Trang web về IT của Mỹ Intercept đưa tin, công cụ tìm kiếm phiên bản Trung Quốc mà Công ty Google phát triển có thể liên kết lịch sử tìm kiếm với số điện thoại của người dùng, giúp Chính phủ Trung Quốc theo dõi chuẩn xác lịch sử tìm kiếm của từng người. Ngoài ra, nền tảng tìm kiếm này cũng có thể cung cấp chỉ số chất lượng không khí và dữ liệu ô nhiễm không đúng sự thật về lượng độc tố trong không khí tại Trung Quốc Đại lục.

Google
Ảnh từ Getty Images

Truyền thông Mỹ tiết lộ phiên bản Google TQ có Backdoor

Vào tháng Tám, trang web IT của Mỹ Intercept tiết lộ, Google đang bí mật triển khai một kế hoạch có tên là “chuồn chuồn”, kế hoạch sẽ khởi chạy một công cụ tìm kiếm tuân theo kiểm duyệt của nhà cầm quyền Trung Quốc.

Gần đây, Intercept đã biết được thông tin tiết lộ từ những người quen thuộc với dự án này, theo đó họ cho biết công cụ tìm kiếm được thiết kế cho các thiết bị sử dụng Android. Việc tìm kiếm có thể kết nối với ứng dụng tìm kiếm trên điện thoại Android và số điện thoại của người dùng, giúp việc theo dõi hoạt động tìm kiếm của người dùng trở nên dễ dàng hơn. Bất kỳ người dùng nào xem thông tin bị Chính phủ Trung Quốc cấm đều đứng trước nguy cơ bị thẩm vấn hoặc bị giam giữ.

“Từ góc nhìn riêng tư, điều này rất có vấn đề, bởi vì có thể theo dõi và mô tả chi tiết hơn về hành vi của con người”, nhà nghiên cứu cấp cao Cynthia Wong của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) bày tỏ, “Liên kết tìm kiếm và số điện thoại làm cho người dân khó thoát khỏi sự giám sát chặt chẽ quá mức của Chính phủ Trung Quốc.”

Theo Intercept, công cụ tìm kiếm loại bỏ thông tin bị Chính phủ Trung Quốc coi là nhạy cảm, trong đó bao gồm thông tin về các nhà bất đồng chính kiến, tự do ngôn luận, nhân quyền và các cuộc biểu tình ôn hòa. Google thậm chí đã biên soạn một danh sách đen các bài đánh giá, trong đó bao gồm các từ khóa như “quyền con người”, “các cuộc biểu tình của sinh viên” “Giải thưởng Nobel”.

Ngoài ra, nguồn tin cũng tiết lộ rằng nền tảng tìm kiếm cũng buộc phải chọn dùng dữ liệu về vấn đề ô nhiễm môi trường và chất lượng không khí do chính quyền Trung Quốc cung cấp. Người chia sẻ bày tỏ lo lắng nền tảng tìm kiếm “chuồn chuồn” sẽ cung cấp dữ liệu ô nhiễm không chuẩn xác, hạ thấp chỉ số độc tố trong không khí tại Trung Quốc.

Nhân viên của Google từ chức khiến nghị sĩ Mỹ chú ý

Theo thông tin từ VOA, Google đang phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn vì vấn đề công cụ tìm kiếm tuân theo kiểm duyệt của Cộng sản Trung Quốc. Sau vụ việc hơn 1.000 nhân viên Google gửi một bức thư chung cho ban lãnh đạo cấp cao của Google để thể hiện sự bất mãn của họ, đã có ít nhất là bảy chuyên gia của Google xin từ chức để phản đối Google thiếu trách nhiệm giải trình về đạo đức và tính minh bạch, trong đó bao gồm cả nhà khoa học nghiên cứu cấp cao Jack Poulson.

Jack Poulson, người đã xác nhận từ chức vào tháng trước, cho biết ông không chỉ quan tâm đến chuyện kiểm duyệt mà còn lo lắng hơn về hậu quả của việc lưu trữ dữ liệu người dùng ở Trung Quốc đại lục. Điều này sẽ cho phép các nhà chức trách Trung Quốc lấy thông tin và khủng bố các nhóm như các nhà bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động chính trị và các phóng viên truyền thông. Poulson cho rằng nên đứng cùng tổ chức nhân quyền trong vụ tranh chấp này.

Ngày 13/9, có 16 nghị sĩ Mỹ đã lên tiếng thể hiện mối lo ngại nghiêm trọng về hiểm họa tiềm ẩn đối với công cụ tìm kiếm phiên bản Trung Quốc của Google, yêu cầu Google làm rõ vấn đề họ có tuân thủ chính sách kiểm duyệt và giám sát của Cộng sản Trung Quốc không, và làm thế nào để đảm bảo người dùng tránh khỏi sự giám sát và khủng bố của Cộng sản Trung Quốc, bao gồm cả người nước ngoài ở Trung Quốc.

Trong cuộc họp nhân viên Google tổ chức vào giữa tháng Tám qua, Giám đốc điều hành Sundar (Sundar Pichai) của Google đã cho biết, trong kế hoạch kinh doanh công cụ tìm kiếm tại Trung Quốc, Google vẫn chỉ đang trong giai đoạn thăm dò, vẫn chưa biết có ra mắt hay không.

Vào đầu tháng Tám, Nhân dân Nhật báo của nhà nước Trung Quốc đã chia sẻ trên nền tảng truyền thông xã hội ở nước ngoài là Twitter và Facebook rằng, hoan nghênh Google trở lại Trung Quốc đại lục, nhưng điều kiện là phải tuân thủ luật pháp Trung Quốc. Theo “Luật An ninh mạng” mà Cộng sản Trung Quốc bắt đầu thực hiện vào năm 2017, các nhà khai thác kinh doanh mạng internet cung cấp dịch vụ tại Trung Quốc đại lục phải lưu dữ liệu quan trọng tại Trung Quốc đại lục; trong đó cũng quy định người dùng phải cung cấp thông tin thật.

Huệ Anh

Xem thêm: