Hai tàu chiến Mỹ đi gần đá Gaven, Gạc Ma tại Trường Sa
Quân đội Mỹ cho biết hai tàu hải quân nước này hôm thứ Hai (6/5) đã đi qua gần các đảo do Trung Quốc chiếm đóng trái phép tại Trường Sa, Biển Đông. Động thái này của Mỹ có thể khiến Trung Quốc giận dữ vào thời điểm mâu thuẫn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang gia tăng.
Chỉ huy Clay Doss, phát ngôn viên của Hạm Đội 7 Hoa Kỳ, nói với Reuters rằng hai tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường của Mỹ là Preble và Chung Hoon đã đi vào khu vực 12 hải lý gần Bãi đá Gaven và Gạc Ma tại quần đảo Trường Sa.
Ông Clay Doss cho biết động thái “đi qua vô hại” này là “để thách thức các tuyên bố hàng hải quá mức và duy trì quyền tiếp cận tới những vùng nước theo quy định của luật pháp quốc tế.”
Hải quân Mỹ có lập trường lâu dài rằng hoạt động của họ được thực hiện trên khắp thế giới, trong đó bao gồm các khu vực do đồng minh của Mỹ tuyên bố chủ quyền và Washington cho rằng những hoạt động này là tách rời các cân nhắc chính trị.
Hoạt động của hai tàu hải quân nêu trên là nỗ lực mới nhất của Mỹ để đối phó với cái mà Washington xem là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm giới hạn tự do hàng hại tại Biển Đông, nơi hải quân Trung Quốc, Nhật Bản và Đông Nam Á hoạt động.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền hầu hết Biển Đông và thường xuyên chỉ trích gay gắt Mỹ và các đồng minh vì triển khai hoạt động hải quân gần các đảo do Trung Quốc chiếm đóng.
Trung Quốc và Mỹ đã nhiều lần chỉ trích qua lại khi Washington lên án hoạt động quân sự hóa Biển Đông của Bắc Kinh khi họ lắp đặt các thiết bị quân sự trên các đảo và bãi đá nhân tạo.
Trung Quốc bảo vệ hoạt động xây dựng đảo của mình và cho đó là hành động tự vệ cần thiết. Bắc Kinh tuyên bố rằng chính Washington mới là bên phải chịu trách nhiệm cho việc gia tăng mâu thuẫn trong khu vực khi điều tàu chiến và máy bay quân sự hoạt động gần các đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
Tháng trước, chỉ huy trưởng hải quân Trung Quốc nói rằng tự do hàng hải không nên được sử dụng để xâm phạm quyền lợi hợp pháp của các quốc gia khác.
Hoạt động tự do hàng hải của Mỹ đến chỉ vài tuần sau khi Trung Quốc tổ chức diễn hành hải quân quy mô lớn tại Biển Đông, kỷ niệm 70 thành lập hải quân Trung Quốc. Mỹ chỉ gửi một phái đoàn cấp thấp tới tham dự sự kiện quan trọng này của chế độ Bắc Kinh.
Hai tàu chiến Mỹ đi vào Trường Sa chỉ hơn 1 tuần sau khi Washington cũng điều hai tàu chiến đi qua Eo biển Đài Loan.
Theo Reuters, hai tàu khu trục của Mỹ hôm 28/4 đã đi qua Eo biển Đài Loan là tàu William P. Lawrence và Stethem.
Chỉ huy Clay Doss khi đó đã nói trong một tuyên bố rằng: “Hai tàu Hải quân Mỹ quá cảnh qua Eo biển Đài Loan thể hiện cam kết của Mỹ đối với một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở.”
Ông Doss nói thêm rằng không có các hoạt động can thiệp không an toàn và thiếu chuyên nghiệp của tàu chiến của các nước khác trong khi hai tàu khu trục Mỹ đi qua Eo biển Đài Loan – vùng biển rộng khoảng 180km chia tách Đài Loan với Trung Quốc Đại Lục.
Động thái của Mỹ tại Biển Đông diễn ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống Donald Trump bất ngờ thông báo trên Twitter sẽ tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 10/5.
Ông Trump cũng đe dọa sẽ “sớm” đánh thuế lên 325 tỷ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc còn lại.
Qua Twitter, ông Trump đã chỉ trích các cuộc đàm phán thương mại Mỹ – Trung tiến triển quá chậm vì “họ [Trung Quốc] cố gắng đàm phán lại”, sau đó Tổng thống Mỹ kết thúc tweet bằng lời khẳng định “Không!”.
Quyết định của ông Trump thực sự là một cú sốc khi mà nhiều người đã hy vọng hai nước Mỹ, Trung có thể đạt được thỏa thuận thương mại vào ngày 10/5 sau khi trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc – Phó Thủ tướng Lưu Hạc chốt lịch sẽ đến Washington vào ngày 8/5 để họp vòng đàm phán thương mại thứ 11.
Xuân Thành
Từ khóa biển Đông Trường Sa tàu chiến Mỹ tự do hàng hải