Học giả Đài Loan phân tích lý do Trump giành chiến thắng
- Mộc Vệ
- •
Bầu cử tổng thống Mỹ đã có kết quả với chiến thắng thuộc về ông Trump, nhà tỷ phú này sẽ trở thành tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Kết quả có lẽ đã làm cả thế giới bất ngờ, nhiều người đang băn khoăn không biết chuyện gì đã xảy ra? Tại sao có thể như vậy? Kinh nghiệm câu chuyện nước Anh thoát Âu một lần nữa đã lặp lại: Đa số phân tích và dự đoán trước khi bỏ phiếu đều không đúng. Một người ủng hộ bà Clinton quanh năm sống ở New York không giấu được tâm trạng “phẫn nộ” sau khi kết quả bầu cử công bố: “Tôi xấu hổ cho người Mỹ, một kẻ bài ngoại, phân biệt chủng tộc, thế mà lại trúng cử”.
Ba điểm quan trọng: Lớp người dưới trung lưu, giới trẻ, giai cấp công nhân
Trong đêm bầu cử tổng thống Mỹ, Hiệp hội Mỹ tại Đài Loan (AIT) và Quỹ Đài Loan vì Dân chủ đã tổ chức họp chuyên đề phân tích bầu cử, họ đã tổng kết nguyên nhân quan trọng giúp Trump thắng cử nhờ vào ba nhóm người: lớp dưới trung lưu, giới trẻ, giai cấp công nhân, đặc biệt nhất là nhóm nam giới người da trắng có mức thu nhập và trình độ học vấn tương đối thấp cùng đông đảo người lao động phổ thông.
Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đến nay, đây là những nhóm người bị tổn thương mạnh nhất, hệ thống chính phủ hiện hành không thể giúp họ giải tỏa được những bất mãn và oán hận trong suốt thời gian kéo dài, và câu chuyện đã bùng nổ trong đợt bầu cử lần này. Bất chấp các phương tiện truyền thông chính thống, các học giả, các ngôi sao nổi tiếng công khai ủng hộ bà Hillary cũng không ngăn được “dòng nước lũ” này.
Phó giáo sư Du Chấn Hoa, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu bầu cử Đại học Chính trị Đài Loan nhận định: “Ông Trump thắng cử là một kiểu phản ứng chống thể chế hiện hành (anti-establishment), chống lại giới chính trị tinh anh hiện hành”. Còn ông Từ Tư Kiểm, Chủ nhiệm Quỹ Dân chủ Đài Loan nhận xét: “Ông Trump thắng là hệ quả phản ứng của lớp dưới trung lưu, tranh luận trong vấn đề ủng hộ Trump ngày càng mạnh mẽ cho thấy ngày càng thêm nhiều người Mỹ bất mãn với hệ thống hiện nay. Trump là người trúng cử đầu tiên dám lột trần vấn đề này ra, ông ấy dám nói những gì mà các nhân vật chính trị bình thường giữ im lặng”.
Vai trò quan trọng của giới trẻ
Theo chuyên gia Du Chấn Hoa, khi đảng Dân chủ bầu cử sơ bộ, vai trò ông Sanders nổi lên chính là hệ quả nối tiếp từ phong trào chiếm phố Wall tác động mạnh vào giới trẻ khốn khó trong thời đại mới. Giới trẻ hiểu rõ những nhóm lợi ích thì thao túng chính trị, còn toàn cầu hóa chỉ có lợi cho số ít kẻ đặc quyền, đa số người dân thường phải chịu thiệt thòi. Sau đó ông Sanders thua bà Hillary Clinton, nhưng hình ảnh gia đình Clinton lại chính là đại diện của nhóm lợi ích, cho dù cử tri trẻ tuổi xưa nay thường ủng hộ Đảng Dân chủ nhưng nay cũng không muốn bỏ phiếu cho bà Hillary, họ đành quay sang ủng hộ ứng viên tranh cử độc lập.
Theo chuyên gia Du Chấn Hoa, điểm quan trọng giúp ông Obama thắng cử trước đây là nhờ sự ủng hộ của lớp công nhân lao động, nhưng hiện nay tình thế đảo chiều: “Điều ngạc nhiên nhất trong kết quả bầu cử lần này là những người ủng hộ Obama 4 năm trước nhưng giờ đây đã không còn ủng hộ bà Hillary, trong khi ngôn từ tranh cử của ông Trump hấp dẫn tầng lớp lao động vùng Trung Tây nước Mỹ, ông Trump quy lỗi suy thoái kinh tế vì tự do thương mại đã khiến ứng viên Hillary, người từng ủng hộ TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương Hiệp) bị thất sủng”.
Theo phân tích exit polls (thăm dò cử tri khi họ rời phòng bỏ phiếu) của Thời báo New York, những người da trắng có thu nhập và trình độ giáo dục thấp có khuynh hướng ủng hộ đảng Dân chủ, còn nhóm người da trắng có thu nhập và trình độ giáo dục cao thì theo khuynh hướng ủng hộ đảng Cộng hòa, nhưng khi bầu cử mọi thứ đã đảo ngược đầy kịch tính. Ngoài ra, tỉ lệ ủng hộ bà Hillary của nhóm cử tri người gốc Phi, Mỹ La tinh, châu Á không còn giữ được như thời ông Obama, còn ông Trump được nhiều cử tri da trắng ủng hộ hơn so với các ứng cử viên đảng Cộng hòa trong quá khứ.
Nhìn vào những bang ông Trump chiếm ưu thế cho thấy rõ hiện tượng này. Những bang nông nghiệp miền Trung và miền Nam không giàu có đều ủng hộ ông Trump, còn bà Hillary được ủng hộ của đa số các thành phố lớn vùng duyên hải ở hai bờ đông và tây. Bang quan trọng quyết định chiến thắng hay thất bại nằm ở gần vùng Ngũ Đại Hồ (Great Lakes Region): Michigan, Wisconsin… là vùng thường xuyên có tỷ lệ thất nghiệp cao, hầu như chuyển qua ủng hộ Trump.
Ngày càng nhiều người mất niềm tin vào thể chế hiện hành
Sự xuất hiện của nhóm người đông đảo chống thể chế này “là hệ quả thất bại của nền chính trị đại diện dân chủ Mỹ”, chuyên gia Nghiêm Chấn Sinh thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ quốc tế Đại học Chính trị giải thích. Ông cho rằng: “Những nhân vật tinh anh chính trị của chính phủ thường xuyên cư ngụ ở Washington, thậm chí nhiều nghị sĩ Quốc hội không có nhà ở khu vực bầu cử tại quê hương họ, những người này không gần gũi với địa phương thì làm sao nghe được tiếng nói cử tri ở cơ sở”.
“Phần lớn những người làm công ăn lương cho rằng những chính sách và dự luật do Chính phủ và Quốc hội Mỹ làm ra trong hơn chục năm qua chỉ làm lợi cho thiểu số người có tiền, càng ngày họ càng không tin vào Chính phủ và những nhân vật chính trị, vì thế tâm trạng chống thể chế không ngừng lên cao”, chuyên gia Nghiêm Chấn Sinh nhận định.
Theo thăm dò dư luận của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy, tỷ lệ cử tri Mỹ tin tưởng vào chính phủ, từ thời Tổng thống Bush nhậm chức (2001) là 60%, bây giờ chỉ còn 20%. Vì vậy, khi ông Trump lên tiếng “cuộc bầu cử này không phải là một cuộc đua chính trị bình thường, mà là ngã tư của nền văn minh, nó xác định xem liệu chúng ta có thể lấy làm mới lại chính phủ của mình hay không”, ngay lập tức nhận được hưởng ứng mạnh mẽ của tầng lớp dưới trung lưu đang đầy bất mãn.
Trong một bài diễn thuyết gần đây ở Đài Bắc, ông Zoher Abdoolcarim, Tổng biên tập mảng châu Á của “Tạp chí Thời Đại” đã hình dung: “Nỗi oán giận này là do sự thiếu hiểu biết của giới chính trị Washington gây ra, vì thế chúng ta không thể xem nhẹ thông điệp của ông Trump”. Thông điệp này cũng từng được cựu Thứ trưởng Bộ An ninh Nội địa Mỹ Jane Lute nhắc tới: “Hiệu quả trong giải quyết các vấn đề xã hội vô cùng phức tạp của thể chế Mỹ đang bị nghi ngờ trên mọi phương diện”.
“Thất bại” của giới chuyên gia và truyền thông
Cho dù có vấn đề mâu thuẫn vì ông Trump là một tỉ phú, được thừa kế của cải giàu có của gia tộc, thuộc đối tượng được hưởng lợi trong xã hội Mỹ, thường có những phát ngôn trước sau mâu thuẫn, mang nhiều tai tiếng trong quá khứ, nhưng những người ủng hộ ông Trump xem như không thấy, một phần cũng vì tâm trạng chống thể chế hiện hành, căm ghét những nhân vật chính trị truyền thống. Chiến thắng của ông Trump phản ánh nỗi căm giận của nhóm cử tri này đã tích tụ quá lâu, và đây là thời điểm mà những tức giận có cơ hội bùng phát. Nó mạnh đến nỗi toàn hệ thống truyền thông chính thống, những chủ nhân giải Nobel Kinh tế chống TPP như Stiglitz cùng hơn trăm nhà kinh tế và hàng loạt ngôi sao nổi tiếng công khai ủng hộ Hillary cũng không thể ngăn chặn được “cơn thủy triều” này.
Chuyên gia Nghiêm Chấn Sinh nhận định: “Nguyên nhân là vì bao lâu nay truyền thông chính thống và những nhân vật nổi danh này là bạn đồng hành của thể chế chính trị hiện hành. Bầu cử Mỹ lần này đã chứng minh cho câu châm ngôn cổ xưa: nước có thể chở thuyền, cũng có thể lật thuyền. Bà Hillary Clinton không thể thu hút được những người từng ủng hộ Tổng thống Obama 8 năm trước nên đã thất bại; trường hợp tương tự, nếu trong 4 năm tới mà ông Trump không thể làm những người ủng hộ ông hiện nay hài lòng thì cũng sẽ bị phế truất. “Dân chủ đại biểu” (representative democracy) trong nền chính trị dân chủ không phát huy được vai trò, làm lệch pha nghiêm trọng giữa nhu cầu của cử tri và năng lực của chính phủ, là vấn đề lớn mà tất cả xã hội dân chủ phải cùng suy nghĩ giải quyết”.
Từ khóa Donald Trump bầu cử tổng thống Hillary Clinton bầu cử tổng thống Mỹ Bầu cử