“Giấc mơ Trung Quốc” của Facebook và Google là “lợi bất cập hại”
- Huệ Anh
- •
Công ty công nghệ internet khổng lồ Facebook và Google của Mỹ đã ít nhiều có những ảo tưởng trong việc thâm nhập thị trường Trung Quốc, một số người làm về truyền thông chất vấn làm thế nào những gã khổng lồ này có thể giành chiến thắng tại thị trường Trung Quốc mà không phải hợp tác với kẻ ác là nhà cầm quyền đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)?
Ngày 12/8, tờ SCMP Hồng Kông đã công bố bài bình luận của tác giả Tom Holland. Tác giả cho rằng Facebook và Google có thể một ngày nào đó thành công trong thiết lập một chỗ đứng nhỏ tại thị trường Trung Quốc, nhưng họ sẽ phải trả một giá đắt về hành động này. Họ sẽ rất khó để kiếm được nguồn tài sản khổng lồ từ bàn tay của ĐCSTQ mà xưa nay họ luôn ao ước thèm thuồng.
Bài viết chỉ ra, Facebook và Google, cũng như các đại gia công nghệ khác của Mỹ bao gồm Amazon, từ lâu đã bị ĐCSTQ từ chối trong nhiều năm. Google phải rút khỏi Trung Quốc trong năm 2010 vì không chấp nhận quan điểm của ĐCSTQ trong vấn đề thao túng kết quả tìm kiếm đối với công cụ tìm kiếm internet của Google.
Kể từ đó, thị trường đã trải qua những thay đổi lớn. Ngày nay, Trung Quốc có 770 triệu người dùng internet, nhiều hơn tổng dân số của Tây Âu và Mỹ, điều này khiến Google và các công ty lớn khác muốn có được một phần thị trường tại Trung Quốc.
Gần đây có thông tin chỉ ra Google đang phát triển một ứng dụng tìm kiếm trên điện thoại thông minh tuân thủ hệ thống kiểm duyệt nghiêm ngặt của ĐCSTQ. Đồng thời, Facebook cũng đã cố gắng thiết lập một công ty con tại Trung Quốc.
Mô hình kinh doanh “nền tảng internet” của những gã khổng lồ này đã thành công trên thị trường quốc tế và hiện nay họ đang hy vọng sẽ tái tạo thành công mô hình này ở Trung Quốc.
Nhưng Holland cho rằng Google và Facebook sẽ rất khó để thành công ở Trung Quốc. Trong một thời gian dài, một trong những nguyên nhân khiến chính phủ Trung Quốc đóng cửa đối với những gã khổng lồ internet của Mỹ này là để giúp các công ty nội địa xây dựng được vị trí độc tôn trên thị trường trong nước. Ví dụ, cho dù Google chiếm gần 90% thị trường tìm kiếm tại Mỹ và châu Âu, nhưng trong bối cảnh vắng mặt Google, Baidu của Trung Quốc có tường lửa trường thành (Great Firewall) đã chiếm 3/4 thị trường tìm kiếm tại Trung Quốc.
Ngoài ra, chính phủ của ĐCSTQ còn nhiều công cụ quản lý khác nhằm đảm bảo cho các công ty Trung Quốc luôn chiếm ưu thế trên thị trường nội địa. Ví dụ, chính phủ Trung Quốc đã hiểu thấu đáo giá trị kinh tế của dữ liệu lớn (big data), và để đảm bảo hạn chế càng ít càng tốt đối với các nhà sử dụng nước ngoài có được những dữ liệu này, tất cả các dữ liệu được tạo ở Trung Quốc phải được quản lý trong phạm vi lãnh thổ của Trung Quốc, và chỉ có thể được sở hữu và điều hành bởi công ty quản lý dữ liệu Trung Quốc.
Quan trọng nhất, các công ty công nghệ nước ngoài phải chịu nhiều cấp độ của các quy định an ninh quốc gia phức tạp. Nhiều nhà phân tích đã chỉ ra các quy định an ninh này gần như hoàn toàn mơ hồ, mục đích để chính quyền Bắc Kinh áp dụng chúng vào cạnh tranh thương mại hơn là vấn đề an ninh quốc gia.
Do đó, các công ty internet nước ngoài rồi sẽ nhận ra rằng họ sẽ rất khó khăn để đạt được sức cạnh tranh ở Trung Quốc tương xứng năng lực thực tế của họ. Đồng thời, chính phủ Trung Quốc cũng có động cơ rất rõ ràng để Google và Facebook cũng như các công ty khác muốn vào thị trường Trung Quốc bằng những chính sách khuyến khích kích thích lợi nhuận, khiến những doanh nghiệp này thèm muốn đầu tư vào thị trường nội địa của Trung Quốc. Ví như một khi công ty nước ngoài có cam kết với thị trường Trung Quốc, chính phủ Trung Quốc sẽ có thể hỗ trợ họ gây ảnh hưởng lớn hơn trong kinh doanh quốc tế.
Như vậy, nếu một người khổng lồ internet quốc tế thỏa hiệp theo nguyên tắc hoạt động ở Trung Quốc, không khó hình dung doanh nghiệp này đã sẵn sàng thỏa hiệp với ĐCSTQ trong hoạt động quốc tế để mở rộng những tham vọng mới của doanh nghiệp này tại Trung Quốc.
Kết quả của sự nhượng bộ này có thể hiểu được bằng suy luận thông thường. Ví dụ, một người sử dụng internet tại bang Kansas Mỹ tìm kiếm từ khóa “Đông Turkistan” ưa thích của mình liên quan đến phong trào người Duy Ngô Nhĩ (Uighur) đòi ly khai khỏi Trung Quốc, nhưng hầu như không có kết quả tìm kiếm. Một người Đức muốn tìm kiếm hình ảnh về vụ thảm sát Thiên An Môn 1989 nhưng có thể không thể tìm thấy hình Thiên An Môn nào có chiếc xe tăng. Một người Ấn Độ tìm thông tin nhưng không thể thấy thông tin nào về Đức Đạt Lai Lạt Ma, kết quả tìm chỉ có thể nhìn thấy nhiều bài ca ngợi những ưu điểm của sáng kiến “Một vành đai, Một con đường”.
Nếu tất cả điều này nghe có vẻ khó tin thì không nên để nó xảy ra. Vì chính phủ của ĐCSTQ chưa bao giờ tỏ ra hối hận về việc thực hiện quyền lực mà đáng lý phải nhằm đảm bảo tạo môi trường cho cạnh tranh công bằng, nhưng nó lại hướng vào việc đạt được các mục tiêu chính trị.
Holland hy vọng Google và Facebook suy nghĩ về trường hợp Qualcomm. Vào tháng 10/2016, nhà sản xuất chip của Mỹ này đã công bố ý định sáp nhập với công ty bán dẫn NXP của Hà Lan. Các nhà quản lý cạnh tranh của Mỹ và châu Âu đã chấp thuận thỏa thuận này. Nhưng vì một doanh nghiệp lớn của Trung Quốc lại là khách hàng chính của cả hai công ty nên chính quyền Bắc Kinh cũng có quyền lên tiếng.
Hồi tháng Ba năm nay, Bộ Thương mại Trung Quốc đã gửi đi một thông điệp rằng sẽ chấp thuận việc sáp nhập này. Lý do chính khiến họ hy vọng thúc đẩy thương vụ là vì doanh nghiệp sau khi sáp nhập sẽ tăng cường khả năng phát triển chip thế hệ thứ 5 của công nghệ di động 5G. Vì Trung Quốc có tham vọng quốc tế lớn trong lĩnh vực này nên giao dịch được xem là có lợi cho Trung Quốc.
Nhưng với việc chính phủ Mỹ tăng cường kiểm soát công nghệ cao, xây dựng các chính sách chống lại ngành công nghiệp công nghệ cao của Trung Quốc đã khiến giới lãnh đạo ĐCSTQ thay đổi quan điểm.
Nếu các công ty Trung Quốc không thể có được các chất bán dẫn tiên tiến của Mỹ thì việc sáp nhập Qualcomm và NXP sẽ không còn là mối quan tâm của Trung Quốc nữa. Ngược lại, chính phủ Trung Quốc đã thông qua một chính sách tăng gấp đôi đầu tư vào chip trong nước để làm cho các nhà sản xuất chip nước ngoài bị yếu thế, như vậy là phù hợp hơn với lợi ích của Trung Quốc. Tháng trước, Bộ Thương mại Trung Quốc đã không chấp thuận việc sáp nhập này và cố gắng phá hỏng thương vụ vì các mục tiêu chính trị của Trung Quốc.
Đối với thủ đoạn của chính phủ Trung Quốc nhằm gây ảnh hưởng đến các công cụ tìm kiếm quốc tế và những chia sẻ qua mạng xã hội, những vấn đề này chắc chắn sẽ không làm bất cứ ai ngạc nhiên. Những vụ việc được đưa ra ánh sáng trong những tháng gần đây cho thấy rõ chính phủ Trung Quốc đang cố gắng để ngăn chặn trên quy mô rất lớn đối với các nhà phê bình họ trên khắp thế giới, thậm chí họ còn thao túng các cuộc bầu cử – ví dụ nổi tiếng nhất là ở Úc. Sau những chuyện này, không thể không đặt vấn đề về việc chính phủ Trung Quốc sẽ tìm cách để khiến những gã khổng lồ internet đã thâm nhập vào thị trường Trung Quốc phải chịu hợp tác nhằm tác động đến kết quả tìm kiếm của các công cụ tìm kiếm quốc tế.
Tác giả Holland dự đoán, trong tương lai gần, những gã khổng lồ internet có thể sẽ nhận thấy rằng thị trường nội địa của Trung Quốc mà họ thâm nhậm vào cũng chỉ có giới hạn. Họ nên cẩn thận xem xét các khoản phí mà có thể bị yêu cầu phải bỏ ra, thay vì lao vào một cách vội vàng.
Huệ Anh
Xem thêm:
Từ khóa google Facebook giấc mơ Trung Quốc