Hội nghị APEC do Mỹ chủ trì trong bối cảnh xu thế kiềm chế toàn cầu hóa
- Tiêu Nhiên
- •
Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) kéo dài một tuần sẽ được tổ chức tại San Francisco vào ngày 17/11, theo đó lãnh đạo 21 quốc gia sẽ cùng nhau thảo luận về căng thẳng quốc tế và phương hướng phát triển. Bối cảnh này, cuộc gặp vào thứ Tư giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình càng trở thành tâm điểm.
Hiện nay nước Mỹ có nhiều vấn đề có thể can nhiễu hội nghị thượng đỉnh APEC. Bên trong, thành phố chủ nhà San Francisco phải đối mặt với các vấn đề như tình trạng người vô gia cư, môi trường kinh doanh ở trung tâm thành phố không tốt, lạm dụng ma túy và tỷ lệ tội phạm cao. Bên ngoài, Israel và Ukraine đang trong cuộc chiến tranh sinh tồn. Các nước thuộc vành đai Thái Bình Dương lo ngại Mỹ đang tập trung sự chú ý vào các vấn đề khác gây ảnh hưởng trong cam kết về chính sách mở cửa thị trường như truyền thống vẫn làm.
Theo Washington Times, mặc dù APEC có khởi đầu tốt và đạt được những thành công sớm kể từ khi thành lập năm 1989, nhưng thành quả cụ thể về tự do hóa thương mại và đầu tư trong khu vực còn chậm chạp. APEC vẫn được dõi theo chặt chẽ sau khi kết nạp thêm một số nền kinh tế mới nổi năng động nhất.
Khu vực APEC có dân số 3 tỷ người, chiếm gần 48% thương mại hàng hóa và dịch vụ toàn cầu và 62% GDP thế giới. Đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các nền kinh tế APEC vào Mỹ đã đạt 1.710 tỷ USD. Báo cáo mới nhất “Các vấn đề châu Á của Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương” do Trung tâm Đông Tây (East-West Center) Mỹ công bố cho thấy, gần 56% hàng xuất khẩu của Mỹ chảy vào các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương này, tạo ra gần 7 triệu việc làm cho nước Mỹ.
Phó chủ tịch Văn phòng Washington của Trung tâm Đông Tây là Satu Limaye cho biết: “Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) và sáng kiến APEC đặt nền tảng cho các ưu tiên của Mỹ, đồng thời ở những mức độ khác nhau là ưu tiên của 22 nền kinh tế APEC khác”.
Bà Whaley Chủ tịch của Trung tâm Quốc gia APEC Mỹ cũng chia sẻ: “Năm chủ nhà năm nay cho phép Mỹ thúc đẩy một chính sách kinh tế mang lại lợi ích cho người lao động, doanh nghiệp thuộc mọi quy mô và gia đình ở nước Mỹ và trên toàn khu vực APEC”.
Nhưng những thách thức mà chính quyền Tổng thống Biden hiện nay phải đối mặt rất khác so với những thách thức mà chính quyền Mỹ phải đối mặt trong quá khứ. 20 năm trước, các nhà lãnh đạo nước ngoài chủ yếu ủng hộ toàn cầu hóa và thương mại tự do, nhưng hiện nay quản trị toàn cầu đang bị phân mảnh, tách rời, “giảm rủi ro” và chủ nghĩa dân tộc đang thúc đẩy động lực này.
Ứng phó thách thức từ Trung Quốc
Trong 30 năm kể từ khi Hội nghị APEC được tổ chức, ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc đối với địa chính trị và kinh tế khu vực đã gây ra mối lo ngại lớn. Trung Quốc đã thách thức nhiều nguyên tắc cơ bản của APEC.
Trong một phân tích gần đây, chuyên gia về Trung Quốc Niels Graham – Phó giám đốc Ủy ban Trung tâm Kinh tế Địa lý Đại Tây Dương cho biết: “Mặc dù cuộc gặp thành công với ông Tập Cận Bình có thể thúc đẩy hơn nữa các ưu tiên kinh tế và chính trị ngắn hạn quan trọng, nhưng thông báo kinh tế có tác động mạnh nhất từ APEC có thể sẽ không liên quan đến cuộc gặp của họ”.
Khi Trung Quốc trở thành một thách thức kinh tế và an ninh trên toàn khu vực, lưỡng đảng Mỹ ngày càng có sự đồng thuận rằng Trung Quốc không tuân thủ trật tự dựa trên luật lệ, vi phạm các quy tắc thương mại toàn cầu và tạo ra một sân chơi không công bằng cho các công ty nước ngoài.
Mỹ đã tìm cách xây dựng quan hệ đối tác và liên minh để kiềm chế Trung Quốc, định hình lại cán cân quyền lực trong khu vực và thiết lập vai trò của Mỹ trong khu vực.
Mỹ có thể sẽ ngày càng có được khả năng tiếp cận các cơ hội phát triển từ các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam và Philippines là những nước lo ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh, điều đó thể hiện rõ nhất qua Sáng kiến Vành đai và Con đường đặc trưng của ông Tập Cận Bình và hiện đại hóa quân sự ở Biển Đông.
Ông Osius, cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam và Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN cho biết: “Mỹ nên tập trung vào việc làm cho các sáng kiến bền vững hơn, qua đó để tiếp tục xây dựng mối quan hệ bền chặt với các đối tác và đồng minh trong khu vực”. Ông ủng hộ mạnh mẽ việc thành lập Ban Thư ký Khung Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để thiết lập một cơ cấu hành chính thường trực cho các chương trình tiếp cận cộng đồng bên ngoài của Mỹ.
Vào tháng 9, Mỹ và Việt Nam đã nâng cấp lên “mối quan hệ chiến lược toàn diện” để mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ song phương. Thỏa thuận này mang lại chuỗi cung ứng đáng tin cậy cho chất bán dẫn của Việt Nam và môi trường thuận lợi hơn cho đầu tư của Mỹ.
Một số người lập luận rằng những can nhiễu từ Trung Đông và Ukraine cùng thực tế rối ren ở Washington càng là lý do để Mỹ tăng cường quan hệ với Vành đai Thái Bình Dương năng động. Trong một cuộc phỏng vấn với Đài VOA Mỹ, quan chức cấp cao phụ trách các vấn đề APEC tại Bộ Ngoại giao Mỹ là Murray cho biết, “Dù đó là vấn đề an ninh lương thực, giá cả hay năng lượng, tất cả đều có những tác động từ việc Nga xâm lược Ukraine. Vì vậy, đây là một vấn đề cho APEC”.
Kênh tiếp cận quan trọng
Các nhà phân tích cho rằng kênh tiếp cận APEC ngày càng trở nên quan trọng với Mỹ trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc tách rời trên nhiều mặt trận, công khai cạnh tranh để giành đồng minh và ảnh hưởng ở Đông Á, Nam Thái Bình Dương và Mỹ Latin.
APEC cung cấp một số kênh liên lạc bất ngờ. Ngoài một số hiệp định thương mại đa phương quan trọng trong những thập kỷ gần đây, APEC là một trong hai tổ chức quốc tế duy nhất, còn lại là Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong đó Mỹ, Đài Loan, và Trung Quốc cùng là thành viên chính thức.
Khi quan hệ Trung-Mỹ xấu đi và chuỗi cung ứng được sắp xếp lại, nhiều công ty đang chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á và xuất khẩu trực tiếp sang thị trường phương Tây. Nhiều nước APEC không sẵn lòng lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc, xu thế cân bằng này ngày càng khó duy trì.
Một số nhà phân tích chỉ ra rằng lý tưởng về thương mại tự do đã bị thách thức, đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và kéo theo vai trò lãnh đạo của Mỹ trong các vấn đề thương mại thế giới bị ảnh hưởng, Trung Quốc và Mỹ đang nỗ lực để giải quyết vấn đề thông qua cân bằng giữa mức độ hợp tác và đối đầu trong quan hệ song phương, do đó giọng điệu của APEC tuần này sẽ tiêu cực và phòng thủ hơn những năm trước.
Từ khóa APEC Dòng sự kiện