Mặt trận Bình Dân mới, liên minh của các đảng cánh tả, được dự báo sẽ dẫn đầu cuộc bầu cử sớm tại Pháp. Liên minh trung hữu của Tổng thống Emmanuel Macron về thứ hai và Đảng Tập hợp Quốc gia cánh hữu chỉ đứng thứ ba. Không liên minh nào giành được đa số và nền chính trị Pháp sẽ tiếp tục bất ổn trong thời gian tới.

Jean Luc Melenchon
Ông Jean Luc Mélenchon, lãnh đạo liên minh cánh tả (Mặt trận Bình dân Mới), phát biểu trước hàng nghìn người ủng hộ tại Quảng trường Cộng hòa, Paris, Pháp vào ngày 30 tháng 6 năm 2024. (Nguồn ảnh: Pierre Crom/Getty Images)

Mặt trận Bình dân Mới (NFP) dự kiến sẽ thắng từ khoảng 177 đến 192 ghế, trong tổng số 577 ghế của Quốc hội Pháp, không chiếm được đa số.

Liên minh trung hữu của Tổng thống Macron dự kiến sẽ thắng từ 152 đến 158 ghế. Trong khi, Đảng Tập hợp Quốc gia cánh hữu dẫn đầu ở vòng một, nhưng sau vòng hai dự kiến sẽ chỉ về thứ ba với số ghế giành được từ 138 đến 145.

Số cử tri đi bầu cử cuối tuần này được ước tính đạt được 67,1% của tổng số cử tri đủ điều kiện bầu cử, theo Ipsos Talan. Nếu được xác nhận, đây là tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử cao nhất tại Pháp kể từ năm 1997.

Mặc dù kết quả cuối cùng sẽ chưa được loan báo chính thức cho đến cuối ngày Chủ Nhật (7/7) hoặc sáng sớm thứ Hai (8/7, giờ Pháp), nhưng việc không liên minh nào có thể giành đa số ghế đã đang tạo ra sự bất ổn kinh tế và chính trị tại Pháp, theo AP.

Vào tháng trước khi Tổng thống Macron tuyên bố giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử sớm, thì đó là một canh bạc lớn và ông đã thua, mất quyền kiểm soát quốc hội.

Pháp bây giờ đối mặt với viễn cảnh nhiều tuần của các mưu đồ chính trị để xác định ai sẽ là thủ tướng và lãnh đạo Quốc hội. Và Tổng thống Macron đối mặt với viễn cảnh lãnh đạo đất nước cùng với một vị thủ tướng phản đối hầu hết các chính sách đối nội.

Điện Elysee cho biết ông Macron sẽ không phát biểu trước quốc dân vào Chủ Nhật (7/7) sau khi kết thúc bầu cử. Văn phòng của ông Macron nói rằng tổng thống sẽ phân tích kết quả bầu cử trước khi đưa ra bất kỳ biện pháp nào tiếp theo. Văn phòng tổng thống Pháp cũng nói ông Macron sẽ đợi chính phủ mới được thành lập để “đưa ra những quyết định cần thiết”. Tuyên bố của văn phòng tổng thống khẳng định ông Macron sẽ “tôn trọng lựa chọn của người dân Pháp”.

Trong khi đó, Thủ tướng Pháp Gabriel Attal đã loan báo sau khi có kết quả thăm dò sau bỏ phiếu rằng ông sẽ nộp đơn xin từ chức vào thứ Ba (9/7). Theo truyền thông Pháp, ông Gabriel Attal đã tái đắc cử và bây giờ sẽ làm nghị sĩ tại Quốc hội.

Ông Gabriel Attal cũng tuyên bố rằng ông sẽ “không bao giờ chấp nhận” thực tế rằng “hàng triệu” người tại Pháp đã bỏ phiếu cho những người mà ông gọi là “cực đoan”. Ông cũng tuyên bố rằng “sức mạnh của những giá trị của chúng ta” đã ngăn chặn lực lượng cực đoan giành đa số tuyệt đối trong cơ quan lập pháp.

Ông Jean-Luc Melenchon, lãnh đạo Đảng Không Khuất phúc thuộc liên minh cánh tả NFP, đã kêu gọi ông Macron hãy “chấp nhận thất bại” và hãy để cho liên minh cách tả thành lập chính phủ mới.

Chúng tôi đã đạt được kết quả mà chúng tôi bị nói là không thể”, ông Jean-Luc Melenchon nói và cho biết thêm rằng, “tổng thống phải kêu gọi Mặt trận Bình dân Mới điều hành chính phủ”.

Lãnh đạo Đảng Tập hợp Quốc gia Jordan Bardella đã tán dương “bước đột phá quan trọng nhất trong toàn bộ lịch sử” của đảng cánh hữu này. Ông vẫn đổ lỗi cho cái mà ông gọi là “liên minh ô nhục” giữa đảng của Tổng thống Macron và liên minh cách tả nhằm ngăn chặn Đảng Tập hợp Quốc gia chiến thắng, rõ ràng là đề cập đến “rút lui chiến thuật” mà liên minh của tổng thống với NFP thực hiện trước bầu cử vòng hai.

Chính trị gia kỳ cựu của Đảng Tập hợp Quốc gia, bà Marine Le Pen nói bà “đã có quá nhiều trải nhiệm để không thất vọng với kết quả bầu cử mà đảng cánh hữu đã tăng được gấp đôi số nghị sĩ trong Quốc hội Pháp”. Bà Le Pen cũng tuyên bố rằng “chiến thắng cuối cùng của Đảng Tập hợp Quốc gia chỉ là bị trì hoãn”.

Tổng thống Macron kêu gọi tổ chức bầu cử quốc hội sớm sau khi Đảng Tập hợp Quốc gia có màn thể hiện tốt trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu đầu tháng Sáu.

Các thành viên của Quốc hội Pháp được bầu trong nội bộ khu vực bầu cử thông qua bỏ phiếu trực tiếp hai vòng. Một ứng viên có thể thắng tuyệt đối trong vòng một nếu người đó giành được quá bán phiếu bầu. Nếu không có ứng viên nào đạt được điều kiện đó, thì tất cả các ứng viên giành được từ 12,5% phiếu bầu trở lên trong vòng một sẽ được tham gia vòng hai.

Trước khi diễn ra bầu cử vòng hai vào cuối tuần qua, Đảng Phục hưng của Tổng thống Macron và liên minh cánh tả NFP đã lựa chọn biện pháp mà truyền thông gọi là “rút lui chiến thuật”. Khoảng 200 ứng viên từ đảng của Tổng thống Macron và liên minh cánh tả NFP đã rút lui khỏi cuộc bầu cử vòng hai để tránh bị phan tán phiếu bầu giữa họ, và để ngăn chặn Đảng Tập hợp Quốc gia giành được đa số tuyệt đối (289 ghế) trong Quốc hội.

Hải Đăng (T/h)