Lộ dấu vết thiên vị chống Trump trong đội ngũ điều tra của Robert Mueller
Cuộc điều tra của Biện lý đặc biệt Robert Mueller về khả năng thông đồng giữa chiến dịch tranh cử của ông Trump và chính phủ Nga gần đây lại làm dấy lên nghi ngờ về sự chính trực của chính bản thân những cộng sự của ông Mueller tại FBI.
Ông Robert Mueller, Biện lý đặc biệt phụ trách cuộc điều tra khả năng chiến dịch tranh cử của ông Trump thông đồng với chính phủ Nga để giành chiến thắng
Theo Fox News, ít nhất hai nhân viên trong đội ngũ điều tra của ông Mueller đã bị phát hiện là đã âm thầm tỏ thái độ không thiện chí với ông Trump hoặc thiên vị bà Clinton trong cuộc điều tra bê bối email hồi năm ngoái.
Sửa chữ thiên vị bà Clinton
Biện lý Mueller đã sa thải một nhân viên FBI trong đội ngũ điều tra của mình sau khi phát hiện người này gửi một tin nhắn thể hiện thái độ “ghét Trump” tới đồng nghiệp cũng là FBI.
Theo Fox News, tên nhân viên FBI này là Peter Strzok, cựu phó trợ lý giám đốc phản gián. Ngoài tin nhắn “chống Trump”, ông này còn được xác nhận là đã thay đổi kết luận trong một bản dự thảo báo cáo của Cựu giám đốc FBI về cuộc điều tra Email của bà Hillary Clinton.
Ông Strzok đã đổi kết luận hành vi sử dụng máy chủ cá nhân cho các email công tác trong thời làm Ngoại trưởng của bà Clinton từ “hết sức cẩu thả” sang “cực kỳ không cẩn thận”. Các chuyên gia được Fox News phỏng vấn chỉ ra rằng việc thay đổi từ ngữ có ý nghĩa không nhỏ bởi vì khi các tài liệu mật nhà nước mà bị xử lý “hết sức cẩu thả” thì có thể khép vào một tội hình sự.
Việc ông Strzok sửa chữ bị phát hiện hồi tháng 11 vừa rồi sau khi các biên bản của cuộc điều tra được gửi tới Quốc hội. Biên bản này cho thấy bản dự thảo hồi tháng 5/2016 của Giám đốc FBI lúc đó là James Comey đã kết luận rằng bà Clinton đã xử lý email nhà nước một cách “hết sức cẩu thả”. Tuy nhiên, khi kết luận được đưa vào tháng 7/2016 của cuộc điều tra này lại là “cực kỳ không cẩn thận” và bà Clinton không phải chịu bất cứ hình phạt gì.
Trước đó ông Strzok cũng nằm trong đội ngũ thẩm vấn luật sư và một cố vấn cấp cao trong chiến dịch tranh cử của bà Clinton, và cuộc thẩm vấn cũng không phát hiện được sai phạm nào.
Ngoài ra, ông Strzok cũng tham gia thẩm vấn cựu cố vấn an ninh của ông Trump, Michael Flynn, trước khi ông này bị buộc tội khai man với FBI.
Sau những phát hiện đáng ngờ này, văn phòng Tổng thanh tra bộ Tư pháp đang cho rà soát lại vai trò của ông Strzok trong vụ điều tra email của bà Clinton.
Phó Biện lý của Mueller “cảm ơn” Cựu Bộ trưởng Tư Pháp vì “chống lại ông Trump”
Judicial Watch (Cơ quan Giám sát Tư Pháp) Hoa Kỳ công bố một email cho thấy một trợ lý của Biện lý đặc biệt Robert Mueller đã tán dương Cựu Bộ trưởng Tư pháp Sally Yates vì đã chống lệnh Tổng thống.
“Tôi rất tự hào, và kinh ngạc. Cảm ơn bà rất nhiều. Bằng tất cả sự tôn trọng của tôi”, ông Andrew Weissmann viết gửi bà Yates.
Bà Yates bị sa thải khỏi vị trí Bộ trưởng Tư pháp vào cuối tháng Một vì không chịu thực thi lệnh cấm di trú của ông Trump.
Trong khi nhiều người cho rằng nhân viên FBI cũng có thể có quyền bày tỏ ý kiến của mình về mọi vấn đề, thậm chí là chính trị, việc ông này sử dụng email công việc để gửi cho bà Yates, đồng thời vị trí hiện tại của ông là nhân viên cấp cao trong đội ngũ của ông Mueller điều tra chiến dịch tranh cử của ông Trump khiến nhiều người quan ngại về tính chính trực của cuộc điều tra.
Chủ tịch Judicial Watch Tom Fitton gọi bức email của ông Weissmann là một phát hiện “gây sửng sốt và khó chịu”.
“Andrew Weisman, một công tố viên chính trong đội ngũ của Robert Mueller, đã ca ngợi Bộ trưởng Tư pháp từ thời Obama Sally Yates sau khi bà ta ngăn trở Tổng tống Trump một cách vô luật. Chúng ta còn cần thêm bao nhiêu bằng chứng nữa để thấy rằng chiến dịch của ông Mueller đã bị xâm nhập đến mức không thể vãng hồi bởi những người có thái độ chống Trump?”, ông Fitton viết trong một thông báo.
Theo Fox News, email của Weissmann được gửi đi ngày 30/1, bằng tài khoản thư điện tử chính phủ của ông ta, trong khi ông này vẫn đang làm việc tại bộ phận hình sự của Bộ Tư pháp, trước khi ông tham gia đội ngũ của Robert Mueller. Bức thư được gửi đi ngay sau khi ông Trump sa thải bà Yates vì không tuân thủ lệnh cấm di trú đầu tiên.
Lệnh cấm di trú này, sau khi sửa đổi 3 lần, đã được Tòa Án Tối Cao Mỹ cho thực thi hoàn toàn hôm 5/12, sau một loạt các thách thức pháp lý từ tòa án cấp thấp hơn.
Trọng Đức
Xem thêm:
Từ khóa Donald Trump Nga can thiệp bầu cử Robert Mueller