Mỹ – Hàn lắp đặt lá chắn tên lửa THAAD trong đêm
- Xuân Thành
- •
Các cơ quan thông tấn Hàn Quốc đưa tin, vào rạng sáng thứ Tư 26/4, cư dân địa phương đã tổ chức biểu tình phản đối lực lượng Mỹ – Hàn Quốc lắp đặt các thành phần chính của hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại một sân golf ở quận Seongju, phía bắc Gyeongsang, cách thủ đô Seoul khoảng 250km.
Trong đêm khuya, xe quân đội đã chở các bộ phận của THAAD gồm hệ thống radar AN/TPY-2 mạnh mẽ và ít nhất 2 bệ phóng lắp tên lửa đánh chặn tới một sân golf, nơi quân đội vừa mua lại quyền sử dụng từ tập đoàn Lotte và trao quyền quản lý cho lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc.
Quá trình vận chuyển và lắp đặt diễn ra từ khoảng 4h40’ đến khoảng 7h sáng. Khi đó có khoảng 20 xe tải và xe moóc quân sự chở các bộ phận của hệ thống THAAD, cùng máy phát điện và máy làm mát vào khu vực Seongju.
Do tin tức về quá trình lắp đặt này bị rò rỉ, nên có hàng trăm cư dân Seongju, các nhà hoạt động và đại diện các tổ chức tôn giáo địa phương đã tập trung tại Chojeon-myeon, trung tâm của thị trấn Soseong-ri, gần sân golf nơi lắp đặt THAAD để phản đối việc triển khai này.
Chính quyền đã huy động khoảng 8.000 cảnh sát đến hiện trường để bảo vệ cho đoàn xe tải quân sự di chuyển vào khu vực lắp đặt. Quân đội cũng đã được triển khai đến đây để phong tỏa tuyến đường vận tải và đẩy lùi người biểu tình ra ngoài thành phố.
Những người biểu tình tập hợp theo từng nhóm, răng biểu ngữ chỉ trích gay gắt việc triển khai THAAD. Họ kêu gọi đảm bảo hòa bình và chất vấn liệu Mỹ có thực sự là bạn của Hàn Quốc.
Các nguồn tin từ báo chí địa phương cho biết cảnh sát đã thẳng tay trấn áp người biểu tình và đã có người bị gãy xương sườn, cổ tay; nhiều người phải nhập viện, kể cả người già.
Sau khi hoàn thành việc lắp đặt, cảnh sát đã rời khỏi hiện trường trước 8h sáng.
Việc di chuyển hệ thống THAAD từ căn cứ của Hoa Kỳ tới khu vực sân golf đã diễn ra sớm hơn dự kiến, trước cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc sắp diễn ra vào 9/5.
Các cuộc kiểm tra toàn diện môi trường khu vực lắp đặt vẫn chưa hoàn thành.
Quá trình lắp đặt mới nhất này cách lần lắp đặt đầu tiên 51 ngày và chỉ cách 6 ngày từ thời điểm chính phủ chuyển giao khu đất sân golf cho lực lượng quân đội Hoa Kỳ tại Hàn Quốc quản lý.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hôm thứ Tư 26/4 đã chính thức xác nhận vị trí lắp đặt THAAD và nói rằng việc lắp đặt này thể hiện “ưu tiên bảo đảm năng lực hoạt động” phòng chống mối đe doạ hạt nhân và tên lửa từ Bắc Triều Tiên.
Bộ Quốc phòng cũng nhấn mạnh: “Các quy trình khác như đánh giá môi trường, kiến tạo khu vực lắp đặt sẽ tiến hành bình thường, và quân đội sẽ hoàn thiện khả năng hoạt động của THAAD vào cuối năm nay”.
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ trong một phát ngôn gần đây cũng cho biết rằng họ đang làm việc cùng Hàn Quốc để “hoàn thiện lắp đặt hệ thống THAAD càng sớm càng tốt” không cần đánh giá các vấn đề quá chi tiết.
“Việc triển khai THAAD là biện pháp quan trọng để bảo vệ người dân Hàn Quốc và các lực lượng liên minh chống lại các mối đe dọa tên lửa từ Bắc Triều Tiên hiện đang dâng cao trong thời gian gần đây”. Cơ quan quốc phòng Mỹ nhấn mạnh.
Các nhà quan sát cho rằng việc lắp đặt hệ thống THAAD gần như đã hoàn tất và nó sẽ sớm được đưa vào sử dụng.
Vào tháng 7 năm ngoái, Seoul và Washington đã đạt được thỏa thuận lắp đặt hệ thống THAAD tại Hàn Quốc bất chấp sự phản đối quyết liệt từ phía Bắc Kinh và Moscow.
Trung Quốc cho rằng việc Hàn Quốc lắp đặt THAAD là đi ngược lại với lợi ích chiến lược của Bắc Kinh và họ đã bắt đầu có hành động trả đũa bằng các biện pháp kinh tế.
Bắc Kinh đặc biệt lo ngại rằng radar cực mạnh của hệ thống THAAD có thể được sử dụng để theo dõi họ, mặc dù Washington cho biết phạm vi của radar này chỉ giới hạn trong việc phòng thủ chống lại Bắc Triều Tiên.
Người nông dân địa phương, các tổ chức dân sự và tôn giáo, kể cả những người Phật giáo Won, đã tiếp tục các cuộc mít tinh trong suốt ngày thứ Tư, phản đối việc triển khai THAAD, cáo buộc cảnh sát có hành vi bạo lực và xâm hại quyền công quân của cư dân địa phương.
Ông Seo Chang Ho, một nhà hoạt động của tổ chức Liên kết vì Nhân quyền phát biểu trên một tờ báo địa phương rằng: “Chính phủ đã đơn phương di chuyển và lắp đặt hệ thống THAAD vào rạng sáng, thời điểm chỉ cách cuộc bầu cử tổng thống khoảng hai tuần, bộc lộ rõ ý định triển khai THAAD trước khi có sự thay đổi chính phủ”.
Ông Seo Chang Ho khẳng định: “Việc triển khai một hệ thống vũ khí gây căng thẳng với các nước mạnh trong khu vực mà không có sự đồng thuận của xã hội là một mối đe dọa lớn đối với hòa bình trên bán đảo Triều Tiên”.
Ông Park Kwang-on, phát ngôn viên của đảng Dân chủ Tự do nhấn mạnh “cực kỳ đáng tiếc khi triển khai THAAD mà lại lờ đi ý kiến của dân chúng và tiến trình thực hiện phù hợp”.
“Các thiết bị đã được di chuyển và lắp đặt bất chấp thực tế rằng việc đánh giá môi trường chưa hoàn thành và có sự phản đối của dân chúng. Cần phải dừng việc triển khai này ngay bây giờ. Chính quyền sắp tới sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề này”. Ông Park nói thêm.
Hệ thống THAAD là gì?
THAAD (Terminal High Altitude Area Defense – Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối) do Hoa Kỳ phát triển. Đây là một hệ thống tên lửa đất đối không chống tên lửa, có khả năng phóng tên lửa ở trong và vượt ngoài tầng khí quyển trái đất.
Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Hoa Kỳ, đơn vị chịu trách nhiệm giám sát triển khai THAAD, cho biết hệ thống vũ khí này có thể đánh chặn và tiêu diệt các tên lửa đạn đạo ở bất kỳ quỹ đạo nào, dù ở giai đoạn gần cuối hoặc cuối cùng, khi nó tiến về phía mục tiêu, tức là sẽ đánh chặn vào lúc tên lửa đối phương đang có xu hướng chúc xuống gần mục tiêu.
THAAD sử dụng động năng, thay vì mang theo một bộ phận nổ, để tiêu diệt các đầu đạn hạt nhân đang hướng đến. Bà Yvonne Chiu, một chuyên gia về chính sách quân sự, nói với CNN rằng vì các tên lửa đánh chặn của THAAD không mang đầu đạn hạt nhân và phá hủy tên lửa bằng cách va chạm với chúng, nên “có khả năng an toàn hơn” và ít gây nổ hạt nhân hơn.
“Nếu chúng ta bắn trúng một tên lửa đạn đạo hạt nhân bằng một tên lửa không có đầu đạn, nó sẽ không gây ra vụ nổ hạt nhân”. Bà Chiu nhấn mạnh.
Cũng cần nói thêm rằng khả năng đánh chặn từ trên cao làm giảm tác động của vũ khí hủy diệt hàng loạt trước khi chúng chạm đất.
Hệ thống phóng tên lửa chống tên lửa là một xe tải có mang theo 8 máy đánh chặn có thể nạp lại được. Hệ thống này kết hợp với radar phỏng thủ tên lửa. Đây là radar tần số cao với mức quét rộng nhất thế giới hiện nay.
THAAD do nhà thấu chính Lockheed Martin triển khai. Hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến này lần đầu tiên được đề xuất thực hiện nhằm phản ứng lại mối đe dọa của các cuộc tấn công tên lửa Scud từ các lực lượng vũ trang Iraq trong chiến tranh vùng Vịnh năm 1991. Mỹ lần đầu triển khai hệ thống THAAD tại Hawaii vào năm 2009 để chống lại mối đe dọa của một cuộc tấn công từ Bắc Triều Tiên.
Xuân Thành
Xem thêm:
Từ khóa căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên THAAD