Hàn Quốc phục hồi bình thường hệ thống THAAD khiến ĐCSTQ “nóng mặt”
- Thiên Tư
- •
Kể từ năm 2016, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã không ngừng ngăn cản Hàn Quốc triển khai hệ thống chống tên lửa THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc. Mới đây, phía Trung Quốc tuyên bố Hàn Quốc đã vi phạm “3 không 1 hạn” của Trung Quốc. Tuyên bố đã bị Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc phản bác hôm 11/8.
Hàn Quốc khôi phục THAAD bất chấp “3 không 1 hạn”
Những năm qua, ĐCSTQ đã không ngừng phản đối việc Hàn Quốc triển khai Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD, còn được gọi là Hệ thống chống tên lửa THAAD). Mới đây hôm 11/8, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc đã đánh thẳng vào quan điểm phía Trung Quốc khi tuyên bố hệ thống THAAD tại căn cứ quân sự Mỹ – Hàn Quốc ở Seongju dự kiến sẽ được tục triển khai bình thường vào cuối tháng Tám.
Vào cuối năm 2017, ĐCSTQ tuyên bố rằng họ đã đạt được đồng thuận “3 không 1 hạn” với Hàn Quốc (không triển khai bổ sung thêm hệ thống THAAD, không thúc đẩy liên minh quân sự Hàn Quốc-Mỹ-Nhật Bản, không tham gia vào hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, và các hạn chế sử dụng hệ thống THAAD được triển khai tại các căn cứ quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc). Tuy nhiên, Tổng thống đương nhiệm mới được bổ nhiệm là Yoon Suk-yeol đã tuyên bố sẵn sàng cho việc Mỹ triển khai thêm THAAD ở Hàn Quốc, động thái khiến gần đây Bộ Ngoại giao ĐCSTQ cảnh báo và đề nghị phía Hàn Quốc tuân thủ “3 không 1 hạn”.
Theo Hãng thông tấn Yonhap, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngay lập tức bác bỏ tuyên bố của ĐCSTQ, nhấn mạnh rằng cái gọi là “3 không 1 hạn” không phải là cam kết của phía Hàn Quốc với Trung Quốc, cũng không phải thỏa thuận mà hai bên đã đạt được, do đó nếu phía Trung Quốc cứ buộc như vậy sẽ gây khó khăn cho quan hệ 2 nước và phương hại đến lợi ích của nhân dân 2 nước.
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc ngày 11/8 tuyên bố thẳng thắn hơn, “Hệ thống THAAD là một phương thức phòng thủ tự vệ nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân trước mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên. Đây là vấn đề an ninh và chủ quyền quốc gia và không thể bị xâm phạm! “3 không 1 hạn” chỉ là quan điểm của Chính phủ khóa trước chứ không phải là thỏa thuận hoặc thỏa thuận được kế thừa bởi Chính phủ đương nhiệm, còn Chính phủ trước đây chưa bao giờ thông báo cho Chính phủ hiện tại về các vấn đề liên quan hoặc cung cấp thông tin liên quan”.
Ngoài ra, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cũng thông báo: “Dự kiến căn cứ THAAD của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc ở huyện Seongju tỉnh Bắc Gyeongsang sẽ hoạt động bình thường trở lại vào cuối tháng này, các công việc liên quan đang được tiến hành”.
Thông tấn xã Yonhap đưa tin, Văn phòng Tổng thống đã đưa ra tuyên bố trên với phía Trung Quốc về vấn đề “3 không 1 hạn” trong một cuộc họp báo ngày 11/8, đồng thời nhắc lại rằng THAAD là một biện pháp phòng thủ bảo vệ tính mạng của người dân Hàn Quốc trước mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, đây không thể là vấn đề để đàm phán.
Khi được giới truyền thông hỏi phản ứng thế nào nếu Trung Quốc có hành động trả đũa kinh tế một lần nữa, nhà chức trách Hàn Quốc nhắc lại rằng THAAD là một vấn đề an ninh và chủ quyền, liên quan đến an toàn cuộc sống của người dân Hàn Quốc.
Năm 2016, Hàn Quốc và Mỹ đã đàm phán về việc triển khai hệ thống THAAD ở Hàn Quốc để phòng thủ trước các cuộc tấn công vũ trang từ Triều Tiên, nhưng ĐCSTQ cho rằng phạm vi giám sát của hệ thống THAAD cũng đến Trung Quốc, điều này có hại cho lợi ích của Trung Quốc, do đó ĐCSTQ cũng sử dụng các biện pháp như “Lệnh hạn chế Hàn Quốc” gây vấn đề kinh tế không nhẹ cho Hàn Quốc.
Hàn Quốc đẩy nhanh khôi phục hoạt động bình thường THAAD
Theo Hãng thông tấn Yonhap, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 16/6 cho biết, để thành lập Hội đồng Đánh giá Tác động Môi trường Căn cứ THAAD (gọi tắt là Hội đồng), Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã yêu cầu các cơ quan liên quan đến môi trường và chính quyền địa phương nơi đặt THAAD để giới thiệu các thành viên của Hội đồng.
Theo luật và quy định liên quan, thành viên của Hội đồng sẽ bao gồm công chức của chính quyền địa phương và cơ quan môi trường địa phương, các chuyên gia môi trường tư nhân, đại diện người dân địa phương, công chức của Bộ Môi trường và Bộ Quốc phòng. Bộ Quốc phòng có kế hoạch cử đại diện cư dân và các chuyên gia được các nhóm người dân giới thiệu làm thành viên ủy ban đánh giá, để tất cả các bên có thể tham khảo và trao đổi đầy đủ trong quá trình xem xét. Sau khi thành lập Hội đồng, Bộ Quốc phòng sẽ tiến hành các thủ tục như xem xét phạm vi và phương pháp đánh giá, viết dự thảo, công bố tài liệu và tổ chức các phiên điều trần của cư dân. Đánh giá tác động môi trường được kết luận sau khi Bộ Quốc phòng và Bộ Môi trường thống nhất kết quả đánh giá.
Mỹ đã hối thúc phía Hàn Quốc sớm nhất có thể vấn đề khôi phục hoạt động bình thường của căn cứ THAAD. Chính phủ Hàn Quốc khóa trước đã lên kế hoạch bắt đầu vào năm 2019 đánh giá tác động môi trường chung, nhưng việc thành lập Hội đồng đã bị trì hoãn cho đến nay do sự phản đối của người dân. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol từng đề xuất trong chương trình tranh cử của mình rằng ông sẽ hoàn thiện đánh giá tác động môi trường trong nhiệm kỳ của ông và hỗ trợ quân đội Mỹ đóng tại Hàn Quốc thực hiện sứ mệnh.
Ngày 7/2/2016 Hàn Quốc bắt đầu đàm phán với Mỹ về việc triển khai hệ thống chống tên lửa THAAD, việc công bố chính thức triển khai là ngày 8/7 cùng năm, còn việc triển khai cụ thể bắt đầu vào ngày 6/3/2017. Kế hoạch này đã gây phản đối mạnh mẽ từ ĐCSTQ.
Từ khóa Quan hệ Trung Quốc - Hàn Quốc hệ thống chống tên lửa THAAD Hàn Quốc THAAD