Mâu thuẫn Mỹ – Trung leo thang sau cuộc gặp Blinken – Vương Nghị
- Trương Đình
- •
Cuộc chiến dư luận Mỹ – Trung về sự cố khinh khí cầu còn chưa lắng xuống, thì tình hình một lần nữa lại chìm vào khủng hoảng vì Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có ý hỗ trợ sát thương cho Nga. Cuộc gặp giữa ông Blinken và ông Vương Nghị bên lề Hội nghị An ninh Munich vào ngày 18/2 thậm chí còn khiến căng thẳng leo thang hơn.
Xung đột Mỹ-Trung lại leo thang lên đỉnh điểm
Vào ngày 4/2, Mỹ đã bắn rụng khinh khí cầu của Trung Quốc trên bờ biển Nam Carolina. ĐCSTQ tuyên bố rằng đó là một khinh khí cầu được sử dụng để nghiên cứu khí tượng và cáo buộc Mỹ phản ứng thái quá, nhưng Mỹ đã đưa ra bằng chứng khẳng định đó là khinh khí cầu gián điệp. Sự cố khinh khí cầu đã gây ra cuộc chiến dư luận gay gắt và buộc Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phải hoãn chuyến thăm Trung Quốc vô thời hạn.
Phóng viên Jen Kirby của Vox đã viết hồi đầu tháng này rằng cuộc khủng hoảng khinh khí cầu do thám Trung Quốc cho thấy “mối quan hệ hiện tại [giữa Mỹ và Trung Quốc] lung lay như thế nào”.
Ngoại trưởng Mỹ Blinken cho biết vào ngày 18/2 rằng Mỹ có bằng chứng dựa trên thông tin tình báo việc phía Trung Quốc đang cung cấp hỗ trợ phi sát thương cho Nga, nhưng giờ đây họ cũng có thể cung cấp hỗ trợ sát thương.
“Mối lo ngại của chúng tôi bây giờ, dựa trên thông tin mà chúng tôi có, là họ [Trung Quốc] đang xem xét cung cấp hỗ trợ sát thương cho Nga”, ông Blinken nói, đồng thời cảnh báo Bắc Kinh rằng mọi động thái cung cấp vũ khí nhằm hỗ trợ Moscow trên chiến trường Ukraine đều sẽ gây ra vấn đề nghiêm trọng.
Tuyên bố này càng làm xấu đi mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Hôm thứ Hai (20/2), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã lên án các cáo buộc của Mỹ: “Mỹ không đủ tư cách ra lệnh cho Trung Quốc. Chúng tôi cũng không bao giờ chấp nhận việc Mỹ điều khiển quan hệ Trung-Nga, thậm chí cưỡng ép và gây áp lực”. Quan chức Trung Quốc này cũng yêu cầu Mỹ “ngừng đổ lỗi và lan truyền thông tin sai lệch”.
Vào thứ Hai (20/2), truyền thông Tân Hoa Xã của ĐCSTQ cũng đã công bố một báo cáo có tên “Bá quyền của Mỹ và tác hại của nó”, lên án Mỹ kích động đối đầu.
Quan hệ Mỹ-Trung vốn vẫn luôn căng thẳng vì vấn đề Biển Đông, Đài Loan và vấn đề nhân quyền. Hiện nay ĐCSTQ lại cảm thấy bị đe dọa bởi mối quan hệ quân sự mạnh mẽ của Mỹ với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Philippines, đặc biệt là ở các khu vực tranh chấp như Đài Loan và Quần đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là Quần đảo Senkaku) mà ĐCSTQ tuyên bố chủ quyền bừa bãi.
Cuộc đối đầu mới nhất giữa Trung Quốc và Mỹ đã đưa mâu thuẫn giữa hai nước lên đến đỉnh điểm.
Nền tảng gây thù địch Trung-Mỹ
Phó giáo sư Ja Ian Chong về khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Vox hôm 18/2, rằng những khác biệt về ý thức hệ cốt lõi là cơ sở của mối quan hệ thù địch giữa Trung Quốc và Mỹ. Ông nói: “Trung Quốc (ĐCSTQ) về cơ bản không chấp nhận thể chế và tư tưởng của Mỹ, tin rằng sự lan rộng của chúng vào Trung Quốc có thể gây ra mối đe dọa đối với vai trò cai trị của ĐCSTQ, trong khi Washington ngày càng coi sự ủng hộ của ĐCSTQ đối với các chế độ độc tài là phá hoại ổn định và gây bất lợi cho chính quyền của họ”.
Mặc dù cuộc gặp Vương Nghị – Blinken tại Munich vào ngày 18/2 đã mở ra cơ hội liên lạc trực tiếp giữa hai nước, nhưng ông Blinken cho biết trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông sau cuộc gặp rằng các cuộc đàm phán đã không đạt được thành quả thực chất. Trong khi đó, ông Vương Nghị cũng không cáo lỗi vì sự kiện khinh khí cầu và cũng không đảm bảo rằng Bắc Kinh sẽ không cung cấp vũ khí cho Nga.
Giáo sư Ja Ian Chong cho hay điều đó không có gì đáng ngạc nhiên, vì ông Vương Nghị kiên định “ngoại giao chiến lang” – kiểu cách đối ngoại hiếu chiến và cưỡng chế được áp dụng dưới thời ông Tập Cận Bình. Ông Vương Nghị là một người thực hiện trung thành “ngoại giao chiến lang”.
Phóng viên Kirby của Vox cho rằng cả Washington và Bắc Kinh đều không nhận thức tường tận về vấn đề kết nối với nhau hoặc hóa giải xung đột, thậm chí họ còn không có nhiều kênh để có thể luôn sẵn sàng thực hiện điều đó. Thực trạng mơ hồ này làm cho tính toán sai lầm hoặc leo thang dễ xảy ra hơn. Khi ĐCSTQ tìm cách xây dựng quyền lực ở nước ngoài, còn Mỹ thì tìm cách ngăn chặn hoặc hạn chế vấn đề đó, thì khả năng xảy ra các sự cố hoặc hiểu lầm nguy hiểm sẽ tăng lên.
Cuộc gặp Blinken – Vương Nghị làm leo thang căng thẳng Mỹ-Trung
Chính quyền Tổng thống Mỹ Biden ban đầu hy vọng tận dụng cơ hội của Hội nghị An ninh Munich để hạ nhiệt căng thẳng Mỹ và Trung Quốc. Nhưng những cáo buộc điên rồ của ông Vương Nghị đối với Mỹ đã khiến việc thiết lập lại mối quan hệ không thể xảy ra.
Vài giờ trước cuộc gặp với ông Blinken tại cuộc họp ở Munich, ông Vương Nghị đã tố cáo việc Washington bắn hạ khinh khí cầu là “hành vi cuồng loạn”.
Cho dù ông Tập Cận Bình trong tình cảnh chịu những thách thức trong nước càng muốn xoa dịu quan hệ Mỹ-Trung, nhưng nhà báo của chuyên mục Washington Post là Josh Rogin tin rằng Chính phủ ĐCSTQ có thể muốn nắm bắt những điểm yếu của chính quyền Biden nhằm xoa dịu quan hệ Trung – Mỹ, đồng thời củng cố luận điệu hiếu chiến của họ. Bắc Kinh đã cố gắng đảo ngược tình hình bằng cách tuyên bố rằng Mỹ cũng cho khinh khí cầu do thám trong không phận Trung Quốc (một tuyên bố mà các quan chức Mỹ đã bác bỏ).
Cuộc gặp Blinken – Vương Nghị không bên nào thông báo trước. Cho đến vài giờ đầu tiên trước cuộc gặp thì hai bên vẫn chưa được biết. Nguồn tin quen thuộc vấn đề này nói với trang tin Politico của Mỹ rằng các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã nỗ lực trong vài ngày qua để thúc đẩy cuộc gặp. Một nhà ngoại giao biết về tình hình thảo luận nói rằng lý do làm chậm tiến độ trong việc sắp xếp đàm phán là vì điều kiện của Bắc Kinh là Mỹ “phải chính thức yêu cầu đàm phán”.
Quan chức ngoại giao này nói: “Chính quyền Tổng thống Biden không ‘hạ mình’ để tổ chức cuộc gặp. Nhưng cuối cùng Bắc Kinh vẫn huênh hoang rằng đây là ‘cuộc tiếp xúc không chính thức’ theo yêu cầu của Mỹ”.
Cuộc gặp này đầy mùi thuốc súng. Theo tuyên bố của Mỹ, ông Blinken nói với ông Vương Nghị rằng vụ khinh khí cầu do thám “không bao giờ được tái diễn”. Nguồn tin từ phóng viên Josh Rogin cũng cho hay ông Blinken cũng đối đầu với ông Vương Nghị về viện trợ của Trung Quốc cho Nga và cảnh báo về “hậu quả” nếu Bắc Kinh cung cấp viện trợ sát thương cho Moscow.
Các nguồn tin từ phía ĐCSTQ thì cho biết ông Vương Nghị nói với ông Blinken rằng Mỹ nên “công nhận và bù đắp cho những thiệt hại gây ra cho quan hệ Trung-Mỹ do việc Mỹ sử dụng vũ lực quá mức”, về cơ bản là yêu cầu một lời xin lỗi từ Mỹ.
Phóng viên Rogin cũng cho biết không có tiến triển nào đạt được đối với bất kỳ vấn đề nào khác được thảo luận trong cuộc họp. Ông Blinken không có kế hoạch sắp xếp lại chuyến đi đến Trung Quốc. Cuộc gọi giữa ông Biden và ông Tập cũng chưa được lên lịch (mặc dù nó vẫn có thể xảy ra).
Bên lề Hội nghị An ninh Munich, ông Vương Nghị cũng kêu gọi châu Âu rời xa Mỹ và xích lại gần Bắc Kinh.
Phó giáo sư Alfred M. Wu tại Đại học Quốc gia Singapore đã tweet vào Chủ nhật (19/2), “Mỗi lần ông Blinken gặp nhà lãnh đạo ngoại giao (này) của Trung Quốc, căng thẳng giữa hai bên không giảm xuống mà còn tăng lên. Hầu hết các trường hợp, các lệnh cấm khác nhau từ Quốc hội Mỹ sẽ được ban hành, dù lần nào chính trị gia lão làng Biden cũng mong xoa dịu Trung Quốc. Khi các nhà ngoại giao gặp nhau, bầu không khí sói chiến gây khó khăn cho những người bên dưới, trong vài ngày nữa có thể lệnh cấm vận Trung Quốc ở Mỹ lại tăng lên. Có cảm giác như mỗi khi ‘chiến binh sói’ ra trận là sẽ mang về nước thêm lệnh cấm vận”.
Sau cuộc gặp giữa ông Vương Nghị và ông Blinken, ĐCSTQ đã tăng cường kêu gọi. Hôm thứ Hai người phát ngôn Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân đe dọa rằng nếu Mỹ khăng khăng lợi dụng vấn đề này thì chỉ gây leo thang tình hình, Trung Quốc sẽ “theo đến cùng” và Mỹ sẽ gánh chịu mọi hậu quả.
Một số trợ lý quốc hội nói với phóng viên Rokin rằng những nỗ lực của nhóm Tổng thống Biden nhằm theo đuổi mối quan hệ Mỹ-Trung ổn định hơn là điều dễ hiểu, nhưng phải trả giá. Các trợ lý cho biết khi chính quyền Tổng thống Biden giữ “cung cách quen thuộc” sẽ giảm áp lực lên Trung Quốc trong một loạt vấn đề.
Phóng viên Rokin cho biết các quan chức của Tổng thống Biden tiếp tục mở rộng cánh cửa để Bắc Kinh hợp tác giải quyết những thách thức chung như biến đổi khí hậu và Triều Tiên. Mặc dù vậy, chính quyền Biden sẽ không cho Trung Quốc bất cứ nhượng bộ trực tiếp nào vì sự tham gia của Trung Quốc vào các vấn đề đó. Rokin nói: “Chính quyền Biden sẵn sàng tìm cách khởi động lại, nhưng không phải theo các điều kiện của Bắc Kinh”
Từ khóa Vương Nghị mối quan hệ Mỹ - Trung Antony Blinken Hội nghị An ninh Munich