Hôm thứ Hai (5/8), trong bối cảnh lo ngại rằng Mỹ có thể đang tiến tới suy thoái, thị trường chứng khoán toàn thế giới đã lao dốc, nhiều cổ phiếu sụt giảm. Tình hình này đẩy các nhà đầu tư vào trạng thái bán tháo một cách hoảng loạn. Chỉ số Nikkei của Nhật Bản đang dẫn đầu đợt ‘giảm giá’, sụt giảm 12,4%, đây được xem là ngày tồi tệ nhất kể từ vụ sụp đổ ‘Black Monday’ năm 1987.

chi so Nikkei 6 8
Chỉ số Nikkei 225 trên Sàn giao dịch Chứng khoán Tokyo tại Tokyo, Nhật Bản vào ngày 6 tháng 8 năm 2024. (Nguồn ảnh: KAZUHIRO NOGI/AFP via Getty Images)

Tình hình bắt đầu lộ ra vào tuần trước, sau khi Mỹ công bố một báo cáo cho thấy tỷ lệ việc làm thấp hơn dự kiến. Các nhà kinh tế nhận định rằng sự sụt giảm này phản ánh mối lo ngại sâu sắc hơn về tình trạng chung của nền kinh tế Mỹ. Phố Wall có phiên đóng cửa giảm mạnh vào thứ Sáu (2/8), với chỉ số Nasdaq Composite rơi vào tình trạng điều chỉnh và đà trượt dốc vẫn tiếp tục vào thứ Hai (5/8).

Thị trường châu Á lao dốc

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản dẫn đầu cuộc khủng hoảng toàn cầu với mức giảm trong một ngày lớn nhất từ ​​trước đến nay vào thứ Hai (5/8), giảm 12,4%. Theo các nhà phân tích, sự sụt giảm này là do ảnh hưởng từ dữ liệu việc làm của Mỹ và việc đồng Yên tăng giá. Mức độ thua lỗ đánh dấu ngày tồi tệ nhất đối với Nikkei 225 kể từ vụ sụp đổ ‘Black Monday’ năm 1987. Chỉ số Topix (Tokyo Stock Price Index) cũng giảm 12,23% vào cùng ngày.

Đồng Yên cũng mạnh lên từ mức giá 146,45 JPY/USD vào ngày 2/8 đến 142,67 JPY/USD vào ngày 5/8. Đây là mức chưa từng thấy kể từ tháng Một. Việc đồng yên mạnh hơn được xem là yếu tố tiêu cực đối với các nhà xuất khẩu Nhật Bản.

Sự hỗn loạn này cũng lan sang các thị trường châu Á khác, với chỉ số KOSPI của Hàn Quốc giảm 8,8% trong bối cảnh cổ phiếu công nghệ lao dốc. Đây được xem là phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Trong bối cảnh sụt giảm mạnh, các giao dịch đã bị tạm dừng trong thời gian ngắn tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Đợt bán tháo nhanh chóng này đã kích hoạt ‘cầu dao’ khiến các giao dịch phải tạm dừng, đây là hiện tượng lặp lại lần đầu tiên kể từ tháng 3/2020.

Cổ phiếu Đài Loan cũng giảm hơn 8% vào thứ Hai (5/8). Hai chỉ số Sensex và Nifty 50 của Ấn Độ giảm hơn 3%. Chỉ số MSCI World của khối cổ phiếu châu Á-Thái Bình Dương ngoài Nhật Bản đã giảm 4,2%.

Việc đồng Yên mạnh lên đã gây ra hiệu ứng ‘domino’ và vô hiệu hóa các chiến lược ‘carry trade’ trên toàn cầu. ‘Carry trade’ là một chiến lược trong đó nhà đầu tư vay tiền từ một quốc gia có lãi suất thấp thông qua đồng tiền yếu hơn và tái đầu tư vào tài sản của quốc gia khác từ đó thu được tỷ suất lợi nhuận cao hơn. Nhiều năm nay, dựa vào độ biến động thấp, đồng Yên vẫn luôn được các nhà đầu tư sử dụng làm đồng tiền cấp vốn vì họ tin tưởng rằng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ duy trì mức lãi suất thấp, ổn định. Thông thường các nhà đầu tư sẽ dùng đồng Yên vay được để mua cổ phiếu Mỹ và kiếm lời dựa vào sức mạnh của đồng USD. Tuy nhiên hiện tượng đồng Yên mạnh lên lần này đã khiến nhiều chiến lược ‘carry trade’ đổ vỡ.

Sự hỗn loạn của thị trường chứng khoán lan rộng trên toàn cầu

Những lo ngại về sự suy yếu của nền kinh tế Mỹ và sự biến động của thị trường đã lan rộng khắp thế giới. Tất cả các thị trường chứng khoán lớn ở châu Âu đều bắt đầu giảm điểm vào thứ Hai (5/8), trong đó cổ phiếu của tất cả các ngành đều trượt xuống gần mức thấp trong 6 tháng.

Chỉ số STOXX 600 của toàn châu Âu giảm hơn 3% trong phiên giao dịch sáng sớm. Chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 2,78%, IBEX của Tây Ban Nha giảm 2,8%, DAX của Đức giảm 2,2%, và FTSE 100 của Anh mất 2,17% điểm tính đến sáng thứ Hai (5/8).

Chỉ số S&P/ASX 200 của Úc cũng giảm 12,8%.

Tại thị trường Nga, chỉ số MOEX bằng đồng RUB và chỉ số RTS bằng đồng USD chỉ giảm hơn 2% trong phiên giao dịch sáng thứ Hai (5/8). Các nhà phân tích tài chính nghi ngờ việc bán tháo cổ phiếu toàn cầu chỉ có tác động mỏng đến thị trường Nga, khi các lệnh trừng phạt khởi tác dụng như một lá chắn. Theo một số chuyên gia, sau khi tách khỏi thị trường vốn quốc tế, chứng khoán Nga chủ yếu phụ thuộc vào nhu cầu trong nước với ít ảnh hưởng từ bên ngoài.

Sự hỗn loạn chứng khoán rò rỉ vào thị trường tiền điện tử

Sự hỗn loạn của thị trường chứng khoán toàn cầu đã lan sang thị trường tiền điện tử khi giá Bitcoin lần đầu tiên giảm hơn 17% xuống dưới 50.000 USD vào thứ Hai (5/8) kể từ tháng Hai. Bitcoin chạm mức thấp 49.351 USD vào đầu phiên giao dịch và mặc dù bật trở lại trên ngưỡng 50.000 USD nhưng vẫn giảm 13% trong ngày hôm đó. Giá của đồng Ether, một loại tiền điện tử khác, cũng đã giảm gần 17% xuống còn 2.200 USD.

Nhân tố nào đã kích hoạt cuộc khủng hoảng?

Trong vài tháng gần đây, dữ liệu kinh tế Mỹ đã thấp hơn mức kỳ vọng, đặc biệt là vào tháng Bảy. Nước Mỹ đã chứng kiến ​​​​tỷ lệ thất nghiệp gia tăng bất ngờ, theo báo cáo tiền lương tháng Bảy do Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố hôm thứ Sáu (2/8). Nền kinh tế Mỹ chỉ tạo thêm 114.000 việc làm trong tháng trước, thấp hơn nhiều so với mức ước tính của các nhà kinh tế là 175.000 việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 4,1% lên 4,3%.

Ông Tan Boon Heng thuộc Ngân hàng Mizuho tại Singapore nhận định trong một báo cáo rằng: “Tình huống tỷ lệ thất nghiệp cao hơn khiến hạn chế chi tiêu và sau đó hạn chế tuyển dụng, thu nhập cũng như các hoạt động kinh tế, từ đó dẫn đến suy thoái kinh tế là một kịch bản đáng lo ngại ở đây”.

Ngoài ra, dữ liệu mới nhất từ ​​Viện Quản lý Cung ứng tiết lộ rằng, trong tháng Bảy, hoạt động sản xuất của Mỹ đã giảm so với tháng trước, đánh dấu tháng suy giảm thứ 4 liên tiếp.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Kỳ vọng của nhà đầu tư như thế nào?

Các nhà kinh tế trên toàn thế giới tin rằng sự biến động của thị trường phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng về một nền kinh tế Mỹ đang yếu đi, tuy nhiên họ cũng nhận định việc ngoại suy dữ liệu việc làm mới nhất của Mỹ dường như là một phản ứng thái quá vì đây chỉ là số liệu trong một tháng. Ngoài ra nỗi lo sợ về nguy cơ leo thang quân sự ở Trung Đông trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Israel và Iran cũng đang gây thêm áp lực lên thị trường.

Ông Samy Chaar, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng Lombard Odier trả lời tờ Reuters rằng: “Có hai điều ảnh hưởng đến giá [cổ phiếu], một là rủi ro suy thoái và đó là mối lo ngại chính, nhưng ngoài đó ra còn có một chút lo lắng xung quanh tình hình địa chính trị và sự trả đũa dự kiến ​​từ Iran và Hezbollah sau cuộc tấn công của Israel.” 

Các nhà kinh tế không hy vọng thị trường sẽ sụp đổ, mặc dù họ cũng không kỳ vọng thị trường sẽ phục hồi nhanh chóng trong bối cảnh các tập đoàn Big Tech của Mỹ đang suy yếu và căng thẳng đang diễn ra ở Trung Đông.

Vy An, Theo RT