Giới doanh nghiệp Pháp bác lời kêu gọi ngưng đầu tư vào Hoa Kỳ của Tổng thống Macron
- Theo Breitbart
- •
Theo Breitbart, lời kêu gọi của Tổng thống Emmanuel Macron yêu cầu các doanh nghiệp Pháp ngưng đầu tư vào Hoa Kỳ đã bị giới lãnh đạo kinh doanh tại Pháp chế giễu và thẳng thừng từ chối.
Paris đã tỏ ra phẫn nộ trong tuần này trước thông báo về việc áp đặt đòn bẩy thuế quan nhân “Ngày Giải Phóng” của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Tổng thống Macron đã lên án động thái áp đặt thuế quan đối ứng của chính quyền Trump là một “quyết định tàn bạo và vô căn cứ”. Không dừng lại ở đó, ông Macron thậm chí còn đi xa hơn khi kêu gọi các doanh nghiệp Pháp và Châu Âu ngưng đầu tư vào Hoa Kỳ.
“Thông điệp sẽ là gì nếu các tập đoàn lớn của châu Âu đang bắt đầu đầu tư hàng tỷ EUR vào nền kinh tế Hoa Kỳ vào đúng lúc người Mỹ đang [áp đặt thuế quan lên] chúng ta? Chúng ta cần có tinh thần đoàn kết tập thể”, ông Macron phát biểu theo tường thuật của tờ Le Figaro.
Do đó, ông Macron cho rằng “những khoản đầu tư sắp tới hay đã được công bố trong vài tuần gần đây” nên được “tạm hoãn trong một thời gian, cho đến khi chúng ta làm sáng tỏ tình hình với Hoa Kỳ”.
Bộ trưởng Kinh tế Pháp Éric Lombard cũng đưa ra lời kêu gọi tương tự, yêu cầu các doanh nghiệp Pháp thể hiện “lòng yêu nước” trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Pháp và Hoa Kỳ. “Hiển nhiên rằng nếu một tập đoàn lớn của Pháp quyết định đặt xưởng sản xuất tại Hoa Kỳ, điều đó sẽ mang lại lợi thế cho người Mỹ”, ông Lombard lập luận.
Tuy nhiên, lời kêu gọi ấy dường như đã không được lắng nghe, khi nhiều lãnh đạo doanh nghiệp lớn tại Pháp không ngần ngại chế giễu đề xuất này và kiên quyết không từ bỏ thị trường Hoa Kỳ.
“Một số người trong chúng tôi [sửng sốt đến mức suýt] ngã khỏi ghế”, một vị giám đốc doanh nghiệp được ông Macron mời đến điện Élysée trong tuần này để bàn về phản ứng của Pháp đối với thuế quan của Hoa Kỳ cho biết.
“Chúng ta không sống trong một nền kinh tế [được điều hành bằng mệnh lệnh nhà nước]. Tôi không bận tâm ông Macron nói gì. Chúng tôi có cơ sở tại Hoa Kỳ. Không có chuyện từ bỏ chúng một cách dễ dàng như vậy. Chúng tôi phải giữ đúng cam kết đối với nhân viên, khách hàng và cổ đông”, một nhà lãnh đạo doanh nghiệp Pháp khác phẫn nộ nói thêm.
Một vị lãnh đạo doanh nghiệp thứ ba phát biểu: “Quyết định ngưng đầu tư vào Hoa Kỳ là điều không thể chấp nhận được, nhất là trong lúc nền kinh tế [Pháp] đang suy thoái như hiện nay”.
Một số lãnh đạo doanh nghiệp khác lưu ý rằng nhiều công ty Pháp và Châu Âu phụ thuộc thuộc nặng nề vào thị trường Hoa Kỳ, một số doanh nghiệp thậm chí có thể dời toàn bộ hoạt động sang Hoa Kỳ để tận dụng mức giá năng lượng rẻ hơn và mức thuế quan thấp hơn.
Nhiều công ty lớn của Pháp hiện đã có các khoản đầu tư đáng kể tại Hoa Kỳ, như tập đoàn rượu vang và rượu mạnh Pernod Ricard đang đầu tư 240 triệu EUR để xây dựng một nhà máy sản chưng cất rượu bourbon tại tiểu bang Kentucky. Trong khi đó, thương hiệu thời trang Dior đang có kế hoạch khai trương các cửa hàng mới tại thành phố New York và Beverly Hills trong những tháng tới.
Đặc phái viên Tổng thống Hoa Kỳ về các phái bộ đặc biệt, đồng thời là cựu Đại sứ tại Đức, ông Ric Grenell, tuyên bố rằng Hoa Kỳ nên sử dụng các cơ chế tài chính khác để phản ứng lại Pháp nếu Paris tìm cách “thao túng tiến trình thuế quan” bằng cách gây áp lực buộc doanh nghiệp Pháp không đầu tư vào Hoa Kỳ.
“Điều mà người Pháp không nhận ra là có rất nhiều chương trình, cho dù là thông qua một trong những cơ quan của Hoa Kỳ như DFC hay Ngân hàng Xuất-Nhập cảng (Export-Import Bank), nơi chúng tôi cung cấp các khoản vay có bảo đảm – tức là người nộp thuế Hoa Kỳ đã bảo lãnh các khoản vay cho người Pháp trong các dự án hạ tầng lớn. Và chúng ta không nên làm điều đó. Chúng ta không nên giúp người Pháp nếu họ định thao túng quy trình thuế quan để họ luôn có lợi thế hơn chúng ta”, ông Grenell phát biểu.
Trump Says ‘Every Country’ Has Called Him Since Tariff Announcement, UK PM ‘Very Happy’ With Being on Minimum Ratehttps://t.co/UDoIYjcO97
— Breitbart London (@BreitbartLondon) April 5, 2025
Từ khóa Thuế quan Mỹ Emmanuel Macron quan hệ Mỹ - Pháp
