Kiểm duyệt của Trung Quốc khiến ‘câu chuyện’ COVID-19 được âm thầm viết lại
- NYT
- •
Dưới áp lực của chính phủ, các nhà khoa học Trung Quốc đã thu hồi các nghiên cứu hoặc xóa số liệu về dịch bệnh COVID-19, cơ quan kiểm duyệt đã cản trở những nỗ lực tìm hiểu về virus, theo New York Times (NYT) báo cáo 23/4.
Đầu năm 2020, cùng ngày mà một căn bệnh mới đáng sợ được đặt tên là COVID-19, một nhóm các nhà khoa học từ Hoa Kỳ và Trung Quốc đã công bố số liệu quan trọng cho thấy virus lây lan nhanh như thế nào và báo cáo về những ca tử vong.
Nghiên cứu này đã được trích dẫn trong các cảnh báo về sức khỏe trên toàn thế giới và có vẻ sẽ dẫn tới một mô hình hợp tác giữa các quốc gia trong thời điểm khủng hoảng.
Vậy mà chỉ vài ngày sau, các nhà nghiên cứu đã lặng lẽ thu hồi bài báo. Bài báo trên mạng Internet được thay thế bằng một thông báo yêu cầu các nhà khoa học không trích dẫn nó. Một số nhà quan sát đã lưu ý đến động thái kỳ lạ này. Nhưng toàn bộ tình tiết của câu chuyện này đã nhanh chóng phai mờ giữa quá nhiều sự kiện khác vào lúc đại dịch bùng nổ.
Rõ ràng là nghiên cứu không bị xóa do nghiên cứu bị lỗi. Nó đã bị thu hồi theo chỉ đạo của các quan chức y tế Trung Quốc trong bối cảnh khoa học đang bị “đàn áp” (theo cách gọi của NYT). Nỗ lực đó đã tạo ra một đám mây bao quanh, che giấu ngày xảy ra các trường hợp nhiễm COVID sớm, theo như những trường hợp được báo cáo trong nghiên cứu.
“Rất khó lấy được bất kỳ thông tin nào từ Trung Quốc,” theo một trong các tác giả, Ira Longini, thuộc Đại học Florida, người đã mô tả công khai câu chuyện. “Quá nhiều thứ bị che đậy, và quá nhiều thứ bị giấu đi.”
Việc Chính phủ Trung Quốc bịt miệng các nhà khoa học, cản trở các cuộc điều tra quốc tế và kiểm duyệt thảo luận trực tuyến về đại dịch đã được ghi chép đầy đủ. Nhưng sự kìm hãm thông tin của Bắc Kinh sâu xa hơn nhiều so với những gì mà nhiều nhà nghiên cứu về đại dịch nhận thức được. Một cuộc điều tra của NYT cho thấy chiến dịch kiểm duyệt của họ đã nhắm mục tiêu vào các tạp chí quốc tế và cơ sở số liệu khoa học, làm lung lay nền tảng của kiến thức khoa học được chia sẻ.
Dưới áp lực từ chính phủ của họ, các nhà khoa học Trung Quốc đã không công bố số liệu, thu hồi các công bố về trình tự gen khỏi cơ sở số liệu công cộng, và thay đổi các chi tiết quan trọng trong các bài nộp cho tạp chí. Các biên tập viên tạp chí phương Tây cũng thuận theo những nỗ lực đó bằng cách đồng ý với những chỉnh sửa đó, hoặc thu hồi các bài báo sau khi Trung Quốc đưa ra lý do số liệu chưa rõ ràng. Theo một đánh giá của NYT, đã thấy hơn một chục bài báo bị thu hồi.
Thậm chí cả Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng là một trong những tổ chức quốc tế đã tin tưởng vào số liệu đã bị xáo trộn và các mốc thời gian không chính xác do Trung Quốc đưa ra.
Kiểm duyệt nội dung khoa học như vậy tuy không thành công trên toàn cầu —ví dụ, phiên bản gốc của bài báo tháng 2/2020 vẫn có thể được tìm thấy nếu chịu khó đào bới kỹ các website trên Internet— nhưng chiến dịch kiểm duyệt đã khiến các bác sĩ và nhà hoạch định chính sách bỏ lỡ thông tin quan trọng về virus vào đúng thời điểm thế giới cần nó nhất, gây ra sự nghi ngờ về khoa học ở Châu Âu và Hoa Kỳ, khi các quan chức y tế trích dẫn các bài báo từ Trung Quốc sau đó đã bị thu hồi.
Cuộc đàn áp khoa học ngày nay tiếp tục tạo ra thông tin sai lệch và cản trở nỗ lực xác định nguồn gốc của virus
Gần đây, kiểm duyệt đó của Trung Quốc đã bị công chúng chú ý, kể từ khi một nhóm các nhà khoa học quốc tế phát hiện ra số liệu trình tự gen mà các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã thu thập từ một khu chợ ở Vũ Hán từ tận tháng 1/2020, thế nhưng đã bị giấu suốt 3 năm trời — một sự chậm trễ mà các quan chức y tế toàn cầu miêu tả là “không thể tha thứ được”.
Các trình tự gen cho thấy lửng chó (raccoon dog), một loài động vật trông hơi giống con cáo, đã có chữ ký di truyền được lưu giữ ở cùng một nơi [thí nghiệm] mà vật liệu di truyền từ virus còn sót lại, một phát hiện phù hợp với kịch bản mà trong đó virus lây lan sang người từ động vật buôn bán bất hợp pháp ở chợ.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã không trả lời các yêu cầu bình luận của NYT. Tại một cuộc họp báo vào tháng này, các nhà khoa học từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC) đã miêu tả những chỉ trích như vậy là “không thể chịu đựng được”.
Cuộc đàn áp khoa học không phải chỉ vì một động cơ duy nhất. Chính quyền Bắc Kinh vẫn có truyền thống coi việc kiểm soát và định hình thông tin như một lẽ đương nhiên, đặc biệt là khi ĐCSTQ đối mặt những khủng hoảng. Một số cơ quan kiểm duyệt đã thay đổi mốc thời điểm xảy ra lây nhiễm sớm, bởi vì nó liên quan đến câu hỏi tế nhị rằng liệu chính phủ có phản ứng đủ nhanh với đợt dịch bệnh bùng phát hay không.
Nhưng cũng không có bằng chứng nào cho thấy cơ quan kiểm duyệt cố ý che giấu bằng cách tạo ra một kịch bản cụ thể về nguồn gốc của đại dịch. Một số nhà khoa học tin rằng COVID-19 lây lan tự nhiên từ động vật sang người. Những người khác cho rằng nó có thể lây lan từ một phòng thí nghiệm của Trung Quốc. Cả hai bên đều chỉ ra số liệu —số liệu bị kiểm duyệt— để hỗ trợ luận thuyết của họ.
Nhưng họ đã đồng ý chung một điểm: Việc Chính phủ Trung Quốc kìm kẹp khoa học đã cản trở việc tìm ra sự thật.
“Tôi cho rằng có một chủ trương chính trị lớn đang tác động đến khoa học,” theo Edward Holmes, nhà sinh vật học của Đại học Sydney, thành viên của nhóm phân tích các trình tự có chứa DNA của lửng chó.
Ngay sau khi nhóm thông báo cho các nhà nghiên cứu Trung Quốc về phát hiện của họ, thì các chuỗi gen tạm thời biến mất khỏi cơ sở số liệu toàn cầu. Ông Holmes than thở, “Thật thảm hại khi chúng ta đang ở giai đoạn này, khi chúng ta [phí công] thảo luận chuyện giấu giếm về số liệu đã bị xóa.”
Thời điểm ngày luôn bị thay đổi
Virus corona dường như trở thành một thách thức về phương diện khó nắm bắt thông tin ở Trung Quốc. Vào ngày 6/2/2020, khi việc ngăn chặn đại dịch dường như vẫn còn khả thi, thì Internet Trung Quốc lại dậy sóng với cái chết của Lý Văn Lượng (Li Wenliang), một bác sĩ Vũ Hán, người đã bị trừng phạt nặng vì đã cảnh báo cho công chúng sự bùng phát của dịch bệnh trước khi tự ngã bệnh.
Phẫn nộ sôi trào. Mọi người cảm thấy rằng các quan chức đã giữ lại thông tin có khả năng cứu nhiều mạng sống. Trên khắp Trung Quốc, họ đặt câu hỏi: Có bao nhiêu người đã nhiễm virus trong tháng 12? Ai đã biết? Tại sao đã không được thực hiện nhiều hơn?
Cũng khoảng thời gian đó, các nhà nghiên cứu xác nhận rằng virus đã lây lan từ người sang người trong nhiều tuần, một sự thật mà ban đầu các quan chức Trung Quốc đã bác bỏ.
Chính phủ Trung Quốc đã phản ứng bằng cách thắt chặt kiểm duyệt trên Internet và giành quyền kiểm soát các báo cáo nghiên cứu. Lúc đầu là kiểm duyệt từng phần. Bộ Khoa học và Công nghệ yêu cầu các nhà khoa học ưu tiên xử lý ổ dịch, không đăng báo. Một nhà khoa học châu Âu nhớ lại các cộng tác viên Trung Quốc của ông đã yêu cầu ông ký một thỏa thuận không tiết lộ trong đó cam kết sẽ không chia sẻ số liệu (đã công bố điều này trong bản nghiên cứu).
Ngay sau đó, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã yêu cầu các tạp chí thu hồi công trình của họ. Các tạp chí có thể rút bài báo vì một số lý do chính đáng, chẳng hạn như số liệu sai sót. Nhưng việc xem xét hơn một chục bài báo bị thu hồi từ Trung Quốc cho thấy đã có một chủ trương sửa đổi hoặc ngăn chặn nghiên cứu về các trường hợp bị nhiễm đầu tiên, điều kiện của nhân viên y tế và mức độ lây lan của virus — những chủ đề có thể khiến chính phủ bị coi là xấu. Các bài báo bị thu hồi mà NYT đã xem xét để làm bài luận này là các bài đã được đánh dấu bởi Retraction Watch, một nhóm hiện đang theo dõi các nghiên cứu bị Trung Quốc thu hồi.
Trong số đó có một nghiên cứu bao gồm trẻ em bị nhiễm bệnh ở miền nam Trung Quốc; một cuộc khảo sát về chứng trầm cảm và lo lắng của các nhân viên y tế Trung Quốc đang điều trị cho bệnh nhân COVID-19; và thậm chí một lá thư được đăng trên The Lancet Global Health của hai y tá đã mô tả sự tuyệt vọng mà họ cảm thấy khi làm việc tại các bệnh viện ở Vũ Hán.
Họ viết, “Ngay cả những y tá có kinh nghiệm cũng rơi nước mắt.”
Bình thường thì các tạp chí chậm thu hồi các bài báo, ngay cả khi chúng được chứng minh là gian lận hoặc phi đạo đức. Nhưng ở Trung Quốc, tình trạng lại khác, Ivan Oransky, người sáng lập Retraction Watch, cho rằng các tạp chí muốn bán đăng ký ở Trung Quốc hoặc xuất bản nghiên cứu của Trung Quốc thường làm theo yêu cầu của chính phủ: “Các nhà xuất bản khoa học đã thực sự phải cố làm khác thông lệ để chiều theo các yêu cầu kiểm duyệt.”
Khi virus lây lan, Trung Quốc đã chính thức hóa các biện pháp kiểm soát của mình. Một lực lượng đặc nhiệm của chính phủ được giao phụ trách tất cả các nghiên cứu về virus corona. Các quan chức ở tỉnh Chiết Giang đã thảo luận về việc “tăng cường quản lý” các kết quả khoa học (theo hồ sơ có ghi lại việc này).
Sau đó, ngày 9/3, các nhà khoa học từ các phòng thí nghiệm hàng đầu của Trung Quốc đã xuất bản một bài báo về cách thức virus corona có thể biến đổi. Nghiên cứu được đăng trên Clinical Infectious Diseases, một tạp chí uy tín do Nhà xuất bản Đại học Oxford xuất bản.
Chủ đề có lẽ không liên quan đến chính trị, nhưng nó dựa trên các mẫu được thu thập từ các bệnh nhân ở Vũ Hán bắt đầu từ giữa tháng 12/2019. Điều đó bổ sung thêm bằng chứng cho thấy virus đã lây lan rộng rãi trước khi Chính phủ Trung Quốc hành động.
Bài báo được tung ra ngay khi chính phủ chính thức hóa chính sách kiểm duyệt của mình. Ngày hôm sau, Bộ Giáo dục Trung Quốc ra lệnh cho các trường đại học nộp các đề tài nghiên cứu cho lực lượng đặc nhiệm của chính phủ để phê duyệt, theo một chỉ thị được đăng trên website của một trường đại học.
Chỉ thị cho biết những người không kiểm tra các dự án khoa học của họ khi công bố hoặc gây ra “tác động xã hội bất lợi nghiêm trọng” sẽ bị trừng phạt.
Động thái này khiến giới khoa học Trung Quốc cảm thấy ớn lạnh. Các trường và viện nghiên cứu thắt chặt các hạn chế đối với các cuộc phỏng vấn trên phương tiện truyền thông của khoa và hướng dẫn các giáo sư tuân thủ chỉ thị, như có thể thấy được trên các thông báo của trường đại học.
Việc thu hồi tạp chí vẫn tiếp tục và vì những lý do bất thường.
Một nhóm tác giả bèn đưa ra lưu ý rằng “số liệu của chúng tôi không đủ hoàn hảo”. Một người khác cảnh báo rằng bài báo của họ “không thể được sử dụng làm cơ sở cho nguồn gốc và sự tiến hóa của SARS-CoV-2”. Một phần ba cho biết những phát hiện của họ “chưa hoàn chỉnh và chưa sẵn sàng để công bố”. Một số nhà khoa học đã hứa trong các thông báo thu hồi rằng họ sẽ cập nhật những phát hiện của họ, nhưng điều đó cho đến nay vẫn chưa được thực hiện.
Tạo sao? Bởi vì các nhà khoa học Trung Quốc đã bị bịt miệng. Hiện nay rất khó để phân biệt rõ ràng giữa các bài báo bị kiểm duyệt và những bài báo bị thu hồi vì lý do khoa học hợp pháp.
Cơ quan kiểm duyệt đã giúp chính phủ kể một câu chuyện
“Trung Quốc thoát khỏi đại dịch với tư cách là quốc gia sớm giành chiến thắng,” theo Yanzhong Huang, chuyên gia y tế toàn cầu tại Đại học Seton Hall. “Họ bắt đầu trình bày một câu chuyện mới về sự bùng phát, không chỉ về nguồn gốc mà còn về vai trò của chính phủ trong việc ứng phó với đại dịch.”
Hai tháng sau khi đăng bài báo về các đột biến của virus corona, Bệnh truyền nhiễm lâm sàng đã xuất bản một bản cập nhật. Phiên bản mới nói rằng các mẫu Vũ Hán rốt cuộc không được thu thập vào tháng 12/2019 mà là vài tuần sau đó, vào tháng 1/2020.
Tác giả tương ứng của bài báo, Li Mingkun của Viện Genomics Bắc Kinh, đã không trả lời các yêu cầu bình luận.
Sau khi Jesse Bloom của Trung tâm Ung thư Fred Hutchinson ở Seattle tweet về sự khác biệt, các biên tập viên của tạp chí đã đăng phiên bản thứ ba của bài báo, thêm một dòng thời gian khác. Bản sửa đổi này cho biết các mẫu được thu thập từ ngày 30/12 đến ngày 1/1.
Trong điều chỉnh này có nói rằng số liệu những ngày trước đó là “không rõ ràng”.
Trong một email gửi tới tờ NYT, các biên tập viên của tạp chí cho biết việc chỉnh sửa là “cách tiếp cận phù hợp nhất để làm rõ hồ sơ khoa học”.
Một bí ẩn về nguồn gốc COVID
Các nhà khoa học Trung Quốc đã phớt lờ yêu cầu tiết lộ thông tin về các miếng gạc lấy từ các bề mặt tại chợ Vũ Hán trong nhiều năm. Sự từ chối đó đã cản trở nỗ lực xác định đại dịch bắt đầu như thế nào.
Ông Holmes, nhà sinh vật học của Đại học Sydney, cho biết từ hai năm trước, ông đã nhấn mạnh với các nhà nghiên cứu Trung Quốc về tầm quan trọng của những mẫu đó. Ông thậm chí còn gửi cho họ một trình tự bộ gen của lửng chó, hy vọng họ sẽ so sánh nó với các mẫu từ thị trường. Các nhà nghiên cứu đã không công khai số liệu cho đến năm nay.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nơi được các cộng đồng quốc tế cho là có kho lưu trữ thông tin đáng tin cậy hơn về virus, chỉ làm tăng thêm sự nhầm lẫn về nguồn gốc của đại dịch. Sau khi các lỗi được phát hiện trong một báo cáo lớn vào tháng 3/2021 từ tổ chức và Trung Quốc, người phát ngôn của cơ quan, Tarik Jasarevic, đã hứa rằng các quan chức sẽ sửa chữa các sai sót.
Giờ đã 2 năm qua rồi, họ vẫn chưa sửa. Báo cáo thiếu sót vẫn còn thấy trên Internet, mà ở đó vẽ ra một bức tranh với thời gian không chính xác về các trường hợp lây nhiễm được biết đến sớm nhất. Ông Jasarevic cho biết đã chuyển các câu hỏi về báo cáo cho các nhà khoa học đã chuẩn bị nó.
Lawrence Gostin, giám đốc khoa của Viện O’Neill về Luật Y tế Quốc gia và Toàn cầu của Đại học Georgetown và là cố vấn lâu năm của WHO, đã than thở, “Đó là một bí ẩn sâu sắc và không thể tha thứ được, thậm chí sau khi số liệu được chứng minh là sai. Điều đó chứng tỏ [hoặc là] WHO không đủ kiên quyết với Trung Quốc, hoặc đơn giản là Trung Quốc không hợp tác.”
Tương tự, một số nhà khoa học cũng nghi ngờ rằng cơ quan kiểm duyệt của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến cơ sở số liệu di truyền làm nền tảng cho các nghiên cứu trên toàn thế giới.
Ông Bloom, chuyên gia về virus tiến hóa ở Seattle, đang nghiên cứu các bảng trong một bài báo khoa học vào tháng 6/2021 thì phát hiện ra rằng hàng chục trình tự gen đã bị xóa khỏi Sequence Read Archive, một cơ sở số liệu của Chính phủ Hoa Kỳ. Các trình tự, từ đầu năm 2020, đã được đệ trình bởi các nhà khoa học từ Đại học Vũ Hán. Nhưng chúng đã biến mất một cách kỳ lạ.
Thư viện Y khoa Quốc gia của Chính phủ Hoa Kỳ, nơi quản lý cơ sở số liệu, cho biết vào thời điểm đó, các nhà nghiên cứu Vũ Hán đã yêu cầu thu hồi các trình tự này — và ngụ ý rằng đây là trường hợp duy nhất trong đại dịch mà số liệu bị xóa theo yêu cầu của các nhà khoa học từ Trung Quốc!
Nhưng một đánh giá vào tháng 3/2022 của một nhà tư vấn bên ngoài cho thấy rằng các nhà khoa học có yêu cầu thu hồi, nhưng đó là một trình tự khác, không liên quan trong cùng ngày. Sau khi Bloom xuất bản một bài báo về trình tự của Đại học Vũ Hán đã bị xóa, chúng lại xuất hiện trên Internet, nhưng hầu hết đã được chuyển đến cơ sở số liệu liên kết với Chính phủ Trung Quốc.
Cuộc tranh cãi này và vụ lùm xùm gần đây về DNA của lửng chó được-phát-hiện-rồi-xóa-rồi-được-phục-hồi từ một cơ sở số liệu riêng biệt đã thúc đẩy những lời kêu gọi về tính minh bạch từ các kho lưu trữ di truyền này.
Virginie Courtier-Orgogozo, một nhà sinh vật học tiến hóa tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp, cho biết tất cả các trình tự liên quan đến đại dịch nên được công bố cho các chuyên gia y tế toàn cầu, đặc biệt là từ các mẫu ban đầu. “Trong số những người bị bệnh vào tháng 12, chúng tôi có ít hơn 20 người theo dõi,” bà nói. (Thư viện Y khoa Quốc gia nói rằng việc chia sẻ số liệu bị thu hồi là trái với chính sách của họ.)
Chính phủ Trung Quốc vẫn tiếp tục kìm kẹp khoa học
Phòng thí nghiệm của một nhà khoa học Trung Quốc nghiên cứu về buôn bán động vật hoang dã gần đây đã bị đóng cửa trong khi các nhà chức trách điều tra những lo ngại vô căn cứ rằng nghiên cứu của họ liên quan đến nguồn gốc của đại dịch, theo một nhà khoa học bên ngoài Trung Quốc hợp tác trong công trình.
Vào ngày 1/4, Bắc Kinh đã hạn chế quyền truy cập của nước ngoài vào Cơ sở hạ tầng tri thức quốc gia Trung Quốc, một cổng thông tin học thuật, cắt giảm thông tin chi tiết về nghiên cứu ở đó. Các nhà lãnh đạo đã kêu gọi các nhà khoa học Trung Quốc đăng bài trên các tạp chí trong nước hơn là các bài báo quốc tế.
Và trong tháng này, các nhà khoa học của Chính phủ Trung Quốc cho biết đã đến lúc bắt đầu điều tra theo hướng bên ngoài Trung Quốc về nguồn gốc của virus.
Đây là bật đèn xanh để chứng minh một luận thuyết rằng đại dịch từ bên ngoài Trung Quốc, vốn đã bị bác bỏ rộng rãi.
Từ khóa COVID-19 Nguồn gốc COVID-19 nguồn gốc virus corona