Kim Jong-un truy lùng người đào thoát thế nào?
- Tuyết Mai
- •
Gần đây, truyền thông Hàn Quốc đưa tin, kể từ khi Kim Jong-un lên nắm quyền, để truy tìm người Bắc Triều Tiên đào thoát đã không tiếc tiền thuê gián điệp tại Trung Quốc. Do đó, ngay cả khi người Bắc Triều Tiên trốn được sang Trung Quốc vẫn có thể bị bắt quay lại.
Tờ Bắc Triều Tiên hàng ngày (Daily NK, Hàn Quốc) trích dẫn thông tin do người đưa tin từ tỉnh Bắc Hamgyong của Triều Tiên tiết lộ, gần đây Cục An ninh Chagang, Bắc Hamgyong, Ryanggang đã theo yêu cầu của lãnh đạo tối cao, ra lệnh kiểm tra lại và củng cố an ninh gián điệp bí mật trong nội bộ của Trung Quốc để hy vọng tìm được thêm nhiều người chạy trốn khỏi Bắc Triều Tiên.
Nguồn tin cho biết, chính quyền Kim Jong-un dùng hợp đồng gián điệp và buôn bán trong nội bộ Trung Quốc làm mồi nhử, đề nghị các đối tác thương mại của Trung Quốc phải cung cấp thông tin liên quan đến những người đào thoát.
Đối với người đào thoát sống tại Trung Quốc, Chính phủ Bắc Triều Tiên lợi dụng điểm yếu nhập cư bất hợp pháp và tâm lý sợ bị đưa trở lại Bắc Triều Tiên, yêu cầu họ theo dõi và báo cáo về các hoạt động của những người đào thoát khác.
Nguồn tin chỉ ra, Kim Jong-un đã không tiếc tiền để mua chuộc gián điệp bí mật tại Trung Quốc, vì vậy đã có không ít người trốn được sang Trung Quốc bị bắt trở lại Bắc Triều Tiên.
Theo thông tin từ Bộ Thống nhất Hàn Quốc, vào năm 2017 có 1.127 người Bắc Triều Tiên đào thoát sang Hàn Quốc, là mức thấp kỷ lục kể từ khi Kim Jong-un cầm quyền.
Đài phát thanh Á Châu Tự Do (RFA) dẫn nguồn tin chỉ ra, từ cuối tháng Một năm nay, để ngăn chặn nạn người đào thoát, nhà chức trách Bắc Triều Tiên cho kiểm soát chặt chẽ hơn các khu vực biên giới. Trước đây, binh sĩ biên phòng cách 2,5 giờ thay ca một lần, nhưng hiện thay đổi thành mỗi 30 phút thay ca một lần, địa điểm gác cùng bộ phận quản lý của những binh sĩ cũng thường xuyên thay đổi.
Theo Yonhap (Hàn Quốc), cựu Đại sứ Bắc Triều Tiên trú tại Anh trốn sang Hàn Quốc là Thae Yong Ho đã nói trong một buổi tọa đàm về tình báo tại Quốc hội Hàn Quốc năm 2016 rằng, Bắc Triều Tiên dưới nền cai trị tàn bạo của Kim Jong-un, người dân phải sống một cuộc sống khốn khổ như thời nô lệ. Quan chức ở tất cả các cấp đều lo lắng Kim Jong-un sẽ cai trị quá lâu nên cảm thấy trầm cảm và tuyệt vọng. Sau khi ông nhận ra điều này đã lập tức quyết định chạy trốn sang Hàn Quốc.
>> Khoảng 60.000 trẻ em Bắc Triều Tiên cận kề cái chết vì đói
Thae Yong Ho cho biết, ở Bắc Triều Tiên, kẻ càng có địa vị cao càng bị giám sát nghiêm ngặt hơn, thậm chí việc đặt các thiết bị nghe trộm trong nhà riêng cũng phổ biến. Có rất nhiều quan chức lo ngại rằng nếu Kim Jong-un tiếp tục cai trị trong nhiều thập kỷ nữa thì ngay cả con cháu của họ cũng chịu cảnh sống nô lệ, do đó họ cảm thấy chán nản và tuyệt vọng. Giai cấp tinh anh của Bắc Triều Tiên bề ngoài la hét trung thành với Kim Jong-un, nhưng trong lòng cũng như những người dân thường luôn hướng về Hàn Quốc, mong muốn cuộc sống tại Hàn Quốc.
Theo thông tin, kể từ khi Kim Jong-un cầm quyền vào cuối năm 2011 đến nay đã xử tử hơn 100 quan chức cao cấp của chính phủ và quan chức quân đội.
Kerry Moscogiuri, giám đốc Tổ chức “Ân xá quốc tế” tại Anh đã chỉ trích rằng, đây là một quốc gia mà hầu như không có bất cứ sự bảo vệ nhân quyền nào, chắc chắn mọi người đều cảm thấy vô cùng lo sợ.
Hãng tin BBC (Anh) từng đưa tin, có khoảng 1000 người chạy trốn khỏi Bắc Triều Tiên mỗi năm. Còn truyền thông Hàn Quốc cũng chỉ ra, số người Bắc Triều Tiên có gia cảnh tốt đào thoát ngày càng gia tăng, dường như chính quyền Bắc Triều Tiên đang dần sụp đổ từ bên trong.
Tháng 5/2016, con gái của nữ diễn viên Choi Sam-suk – người được xem là “báu vật quốc gia” của Bắc Triều Tiên, đã trốn khỏi quê hương và chạy từ Trung Quốc đến Hàn Quốc. Vào năm 1970 – 1980, Choi Sam-suk là diễn viên được yêu thích nhất của Bắc Triều Tiên, chuyện con gái của Choi Sam-suk quy thuận Hàn Quốc đã gây tác động rất lớn đối với người dân Bắc Triều Tiên.
Tuyết Mai
Xem thêm:
Từ khóa người đào thoát Bắc Hàn Kim Jong Un Bắc Triều Tiên