Lạm phát tại Nga tăng vọt lên 14,53%, mức cao nhất trong hơn 6 năm
Tính đến ngày 18/3, lạm phát hàng năm của Nga đã chạm mức 14,53%, tăng từ mức 12,54% của một tuần trước, khi nền kinh tế và tiền tệ của đất nước phải vật lộn với các lệnh trừng phạt nghiêm khắc của phương Tây do Moscow xâm lược Ukraine. Đây là tỷ lệ lạm phát hàng năm cao nhất kể từ tháng 11/2015.
Lạm phát trong tuần kết thúc vào ngày 18/3 ở mức 1,93%, thấp hơn một chút so với tỷ lệ lạm phát 2,09% của tuần trước, theo dữ liệu từ cơ quan thống kê nhà nước Rosstat. Mức tăng lạm phát từ đầu năm đến nay là 7,67%.
Tỷ lệ lạm phát tăng vọt sau cuộc xâm lược Ukraine khiến đồng rúp giảm giá trị xuống mức thấp nhất mọi thời đại vào đầu tháng 3. Mặc dù đồng tiền này đã phục hồi ở một mức độ nhất định kể từ thời điểm đó, nhưng những bất ổn trong tương lai vẫn là mối quan ngại đáng kể. Nhu cầu về hàng hóa, bao gồm từ thực phẩm đến ô tô, đã tăng mạnh với dự đoán giá của chúng sẽ sớm tăng cao hơn nữa.
Giá đường, vốn được sử dụng để nấu rượu và bảo quản thực phẩm, tăng trung bình 14%. Ở một số khu vực, giá đường thậm chí còn tăng vọt lên tới 37,1%.
“Mọi người đang truyền nhau những lời khuyên về việc mua đường ở đâu. Điều này thật điên rồ,” một người dân Nga nói với The Guardian. “Thật đáng buồn và cũng thật buồn cười. Cảm giác như một tháng trước mọi thứ vẫn ổn, còn lúc này chúng ta lại như đang ở những năm 1990, mua sản phẩm vì… chúng ta sợ chúng sẽ biến mất.” Người dân này đã phải đợi một tiếng rưỡi để mua một bao đường nặng 5 kg.
Giá hành tây chứng kiến mức tăng cao thứ hai trong tuần, tăng 13,7% trên cả nước và lên đến 40,4% ở một số khu vực. Giá trà đen tăng 4%, tã lót tăng 4,4% và giấy vệ sinh tăng 3%.
Một số sản phẩm như băng vệ sinh dạng tampon bị khan hiếm. Giá các mặt hàng nhập khẩu như kem đánh răng, quần áo, bột giặt Tide… tăng vọt do đồng rúp giảm giá trị.
Ông Stephen Innes, đối tác quản lý của SPI Asset Management nhận định với với BBC: “Thủ phạm lớn nhất [dẫn đến tình trạng này] là do lạm phát nhập khẩu. Bất cứ thứ gì Nga nhập khẩu đều tăng giá theo cấp số nhân do đồng rúp yếu hơn. Chính phủ Nga khẳng định họ có đủ nguồn cung cấp để đáp ứng nhu cầu đối với hàng hóa cơ bản, và đang đổ lỗi cho các nhà đầu cơ và những người mua hoảng loạn mua vì lo giá tăng.”
Ngân hàng trung ương Nga duy trì mức lãi suất chủ chốt ở mức 20% trong tháng 3. Ngân hàng này cảnh báo về một đợt lạm phát sắp xảy ra và kỳ vọng nó sẽ giảm xuống mức mục tiêu hàng năm là 4% vào năm 2024.
Phát biểu với tờ Express, cựu phóng viên BBC Moscow, Kevin Connolly, dự đoán Nga sẽ chứng kiến ”lạm phát tràn lan”, và các cửa hàng ngày càng khan hiếm hàng hóa.
“Đã có sự thiếu hụt hàng hóa trước đó từ Liên minh châu Âu do các lệnh trừng phạt lẫn nhau sau cuộc xâm lược Crimea,” ông cho hay. Mặc dù Nga đã cố gắng khắc phục các trừng phạt nền kinh tế của mình trong những năm gần đây, nhưng mức độ nghiêm trọng của các lệnh trừng phạt của phương Tây vẫn còn hiệu lực trên đất nước, ông nói thêm.
Từ khóa lệnh trừng phạt Nga Lạm phát tại Nga Khan hiếm hàng hóa tại Nga Dòng sự kiện Nga xâm lược Ukraine