn thờ tạm vì mất hết hy vọng. Thảm họa Essex cũng phơi bày trước thế giới những đường dây buôn người tinh vi từ Việt Nam sang Châu Âu và nước Anh.
Mini Vu, chuyên gia về chống buôn người nói rằng những gia đình ngập trong nợ nần – nợ ngân hàng, người thân hay những kẻ buôn người – có thể sẽ mạo hiểm lặp lại vòng xoáy di dân trái phép.
“Nếu còn một người trẻ khác, một thành viên gia đình khác, họ sẽ cố gắng gửi họ ra nước ngoài để trả nợ”, ông Vu nói với AFP.
Đức Trí (theo AFP)
Từ khóa buôn người 39 người chết ở Anh di dân lậu