Giải bóng bầu dục ở Hàn Quốc phát bài hát chống dẫn độ làm quốc ca Trung Quốc
- Bình Minh
- •
Vài ngày trước, tại giải đấu bóng bầu dục “Asia Rugby Sevens Series” được tổ chức ở thành phố Incheon, Hàn Quốc, ban tổ chức đã phát bài hát chống dẫn độ “Nguyện vinh quang quy Hương Cảng” (Glory to Hong Kong) làm quốc ca của Trung Quốc.
Phe kiến chế thân Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thi nhau chỉ trích vụ việc này.
Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông Lý Gia Siêu (John Lee) cho biết Tổng thư ký Hành chính Hồng Kông Trần Quốc Cơ (Eric Chan) đã gặp Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại Hồng Kông để phản đối vụ việc trên.
Phần lời của bài hát thể hiện thông điệp về chủ nghĩa dân chủ, tự do, và chứa khẩu hiệu của cuộc biểu tình tại Hồng Kông năm 2019 là “Giải phóng Hồng Kông, cách mạng của thời đại”. Khẩu hiệu này bị coi là vi phạm “Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông”.
Giám đốc điều hành của “Liên đoàn Bóng bầu dục Châu Á” đã làm rõ rằng vụ việc chỉ là lỗi đơn thuần về con người, không có ác ý và nhấn mạnh rằng thực tập sinh phát nhầm bài hát “không có kiến thức về chính trị thế giới và không có động cơ thầm kín nào.”
Tuy nhiên, chính quyền Hồng Kông vẫn không ngừng can thiệp, người triệu tập Hội đồng điều hành, bà Regina Ip Lau Suk-yee (Diệp Lưu Thục Nghi), tin rằng vụ việc không phải là một sự cố. Bà nói “Nguyện vinh quang quy Hương Cảng” là một bài hát kích động ly khai, và Hàn Quốc có thể vi phạm “Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông.”
Bà yêu cầu cảnh sát Hồng Kông can thiệp vào cuộc điều tra, xem liệu việc phía Hồng Kông có gửi bài hát trên cho ban tổ chức, âm mưu xúc phạm quốc ca, hay câu kết với nhân viên của Hàn Quốc để chia rẽ đất nước hay không.
Bà Regina Ip cũng nhấn mạnh rằng Hồng Kông và Hàn Quốc đã ký một thỏa thuận về chuyển giao phạm nhân, hỗ trợ tư pháp lẫn nhau trong các vụ án hình sự và chuyển giao bản án, và phía cảnh sát nên yêu cầu phía Hàn Quốc hỗ trợ điều tra. Nếu người bị bắt bị nghi ngờ vi phạm “Luật An ninh Quốc gia”, họ có thể yêu cầu chuyển nghi phạm đến Hồng Kông để xét xử.
Ngay khi phe kiến chế ở Hồng Kông đang cố gắng biến Hàn Quốc thành một “quốc gia thù địch” hủy hoại “sự tôn nghiêm quốc gia”, thì “Tân Hoa Xã” chính thức đưa tin rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tại Hội nghị Thượng đỉnh G20.
Ông Tập chỉ ra rằng Trung Quốc và Hàn Quốc là “láng giềng gần gũi không thể lay chuyển, và là đối tác không thể tách rời.”
Ông Tập cho biết năm nay đánh dấu kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Hàn Quốc, sự phát triển lành mạnh và ổn định của mối quan hệ này phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước, nền kinh tế của hai nước mang tính bổ sung cao, và Trung Quốc sẵn sàng thực hiện “giao lưu và hợp tác nhân văn” với Hàn Quốc.
Một đoạn tin ngắn của “Tân Hoa Xã” ngay lập tức “tát vào mặt” phe kiến chế. Sau đó tất cả những tiếng nói đòi truy cứu trách nhiệm phía Hàn Quốc khi phát sóng bài “Nguyện vinh quang quy Hương Cảng” vội vàng im bặt.
Mặt khác, vụ việc cũng phản ánh khả năng quản trị kém của chính quyền Hồng Kông trong thời kỳ hậu “Luật An ninh Quốc gia”.
Trước đây, luật chơi trong xã hội Hồng Kông là giới tinh hoa cai quản Hồng Kông, ai có năng lực thì tiếp quản, tài đức xứng với vị thế. Cùng với sự tự do báo chí và giám sát của dư luận, những người nắm quyền và các quan chức cấp cao sẽ thận trọng trong lời nói và hành động của mình.
Nếu làm không tốt, họ sẽ phải nhận lỗi và từ chức, như Bộ trưởng Cục An ninh lúc bấy giờ là bà Regina Ip Lau Suk-yee đã từ chức, vì nhận thấy Điều 23 khiến dư luận bất bình. Ông Lương Cẩm Tùng (Antony Leung Kam-chung), Bộ trưởng Tài chính khi đó, cũng từ chức vì mua xe một cách lén lút …
Đây là điều mà một chính phủ bình thường sẽ làm, cho thấy các quan chức biết xấu hổ, sẽ xem xét dư luận và quan tâm đến thể diện của bản thân, và gánh chịu hậu quả khi thất trách với vai trò là một quan chức chính phủ quan trọng.
25 năm sau nhìn lại, khi thể chế của ĐCSTQ chính thức vận hành ở Hồng Kông, tất cả những quan chức bị quần chúng căm ghét và khinh thường đều trở thành những người đứng đầu chính quyền. Những nhân sĩ thức thời cũng lũ lượt rời khỏi Hồng Kông.
Những quan chức Hồng Kông được chính quyền trung ương đề bạt cũng giống như những cán bộ của ĐCSTQ, bản lĩnh lợi hại nhất của họ là xu nịnh, khoác lác, bè phái, chạy theo phong trào, đấu tố, duy trì ổn định và đúng đắn chính trị.
Về những vấn đề như thất thoát vốn nước ngoài, suy thoái kinh tế, các vụ chặt đầu thường xuyên diễn ra, thiếu hụt nhân tài, làn sóng di cư và các sự cố khác, phản ứng của chính quyền đặc khu là “không nghe, không thấy, không biết”, không biết làm gì, ngoài việc xin ý kiến chỉ đạo của trung ương.
Đáng tiếc là Hồng Kông, một thành phố quốc tế từng sừng sững ở phía đông thế giới, một xã hội rất đa dạng và nhiều nhân tài, giờ đã trở thành “một nhà hát” nơi “không có điều phi lý nhất, chỉ có điều phi lý hơn”.
Phóng sự điều tra dài của tờ Le Monde cuối cùng đã kết luận: “Một quốc gia, hai chế độ” do ông Đặng Tiểu Bình đề xuất và được bà Margaret Thatcher mô tả là một “nước cờ thiên tài” đã bị chà đạp một cách thô bạo.
12/7, Ủy ban Trung Quốc của Quốc hội và Cơ cấu hành chính Mỹ (CECC) đã công bố một báo cáo có tiêu đề “Công tố viên Hồng Kông đóng vai trò quan trọng trong các vụ truy tố chính trị”, cáo buộc một bộ phận truy tố hình sự của Sở Tư pháp Hồng Kông đã chịu ảnh hưởng của các yếu tố chính trị, khi giải quyết các vụ việc liên quan đến an ninh quốc gia, nên đưa ra các quyết định chống lại quyền con người.
Báo cáo cũng cho biết ít nhất 10.500 người ở Hồng Kông đã bị bắt vì các hoạt động chính trị và biểu tình. Kể từ tháng 6/2019 Sở Tư pháp Hồng Kông đã truy tố ít nhất 2.944 người (bao gồm người biểu tình, phóng viên, nhóm xã hội dân sự, nhà dân chủ) cáo buộc họ về các tội danh liên quan đến “Luật An ninh Quốc gia”.
Từ khóa quốc ca Trung Quốc Luật An ninh quốc gia Hồng Kông Nguyện vinh quang quy Hương Cảng Hồng Kông Quan hệ Trung Quốc - Hàn Quốc