Ngày 29/4 vừa qua, Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) đã công bố một báo cáo về cách Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thực hiện việc đàn áp người bất đồng chính kiến xuyên quốc gia. ICIJ và các đối tác truyền thông đã phỏng vấn 105 người tại 23 quốc gia, phơi bày cách ĐCSTQ gây sức ép và dụ dỗ các chính quyền nước sở tại thực hiện các hành vi quấy nhiễu và bắt giữ người bất đồng chính kiến trước chuyến thăm của Tổng bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình.

Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế ICIJ, còn được gọi là Liên đoàn nhà báo điều tra quốc tế, là một mạng lưới quốc tế có trụ sở tại Washington. ICIJ duy trì một mạng lưới gồm hơn 290 nhà báo điều tra tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với mục đích đưa ra ánh sáng các vấn đề như tội phạm xuyên biên giới, tham nhũng và trách nhiệm của quyền lực…

Trong báo cáo ngày 29/4, ICIJ đã nêu bật các vụ việc đàn áp xuyên quốc gia nổi bật nhất của ĐCSTQ diễn ra tại Pháp (2019), Ấn Độ (2019), Nepal (2019), Kazakhstan (2022), Thái Lan (2022), Pháp (2024) và Serbia (2024).

ICIJ CSTQ dan ap xuyen quoc gia 01
Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic cùng với Tổng bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình phát biểu trước đám đông tụ tập bên ngoài Cung điện Serbia trong lễ đón tiếp tại thủ đô Belgrade, ngày 8 tháng 5 năm 2024. (Ảnh: Stringer/AFP qua Getty Images)

Đơn cử như vụ việc tại Serbia, ICIJ đã mô tả việc 7 người tập Pháp Luân Công và một thành viên gia đình không tập Pháp Luân Công đã bị giam giữ hơn 24 giờ ngay trước chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Serbia. Trong số những người bị bắt giữ, đáng chú ý nhất là Dejan Marković, một nhà làm phim, cùng anh trai ông là Vladimir (người không tập Pháp Luân Công). Sau khi ông Tập rời khỏi Serbia, cũng như kịch bản ở các quốc gia khác, họ đã được thả.

“Họ lấy điện thoại của bạn, thắt lưng của bạn, họ lấy mọi thứ”, Marković mô tả việc bị giam qua đêm trong một phòng giam không có cửa sổ. “Vấn đề lớn nhất là bạn không có cách nào để tính thời gian. Bạn ngủ rồi tỉnh dậy, nhưng không biết đó là đêm hay ngày.”

Trong khi Marković cùng anh trai và những người tập Pháp Luân Công khác bị giam, chính phủ Serbia đã chào đón ông Tập Cận Bình bằng thảm đỏ và nghi lễ bắn 10 phát đại bác. Ông Tập và Tổng thống Serbia Aleksandar Vučić đã ký 28 thỏa thuận trong chuyến thăm, bao gồm một hiệp ước dẫn độ gây tranh cãi.

Trong nhiều năm, Marković và những người tập Pháp Luân Công khác ở Serbia đã tìm cách thuyết phục chính quyền Serbia cấp phép tổ chức các sự kiện công cộng nhằm giới thiệu về thiền định và nâng cao nhận thức về cuộc đàn áp người tập Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Hoạt động này từng gây chú ý quốc tế vào năm 2014, khi cảnh sát Serbia bắt giữ và trục xuất 11 người tập Pháp Luân Công đến Serbia để vận động giúp đỡ thúc đẩy việc cấp phép. Năm 2019, Marković sản xuất một bộ phim tài liệu về sự việc, và 2 năm sau, Tòa án Hiến pháp Serbia phán quyết rằng cảnh sát đã vi phạm “quyền tự do và an toàn” của các nhà hoạt động.

ICIJ CSTQ dan ap xuyen quoc gia 03
Người tập Pháp Luân Công Serbia giương biểu ngữ trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Belgrade năm 2019. (Ảnh: Minghui.org)
ICIJ CSTQ dan ap xuyen quoc gia 02
Dejan Markovic thiền định tại Belgrade, Serbia, ngày 9 tháng 5 năm 2024. (Ảnh: Dejan Markovic cung cấp)

Mặc dù Marković cho biết không có ý định tham gia hoạt động gì vào thời điểm ông Tập Cận Bình tới Serbia vào tháng 5/2024, theo tài liệu do ICIJ thu thập được, nguyên nhân được đưa ra khi bắt Dejan Marković là “Cơ quan chức năng có cơ sở nghi ngờ rằng nghi phạm Dejan Marković đã phạm tội gây nguy hiểm cho một người được bảo vệ theo luật quốc tế”. Và lệnh bắt cho phép giam giữ Marković trong tối đa 48 giờ mà không cần thẩm vấn.

Theo tờ Balkan Insight, từ năm 2009 đến 2021, Trung Quốc đã đầu tư 11,6 tỷ USD vào các dự án khác nhau ở Serbia. “Trong sáu năm, Trung Quốc đã thay thế Nga trở thành đối tác chính của Serbia ngoài thế giới phương Tây”, Vuk Vuksanović, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Chính sách An ninh Belgrade, cho biết. “Chính phủ Serbia vui mừng chào đón nguồn vốn từ Trung Quốc.”

Trường hợp của Marković thể hiện hai khía cạnh quan trọng của chiến dịch đàn áp xuyên quốc gia của ĐCSTQ. Thứ nhất, chế độ này có khả năng đáng kinh ngạc trong việc chiêu mộ cảnh sát địa phương để thực hiện việc bịt miệng những người bất đồng chính kiến. Thứ hai, mặc dù mục tiêu chính của ĐCSTQ là người gốc Hoa hoặc người lưu vong, họ không phải là những người duy nhất gặp rủi ro. Những người không phải gốc Hoa nếu lên tiếng chống lại các hành vi lạm quyền hoặc thuộc các cộng đồng bị chế độ đàn áp, cũng có thể trở thành mục tiêu bị đàn áp xuyên quốc gia.

Theo FalunInfo, ICIJ
Minh Nhật biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: