Hàng nghìn người chạy sang Thái Lan trong bối cảnh Myanmar tiếp tục giao tranh
- Nhật Minh
- •
Theo các quan chức Thái Lan, hàng nghìn người đã chạy qua biên giới sang Thái Lan trong bối cảnh giao tranh ác liệt giữa quân đội và các nhóm nổi dậy có vũ trang của Myanmar.
Myanmar rơi vào tình trạng hỗn loạn khi quân đội giành chính quyền từ chính phủ dân cử của bà Aung San Suu Kyi vào tháng 2/2021, dẫn đến các cuộc biểu tình rầm rộ và nổi dậy vũ trang.
Các quan chức Thái Lan cho hay, giao tranh gần biên giới tập trung gần thị trấn Myawaddy ở miền Nam bang Karen, còn được gọi là Kayin, giáp với tỉnh Tak của Thái Lan.
“Khoảng 3.998 người đã trốn chạy đến nơi trú ẩn tạm thời của Thái Lan” trên 10 khu vực, các quan chức tỉnh Tak thông báo. Ho cũng cho biết thêm rằng tình hình đang được theo dõi chặt chẽ.
Báo tiếng Anh Khaosod của Thái Lan và BBC tiếng Miến Điện đưa tin, giao tranh bùng phát sau một cuộc tấn công vào đồn biên phòng của binh sĩ vũ trang từ Quân đội Giải phóng Quốc gia Karen, một nhóm vũ trang sắc tộc.
“Nhiều người đã vượt biên từ hôm qua và một số vẫn đang đợi ở phía Myanmar để qua. Mọi người hiện không có đủ nước uống, và thậm chí cũng không có bất kỳ nhà vệ sinh nào,” một một nhân viên từ thiện yêu cầu giấu tên nói với Reuters.
Thái Lan cho biết lực lượng không quân của họ đang theo dõi tình hình và “sẵn sàng điều động các chuyến bay tuần tra nếu không phận Thái Lan bị xâm phạm”.
“Trung tâm chỉ huy biên giới Thái Lan-Myanmar ở tỉnh Tak đang hợp tác với các cơ quan liên quan để đảm bảo an toàn và trợ giúp theo các nguyên tắc nhân đạo cho tất cả những người bỏ chạy khỏi cuộc chiến ở Myanmar,” chính quyền tỉnh nêu rõ trong một tuyên bố hôm 6/4.
Kể từ cuộc đảo chính, một số nhóm vũ trang sắc tộc như KNLA, vốn đã chiến đấu với các lực lượng vũ trang trong nhiều thập kỷ, đã liên kết với các nhóm chống đảo chính để cố gắng buộc các tướng lĩnh phải từ bỏ quyền lực. Theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị, quân đội Myanmar đã sử dụng vũ lực sát thương chống lại các đối thủ của mình, giết chết khoảng 3.212 người và bỏ tù hơn 17.000 người.
Họ cũng chuyển sang sử dụng sức mạnh không quân trong nỗ lực quét sạch phe đối lập. Các nhà quan sát đã cáo buộc quân đội nhắm mục tiêu vào dân thường trong các vụ đánh bom và tấn công trên bộ. Ngôi làng ở Tây Bắc Myanmar bị đánh bom ngay tuần trước.
Quân đội Myanmar tuyên bố họ đang chiến đấu với “những kẻ khủng bố” và phủ nhận việc nhắm mục tiêu vào dân thường. Họ thậm chí còn đổ lỗi cho các chiến binh chống đảo chính về cái chết của thường dân.
Từ khóa người tị nạn Myanmar khủng hoảng tại Myanmar