Chiều 11/10, (giờ Việt Nam), Ủy ban Nobel Na Uy đã công bố giải Nobel Hòa bình 2024 thuộc về tổ chức Nihon Hidankyo của Nhật Bản vì “Những nỗ lực hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân và chứng minh qua lời kể của các nhân chứng rằng vũ khí hạt nhân không bao giờ được sử dụng nữa”.

Nobel Hòa bình
Lễ công bố Nobel Hòa Bình 2024. (Ảnh: Chụp màn hình)

Theo Ủy ban Nobel Na Uy, Nihon Hidankyo là phong trào cơ sở của những nạn nhân sống sót sau 2 vụ ném bom nguyên tử tại các thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản, những người còn được biết đến với tên gọi hibakusha.

Năm 1956, các hiệp hội hibakusha Nhật Bản liên kết với nạn nhân của những vụ thử vũ khí hạt nhân tại Thái Bình Dương thành lập Liên đoàn Các tổ chức nạn nhân của bom nguyên tử và bom nhiệt hạch tại Nhật Bản, gọi tắt là Nihon Hidankyo. Được biết, Nihon Hidankyo có chi nhánh tại toàn bộ 47 tỉnh ở Nhật Bản. Ban điều hành và thành viên tổ chức này đều là hibakusha. Ủy ban Nobel Na Uy cho biết Nihon Hidankyo đã phát triển thành tổ chức hibakusha lớn nhất và có ảnh hưởng nhất tại Nhật Bản.

Sau 2 vụ ném bom khiến ước tính 120.000 người thiệt mạng ngay lập tức vào tháng 8/1945 và vô số người bị ảnh hưởng sau đó, một phong trào toàn cầu được hình thành và đã làm việc không mệt mỏi nhằm nâng cao nhận thức về hậu quả của việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Một quy tắc quốc tế dần hiện hữu kể từ đó, coi việc sử dụng vũ khí hạt nhân là không thể chấp nhận về mặt đạo đức.

Theo Ủy ban Nobel Na Uy, chính nỗ lực to lớn của Nihon Hidankyo và các tổ chức đại diện hibakusha đã đóng góp lớn cho việc hình thành điều cấm kỵ đối với việc sử dụng hạt nhân, khi không có vũ khí hạt nhân nào được sử dụng trong chiến tranh trong gần 80 năm qua.

Những chứng nhân lịch sử này đã giúp hình thành và củng cố sự phản đối rộng rãi đối với vũ khí hạt nhân trên thế giới thông qua những câu chuyện cá nhân, các chiến dịch giáo dục và những lời cảnh báo về việc phổ biến và sử dụng vũ khí hạt nhân. Nihon Hidankyo đã cung cấp hàng ngàn lời kể của nhân chứng, công bố nghị quyết và lời kêu gọi công khai, hằng năm cử phái đoàn đến Liên Hiệp Quốc và nhiều hội nghị hòa bình khác để nhắc nhở thế giới về nhu cầu cấp thiết của việc giải trừ hạt nhân.

Ủy ban Nobel Na Uy đã quyết định trao giải cho tổ chức “vì những nỗ lực hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân và chứng minh qua lời kể của các nhân chứng rằng vũ khí hạt nhân không bao giờ được sử dụng nữa”.

Trước đây, Ủy ban Nobel Na Uy từng trao giải Nobel Hòa bình cho các cá nhân, tổ chức tiên phong về giải trừ và kiểm soát vũ khí này. Lần gần nhất là vào năm 2017, khi Chiến dịch quốc tế nhằm loại bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) được trao giải.

Anh Trần

Video: Thị trưởng thành phố Tampa, nơi sẽ đón bão Milton: “Nếu bạn chọn ở lại… bạn sẽ chết”