Ngay trước khi Hoa Kỳ và Iran tổ chức các cuộc hội đàm gián tiếp vào ngày 6/4, ngoại trưởng Trung Quốc và Iran đã ký Thỏa thuận Hợp tác Chiến lược Toàn diện (CSCA) tại Tehran hôm 27/3. Như một phần của thỏa thuận, Trung Quốc sẽ cung cấp cho Iran quyền truy cập Hệ thống Vệ tinh Định vị dẫn đường Bắc Đẩu (BDS) để tăng cường khả năng chiến đấu của Iran.

Embed from Getty Images

Theo chuyên gia về Trung Quốc Gu Feng, vấn đề này có thể khiến Hoa Kỳ vô cùng lo ngại.

Thỏa thuận CSCA bao gồm ba đề mục chính:

  1. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ đầu tư 400 tỷ đô la vào Iran trong các lĩnh vực năng lượng và xây dựng cơ sở hạ tầng 
  2. Giao dịch dầu mỏ và thương mại giữa Trung Quốc và Iran sẽ được thanh toán bằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.
  3. Iran sẽ lắp đặt BDS của ĐCSTQ cho các tên lửa của mình

Trong ba mục này, việc thanh toán trực tiếp bằng nhân dân tệ và lắp đặt BDS gây ra nhiều điều đáng quan ngại nhất.

Thanh toán bằng đồng nhân dân tệ bỏ qua các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran

Theo các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, các quốc gia trên thế giới bị cấm tiến hành các giao dịch dầu mỏ với Iran, và nếu đồng đô la Mỹ được sử dụng trong các giao dịch như vậy, các ngân hàng có liên quan sẽ phải chịu các lệnh trừng phạt thứ cấp của Hoa Kỳ. Tất cả quan hệ tài chính của các tổ chức với Hoa Kỳ sẽ bị cắt đứt, và tất cả các hoạt động kinh doanh và tài sản của họ tại Hoa Kỳ sẽ bị đóng băng.

Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng sẽ gây áp lực lên Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) nhằm cắt đứt quan hệ viễn thông với Iran.

Tuy nhiên, nếu đồng nhân dân tệ được sử dụng để giải quyết vấn đề thương mại dầu mỏ giữa ĐCSTQ và Iran, ĐCSTQ sẽ giúp Iran tránh được hạn chế sử dụng đồng đô la Mỹ, do đó tránh được phần lớn các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ.

Hiện tại, Hàn Quốc vẫn đang giữ 7 tỷ đô la tiền dầu của Iran theo lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với chương trình hạt nhân của Iran. Điều này gây áp lực to lớn lên nền kinh tế của quốc gia dầu mỏ này, đến mức nước này thậm chí không thể mua vắc-xin COVID-19. 

Theo quan điểm của ĐCSTQ, Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, nếu việc mua dầu phải được thanh toán bằng đồng đô la Mỹ, thì ĐCSTQ phải thanh toán khoản phí khổng lồ để chuyển đổi nhân dân tệ sang đô la Mỹ.

Theo thống kê, khối lượng thanh toán hàng ngày của Trung Quốc thông qua SWIFT là từ 200 tỷ đến 300 tỷ đô la, và chỉ riêng phí xử lý đã làm ĐCSTQ phải tiêu tốn 7,3 tỷ đến 10,9 tỷ đô la một năm. Do đó, việc sử dụng nhân dân tệ để thanh toán sẽ giúp ĐCSTQ tiết kiệm được rất nhiều chi phí.

BDS sẽ tăng cường sức mạnh chiến đấu của Iran và trở thành cơn ác mộng đối với thế giới

Theo quan điểm quân sự, hệ thống định vị dẫn đường hiện đại là khởi điểm để đảm bảo tên lửa bắn trúng mục tiêu chính xác. Nhiều người tin rằng mặc dù Iran thiếu một hệ thống định vị dẫn đường hiệu quả, nhưng nước này chưa bao giờ dám sử dụng hệ thống định vị dẫn đường của Hoa Kỳ hoặc EU bởi vì tín hiệu có thể bị cắt trong trường xảy ra một cuộc xung đột quân sự giữa nước này với phương Tây.

Tuy nhiên, việc lắp đặt BDS trên các tên lửa của Iran sẽ cải thiện độ chính xác nhắm trúng mục tiêu đến một mức độ nhất định, và điều này gây ra mối đe dọa đối với hạm đội tàu sân bay của Hoa Kỳ hoạt động trong Vịnh Ba Tư.

BDS được thành lập vào năm 2005 dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc và là một trong bốn nhà cung cấp chính về hệ thống vệ tinh định dẫn đường toàn cầu được Ủy ban Quốc tế về Hệ thống Vệ tinh Định vị dẫn đường Toàn cầu (ICG) chứng nhận. Ba nhà cung cấp khác là Hệ thống Định vị Toàn cầu GPS của Hoa Kỳ, Hệ thống Định vị dẫn đường Toàn cầu GLONASS của Nga, và Hệ thống Vệ tinh Định vị dẫn đường Toàn cầu Galileo của Liên minh châu Âu.

Ông Gu, một nhà bình luận các vấn đề thời sự của Trung Quốc, nhận định rằng BDS có thể trở thành cơn ác mộng đối với thế giới.

Ông nói rằng BDS của Trung Quốc được phát triển với mục đích loại bỏ các hạn chế quân sự của GPS Hoa Kỳ. ĐCSTQ đã mất 26 năm để xây dựng nó, đầu tư hơn 12 tỷ đô la, và phóng 55 vệ tinh để đưa BDS vào hoạt động.

Trung Quốc hiện đang tích cực quảng bá BDS thông qua sáng kiến “Một vành đai, Một con đường”. Trong số 137 quốc gia ký kết, hơn 100 quốc gia sử dụng BDS thường xuyên nhất, hầu hết là các nước ở Đông Nam Á và châu Phi.

Hơn 30 quốc gia tại Trung Đông, châu Phi, và các khu vực khác cũng sử dụng BDS.

Ông Gu cho biết BDS là một dự án hàng không vũ trụ khổng lồ và phức tạp, và nó có nhiều hơn 31 vệ tinh so với hệ thống GPS của Hoa Kỳ. Hoạt động mạng không gian và trái đất của nó liên quan đến việc lập trình phối hợp và quản lý giám sát của hàng chục hệ thống và hàng chục nghìn thiết bị.

Thông qua BDS, ĐCSTQ sẽ có thể thực hiện một hệ thống to lớn có thể giám sát toàn bộ địa cầu.

Theo ông Gu, một khi Iran áp dụng BDS, sức mạnh lực lượng tên lửa của nước này sẽ tăng lên gấp bội. Và sau khi Iran có BDS, cơn ác mộng của Hoa Kỳ sẽ bắt đầu. Với độ chính xác dẫn đường tăng lên, Iran có thể sử dụng tên lửa hành trình để tấn công các tàu sân bay Mỹ, và tình hình tại Trung Đông có thể thay đổi.

Iran đã phát triển và trang bị một số tên lửa hành trình. Gần đây nhất vào tháng 1 năm nay, nước này đã thử nghiệm các tên lửa có tầm bắn khác nhau. Các tên lửa này có khả năng mang đầu đạn 650kg và có tầm bắn gần 2.000km. Với tầm bắn 2.000km, các tên lửa này có thể tấn công hầu hết các nước ở Trung Đông, cũng như các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ ở Iraq, Ả Rập Xê-út, và các nơi khác.

Triều Tiên đã được ĐCSTQ đào tạo về BDS

Truyền thông Hàn Quốc Donga.com đã đưa tin vào năm 2014 rằng 19 chuyên gia từ 8 nước châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm cả Triều Tiên, đã được đào tạo tại Trung Quốc về công nghệ và ứng dụng của BDS.

Theo bài báo Triều Tiên đã học được công nghệ định vị dẫn đường bằng vệ tinh tại Trung Quốc và có thể chỉ sử dụng công nghệ này cho mục đích quân sự, điều này càng khiến Hàn Quốc thêm lo lắng.

Ngoài ra, trong nửa đầu năm 2014, máy bay không người lái của Triều Tiên đã sử dụng công nghệ GPS cơ bản nhất để chụp ảnh dinh thự chính thức Cheong Wa Dae của Tổng thống Hàn Quốc và đảo Baengnyeong ở  Hàn Quốc.

Ông Gu tin rằng, Triều Tiên có thể sử dụng công nghệ định vị dẫn đường bằng vệ tinh mà họ học được từ ĐCSTQ cho các mục đích quân sự. Điều này sẽ trở thành cơn ác mộng đối với thế giới nếu công nghệ này được sử dụng trong các tên lửa hoặc máy bay không người lái tầm xa.

Những thay đổi trong chính sách của Hoa Kỳ đối với Iran

Tháng 7/2015, năm thành viên thường trực của Liên Hợp Quốc, bao gồm Hoa Kỳ và Trung Quốc, đã ký Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (còn được gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran hay thỏa thuận Iran).

Đến tháng 5/2018, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút khỏi thỏa thuận này sau khi thông báo rằng thỏa thuận này “khiếm khuyết về vấn đề cốt lõi”.

Ông Trump nói: “Nếu chúng ta không làm gì, chúng ta biết chính xác điều gì sẽ xảy ra. Chỉ trong một thời gian ngắn nữa, quốc gia bảo trợ khủng bố hàng đầu thế giới này sẽ tiến rất gần việc có được vũ khí nguy hiểm nhất thế giới.”

Chính quyền Trump sau đó đã áp đặt hơn 1.600 biện pháp trừng phạt đối với Iran, bao gồm cấm vận dầu mỏ và các biện pháp trừng phạt kinh tế toàn diện.

Ngày 6/4, chính quyền mới của Mỹ và Iran đã tổ chức các cuộc đàm phán gián tiếp thông qua các đại diện châu Âu trong một nỗ lực “ngoại giao con thoi” về việc Hoa Kỳ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran.

Mặc dù cả Hoa Kỳ, Iran và châu Âu đều gọi các cuộc đàm phán là “mang tính xây dựng”, nhưng phía Hoa Kỳ khẳng định họ không mong đợi một sự đột phá ngay lập tức.

Ngược lại, phía Iran đã thể hiện quan điểm cứng rắn trong các cuộc đàm phán.

Nhà bình luận các vấn đề thời sự tại Mỹ Li Yanming nói với The Epoch Times, ĐCSTQ có thể đóng một vai trò nhất định trong lập trường cứng rắn của Iran. Ông cho rằng, thỏa thuận CSCA kéo dài 25 năm giữa ĐCSTQ và Iran là một đòn giáng mạnh vào chính quyền Biden.

Ông Li nói: “Liên minh công khai giữa ĐCSTQ và Iran là một tín hiệu cho thấy ĐCSTQ sẽ tiếp tục kiềm chế việc triển khai quân sự của Hoa Kỳ tại Trung Đông thông qua Iran, khiến Hoa Kỳ không thể tập trung quyền kiểm soát tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đồng thời tạo điều kiện cho nước này [Trung Quốc] mở rộng quân sự ở Eo biển Đài Loan, Biển Đông và trên thế giới.”

Gia Huy (Theo The Epoch Times)

Xem thêm: