Lo sợ Trung Quốc, Hàn Quốc xử phạt các công ty giúp Đài Loan chế tạo tàu ngầm
- Anh Hùng
- •
Theo hai nguồn tin quen thuộc với vấn đề và một tài liệu của cảnh sát mà Reuters đã được xem, do lo sợ nguy cơ bị Trung Quốc trả đũa kinh tế, năm ngoái, chính quyền Hàn Quốc đã buộc tội công ty công nghệ hàng hải SI Innotec vi phạm luật thương mại vì đã hợp tác với chương trình tàu ngầm quân sự mới của Đài Loan.
Trong một bản khai có tuyên thệ ngày 17/2/2022 gửi cho một thẩm phán để yêu cầu bắt giữ Giám đốc điều hành Park Mal-Sik của SI Innotec, cảnh sát cho biết Seoul lo ngại việc Bắc Kinh lặp lại các lệnh trừng phạt sâu rộng đối với Hàn Quốc vào năm 2016, sau khi Seoul quyết định lắp đặt hệ thống chống tên lửa tầm cao THAAD của Hoa Kỳ. Trung Quốc đã đồng ý dỡ bỏ các lệnh trừng phạt này vào cuối năm 2017.
Bản khai nhận định, thỏa thuận của SI Innotec cung cấp cho Đài Loan thiết bị sản xuất tàu ngầm “tác động trực tiếp đến an ninh chung của Hàn Quốc” và cảnh sát đã tham vấn ý kiến của cơ quan quản lý bán vũ khí của nước này, “lo ngại về một cuộc khủng hoảng tương tự như việc triển khai THAAD lần thứ hai, chẳng hạn như việc trả đũa kinh tế [của Trung Quốc].”
Theo bản khai, người lãnh đạo Cơ quan Quản lý Chương trình Mua sắm Quốc phòng (DAPA) của Hàn Quốc đã nói với một nhà thầu phụ giấu tên rằng Chính phủ Hàn Quốc có “mối quan ngại về xuất khẩu” liên quan đến Đài Loan, và “có quan điểm rất thận trọng” đối với những phê duyệt như vậy.
Theo một người quen thuộc với vấn đề này, thẩm phán đã ra lệnh bắt giữ ông Park vào ngày 28/2 với lý do lo ngại ông Park có thể bỏ trốn và tiêu hủy bằng chứng.
Trong một bản khai niêm phong mà Reuters được xem trước, cảnh sát đã viện dẫn một bài báo năm 2021 của Reuters, đưa tin về việc Trung Quốc phản ứng giận dữ trước thông tin các nhà thầu quốc phòng và chuyên gia của Hàn Quốc cùng 6 quốc gia khác làm việc trong chương trình tàu ngầm của Đài Loan.
SI Innotec đã bị phạt vào tháng 8/2022 và ông Park nhận một án tù treo. Tuy nhiên, ông Park phủ nhận hành vi sai trái và đã kháng cáo. Thông qua luật sư của công ty, ông Park đã từ chối bình luận về vấn đề này.
Theo 4 nguồn tin quen thuộc với vấn đề và các tài liệu của tòa án, trong một dấu hiệu của một cuộc trấn áp rộng hơn, vào tháng 11 năm ngoái, hai công ty Hàn Quốc khác được cho là đã cung cấp thiết bị cho Đài Loan cũng bị buộc tội vi phạm luật thương mại và một trong các giám đốc điều hành của họ đã bị buộc tội là gián điệp công nghiệp.
Danh tính của các nhà thầu phụ kỹ thuật quốc phòng, Keumha Naval Technology (KHNT) và S2&K, và các tội danh mà các đồng phạm này phải đối mặt trong phiên tòa kín, chưa được báo cáo trước đây. Reuters không thể xác định liệu căng thẳng địa chính trị có được thảo luận trong các thủ tục tố tụng đang diễn ra hay không.
Một quan chức của KHNT, phát biểu với điều kiện giấu tên bởi vì ông không được phép nói chuyện với giới truyền thông, đã xác nhận rằng một vụ án hình sự đang diễn ra. KHNT từ chối bình luận thêm về vấn đề này, trong khi S2&K không đưa ra bình luận nào.
Trong bối cảnh căng thẳng quân sự với Trung Quốc ngày càng tăng, Đài Loan đã trình làng chiếc tàu ngầm nội địa đầu tiên của mình vào ngày 28/9 tại thành phố cảng Cao Hùng, phía nam Đài Loan. Con tàu này sẽ sớm đi vào thử nghiệm trên biển.
Bản khai tuyên thệ của SI Innotec và các cuộc phỏng vấn với 7 người trong các lĩnh vực quân sự, đóng tàu, và pháp lý cho thấy những cân nhắc chính trị của Seoul về sự rạn nứt kinh tế với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc, đã đè nặng lên các cuộc điều tra của Hàn Quốc đối với 3 công ty này. Với điều kiện giấu tên, những người này đã thảo luận về các thủ tục pháp lý đang diễn ra có liên quan đến an ninh quốc gia.
Theo một người quen thuộc với KHNT, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã “hoàn toàn phản đối” sự hợp tác của KHNT với Đài Loan và đã phát tín hiệu phản đối của mình đến DAPA.
Bản khai lưu ý, nhiều công ty Hàn Quốc có chuyên môn về tàu ngầm đã tránh giúp đỡ Đài Loan, bởi vì họ không hy vọng nhận được sự chấp thuận của chính phủ trước nguy cơ “thiệt hại cho nền kinh tế lớn hơn lợi ích”, bao gồm khả năng Trung Quốc cấm các hàng hóa xuất khẩu của Hàn Quốc.
Cảnh sát Hàn Quốc từ chối bình luận với lý do lo ngại an ninh quốc gia. Văn phòng các công tố buộc tội 3 nhà thầu phụ đã từ chối bình luận về các thủ tục pháp lý đang diễn ra. Reuters đã cố gắng liên hệ với Tổng thống Hàn Quốc khi đó là Moon Jae-in thông qua văn phòng của một cựu trợ lý. Văn phòng này đã chuyển các câu hỏi của Reuters đến Bộ Ngoại giao Hàn Quốc.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, họ biết các phiên tòa đang diễn ra và đã chuyển các câu hỏi chi tiết cho DAPA. DAPA khẳng định, họ tuân thủ luật pháp khi đưa ra các quyết định về hàng hóa xuất khẩu, nhưng không bình luận gì thêm.
Với điều kiện giấu tên, một điều tra viên cảnh sát đã thảo luận về các vấn đề pháp lý đang diễn ra, khẳng định rằng không có áp lực nào từ chính phủ tự do của Tổng thống Moon, người đã rời nhiệm sở vào tháng 5/2022, trong việc đối xử cứng rắn với công ty SI Innotec.
Reuters không thể xác định liệu Bắc Kinh có gây áp lực buộc Seoul phải kiểm soát chặt chẽ các công ty này hay không.
Khi được Reuters yêu cầu bình luận, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cáo buộc Đảng Dân chủ Tiến bộ cầm quyền của Đài Loan “thông đồng với các thế lực bên ngoài.” Tuy nhiên, phát ngôn viên này không trả lời câu hỏi liệu Bắc Kinh có gây sức ép lên Seoul trong việc xử lý các nhà thầu phụ này hay không.
Phát biểu với Reuters vào năm 2021, Bắc Kinh đã đe dọa rằng các quốc gia tham gia vào dự án của Đài Loan đang “đùa với lửa”.
Bộ ngoại giao và quốc phòng Đài Loan chưa đưa ra bình luận nào.
Seoul không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Bắc và tránh trang bị vũ khí cho đảo quốc dân chủ mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, ngay cả khi các công ty Hàn Quốc ký kết các thỏa thuận cung cấp vũ khí cho các quốc gia láng giềng châu Á khác.
Chuyên gia nước ngoài
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã khởi xướng chương trình tàu ngầm phòng thủ bản địa vào năm 2016.
Phát biểu trong một cuộc họp báo ngắn nội bộ vào tháng 9, đô đốc Đài Loan lãnh đạo dự án này tuyên bố, những con tàu mới, bổ sung cho hai chiếc tàu do Hà Lan giao vào những năm 1980, là một “sự răn đe chiến lược” gây ra nhiều thách thức hơn đối với Trung Quốc trong việc triển khai sức mạnh hải quân ở Thái Bình Dương.
Nhiều chuyên gia quân sự cho rằng việc mở rộng hạm đội tàu ngầm của Đài Loan có thể làm phức tạp thêm cho cuộc xâm lược tiềm tàng của Bắc Kinh. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cảnh báo rằng những khí tài quân sự như vậy không nên đánh đổi bằng các vũ khí nhỏ hơn vốn có thể giúp Đài Loan tiến hành “cuộc chiến bất đối xứng” chống lại Trung Quốc với kho vũ khí lớn hơn nhiều.
Đài Loan đã thu hút chuyên môn của những sĩ quan hải quân Hàn Quốc đã nghỉ hưu, bao gồm cả những nhà quản lý của công ty SI Innotec và KHNT, những người không bị những quy định của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc yêu cầu phải xin phép trước khi làm việc ở nước ngoài.
SI Innotec bị cáo buộc vi phạm Đạo luật Ngoại thương, trong đó yêu cầu phải có sự phê duyệt của DAPA trong việc chuyển ra nước ngoài nhiều “hàng hóa chiến lược” phục vụ mục đích quân sự.
Bốn người quen thuộc với các vụ án hình sự này cho biết, DAPA cũng được giao nhiệm vụ thúc đẩy xuất khẩu, một vai trò yêu cầu các quan chức phải đưa ra những quyết định khó khăn đối với các thỏa thuận mang lại lợi ích cho Hàn Quốc nhưng có thể khiến Bắc Kinh khó chịu.
Theo các hợp đồng trình bày tại phiên tòa, năm 2019, SI Innotec đã đồng ý một thỏa thuận với công ty đóng tàu CSBC của Đài Loan để cung cấp và lắp đặt các thiết bị hàn và lắp ráp cho việc sản xuất thân tàu chịu áp lực của tàu ngầm.
Phát biểu với Reuters, SI Innotec khẳng định, các thiết bị này được thiết kế không chỉ cho mục đích quân sự và không liên quan đến công nghệ nhạy cảm.
SI Innotec tiết lộ, theo yêu cầu của CSBC, hợp đồng này liệt kê mục đích sử dụng chính của thiết bị là sản xuất điện gió. Nhà thầu Hàn Quốc lưu ý Reuters rằng theo “thông lệ” các hợp đồng thiết bị có công dụng kép được ”ký với mục đích sử dụng công nghiệp, không tiết lộ mục đích sử dụng quân sự” và các khách hàng Đài Loan rất kín đáo về công việc quốc phòng.
CSBC, công ty dẫn đầu trong việc chế tạo tàu ngầm của Đài Loan, cũng có công việc kinh doanh năng lượng gió ngoài khơi. Công ty này đã từ chối bình luận về các hợp đồng của mình.
Theo tài liệu của tòa án, vào tháng 4/2020, DAPA đã đề nghị SI Innotec kiểm tra xem liệu các thiết bị này có thể được phân loại là hàng hóa quân sự và yêu cầu sự phê duyệt xuất khẩu hay không.
Phản hồi các câu hỏi của Reuters, nhà thầu phụ này cho biết, họ đã nói với DAPA rằng họ đang xuất khẩu các hàng hóa có công dụng kép, có thể tiến hành quá trình tự chứng nhận mà cơ quan quản lý không cần giám sát. Theo SI Innotec, kết quả của việc tự chứng nhận đó cho thấy việc phê duyệt xuất khẩu là không cần thiết và DAPA đã được thông báo về việc này.
Hồi tháng 8/2022, Tòa án Quận Changwon đã phạt SI Innotec 14 tỷ won (10,42 triệu đô la)
Tòa án phán quyết: “Bị cáo hoàn toàn biết rằng các thiết bị sẽ được sử dụng để sản xuất tàu ngầm quân sự.”
SI Innotec chỉ trích, cảnh sát đã xác định thiết bị của họ là hàng hóa quân sự sau một cuộc tham vấn “chủ quan và không rõ ràng” với DAPA dựa trên “dữ liệu hạn chế”. Công ty này nhấn mạnh, họ có “nghi ngờ mạnh mẽ” về việc liệu hàng hóa xuất khẩu của họ có bị coi là hàng hóa quân sự hay không nếu chúng không được gửi đến Đài Loan.
Giám đốc điều hành Park Moo-Sik của Si Innotec, người không bị buộc tội cá nhân, tiếp tục làm việc tại Đài Loan trong dự án này, theo hai người quen biết với ông cho biết. Ông Park từ chối bình luận thông qua luật sư của công ty.
Câu hỏi về việc cho phép
Hai người quen thuộc với thỏa thuận của KHNT cho biết, KHNT và giám đốc điều hành của công ty này, sĩ quan hải quân đã nghỉ hưu Yang Hyang-kweon, bị cáo buộc đã chuyển trái phép một bộ phận của tàu ngầm sang Đài Loan.
Hồ sơ tòa án cho biết, ông Yang, người không trả lời yêu cầu bình luận, đã bị giam giữ vào năm ngoái và đã được tại ngoại vào tháng 3.
Theo hai người quen thuộc với công việc của KHNT, bộ phận này liên quan đến ống phóng ngư lôi. Công ty S2&K, đồng phạm của KHNT, là công ty chuyên về các hệ thống như vậy.
Theo 3 người quen thuộc với vấn đề này, KHNT ban đầu đã thực hiện theo quy trình của DAPA. Nhưng hai người trong số này cho biết, KHNT đã không nhận được phản hồi từ DAPA khi họ muốn gửi thiết kế chi tiết cho đối tác Đài Loan và họ đã tiếp tục tiến hành để đáp ứng thời hạn. Một người trong đó lưu ý, vào thời điểm đó, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã thông báo cho DAPA rằng họ không chấp thuận thỏa thuận này.
Nhà nghiên cứu ngoại giao quốc phòng Cho Hyeon Gyo, từng là tùy viên quân sự của Hàn Quốc ở Đài Bắc và Bắc Kinh, lưu ý: “Có nhiều điều Hàn Quốc có thể giúp Đài Loan nhưng trên thực tế thì không thể.” Ông nói thêm, mối quan hệ với Trung Quốc và khó khăn trong việc bí mật hỗ trợ Đài Loan đã thu hẹp đáng kể khả năng giúp đỡ của Seoul.
Từ khóa Tàu ngầm Đài Loan Đài Loan Hàn Quốc