Hơn 1 triệu gia đình Mỹ tiến vào giới trung lưu trong 2 năm nhiệm kỳ Trump
Theo báo cáo của Cục thống kê dân số Hoa Kỳ, hơn 1,2 triệu hộ gia đình ở Mỹ đã tăng thu nhập năm lên trên mức 50.000 USD sau 2 năm từ 2016 đến 2018, một chỉ số cho thấy giới trung lưu Mỹ đang tăng lên về quy mô.
Thành tích này được cho là nhờ các chính sách cắt giảm thuế và khuyến khích kinh tế phát triển của Tổng thống Donald Trump.
Theo thống kê, vào năm 2016, 58,5% hộ gia đình ở Mỹ đạt mức thu nhập từ 50 nghìn đô trở lên; năm 2018, con số này tăng lên 60%. Trong khi đó, thu nhập trung vị của hộ gia đình tăng lên gần 2,3%. Tất cả con số trên đều được điều chỉnh sau lạm phát.
Epoch Times nhận định, sự mở rộng giới trung lưu ở Mỹ đang mạnh chưa từng thấy kể từ những năm 1960. Năm 2018, gần 30% số hộ gia đình đã tiến vào mức thu nhập từ 50.000 đến 99.999 USD/năm.
Hoa Kỳ đã làm khá tốt công cuộc “xóa nghèo” của mình với số lượng hộ gia đình có thu nhập thấp hơn 25.000 USD/năm giảm 20% kể từ 1968. Con số này còn có ý nghĩa hơn nếu xét về quy mô gia đình trung bình của Mỹ đã giảm từ 3,2 người xuống 2,5 người so với trước năm 1968.
Thêm vào đó, Mỹ cũng tăng hơn 8 lần số lượng hộ gia đình giàu có (mức thu nhập trên 200.000 USD/năm), lên 8,5% trong năm 2018 từ mức chỉ 1% năm 1968.
Trong khi đó, tỷ trọng gia đình trung lưu lại giảm mạnh trong cùng giai đoạn. Năm 1968, có 38% số hộ gia đình ở Mỹ có thu nhập hơn 50.000 USD tới dưới 100.000 USD một năm. Tới năm 2014, con số này giảm xuống còn 28,6%. Tuy nhiên dường như xu hướng này đang thay đổi.
Khoảng đầu năm 2018, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ vẫn duy trì ở mức 4,1%, nhiều nhà phân tích tuyên bố rằng đây là con số cố định thể hiện rằng nền kinh tế đã hấp thụ đủ lao động. Nhưng sau đó, thị trường lao động Mỹ tiếp tục tăng trưởng, tới cuối năm 2018, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống 3,7% – mức thấp nhất kể từ năm 1969. Tỷ lệ này tiếp tục được duy trì cho tới tháng 8/2019.
Thị trường lao động rộng mở đem đến cơ hội việc làm cho cả phụ nữ và những người da màu. Tháng 8/2019, tỷ lệ thất nghiệp ở người da đen Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất từng ghi nhận: 5,5%. Ngoài ra, mức lương cũng tăng đáng kể trong khi tỷ lệ người phụ thuộc vào phúc lợi chính phủ thì sụt giảm.
Đầu năm 2018, những ngành trả lương cao (tài chính, dịch vụ, …) là những ngành có mức lương tăng trưởng mạnh nhất (3%). Nhưng tới cuối năm 2019, tăng trưởng tiền lương lại cao nhất ở những ngành trả lương thấp thuộc khối sản xuất công nghiệp – khoảng 4,7%, theo phân tích của trang tìm việc Indeed.
Một báo cáo từ Ban Nghiên cứu Quốc hội tháng 7 cũng chỉ ra rằng những người có học vấn thấp nhất đã chứng kiến tốc độ tăng lương cao nhất trong thời gian qua.
Lương tăng và việc làm ổn định đã giúp nhiều người Mỹ thoát khỏi cảnh phụ thuộc vào tem phiếu trợ cấp chính phủ.
Trong 29 tháng dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, số lượng xin trợ cấp thực phẩm đã giảm gần 6,7 triệu người. Để so sánh, 29 tháng cuối cùng nhiệm kỳ của ông Obama, chỉ có ít hơn 3,8 triệu người thoát khỏi cảnh phụ thuộc vào tem phiếu thực phẩm. Số lượng người nằm trong trợ cấp y tế Medicaid và CHIP – chương trình bảo hiểm y tế chính phủ dành cho trẻ em và người nghèo, cũng giảm hơn 2,9 triệu người từ tháng 1/2017 tới tháng 6/2019.
Ông Trump may mắn đảm nhiệm nước Mỹ trong thời kỳ kinh tế mở rộng, tuy nhiên những chính sách cắt giảm thuế và giảm thiểu quy định trói chân doanh nghiệp cũng giúp nền kinh tế Mỹ phát triển và vững mạnh. Trong môi trường ủng hộ kinh doanh tối đa, ông Trump cũng giúp tạo ra niềm tin tiêu dùng và sự lạc quan đầu tư, kinh doanh.
Một nền kinh tế phát triển mạnh và vững vàng đã tạo bàn đạp để ông Trump thúc đẩy cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Bất chấp nhiều lần thị trường chứng khoán Mỹ sụt giảm mạnh mẽ do lo ngại từ thương chiến, ông Trump vẫn kiên quyết duy trì áp lực tối đa lên Trung Quốc, buộc Bắc Kinh thay đổi quy tắc vận hành thương mại bất công với Hoa Kỳ.
Đức Trí
Xem thêm:
Từ khóa Donald Trump Hoa Kỳ Kinh tế Mỹ