Mở phiên tòa Hồ sơ Panama: Giới quyền quý Trung Quốc lại là tâm điểm
- Chính Hâm
- •
Tại Panama ngày 8/4 đã khai mạc phiên tòa xét xử vụ án trốn thuế khổng lồ trong “Hồ sơ Panama” (Panama Papers). Cuộc điều tra này do Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) dẫn đầu, đã tiết lộ nhiều vấn đề bê bối trong giới quyền lực ở nhiều nước, tiêu biểu tại Trung Quốc là liên quan nhiều quan chức cấp cao đương nhiệm và đã nghỉ hưu trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Tòa án mở phiên tòa xét xử “Hồ sơ Panama”
Panama hiện nay vẫn nằm trong danh sách đen thiên đường thuế của Liên minh châu Âu (EU). Phiên tòa xét xử “Hồ sơ Panama” kế hoạch ban đầu diễn ra vào năm 2021, nhưng đã nhiều lần bị hoãn vì nhiều lý do.
Theo AFP, phiên tòa xét xử vụ án trốn thuế khổng lồ “Hồ sơ Panama” đã mở tại Panama vào ngày 8/4. Cơ quan tư pháp Panama cho biết trong một tuyên bố, rằng dự kiến tổ chức phiên tòa lấy lời khai đối với 27 bị cáo bị nghi phạm tội rửa tiền và phiên tòa này có thể kéo dài đến ngày 26/4.
Trong số người bị xét xử bao gồm những người sáng lập công ty luật Mossack Fonseca là Jürgen Mossack và Ramon Fonseca Mora.
Theo 11,5 triệu tài liệu do Mossack Fonseca tiết lộ, cuộc điều tra cho thấy nhiều chính trị gia hàng đầu và các nhân vật từ cộng đồng tài chính, thể thao và nghệ thuật (ở Panama cũng như nhiều nước khác trên thế giới) bị cáo buộc giấu cơ quan thuế về tài sản, doanh nghiệp, vốn và lợi nhuận.
Trong đó, những nhân vật nổi tiếng quốc tế được nhắc đến bao gồm cựu lãnh đạo chính phủ Iceland Gunnlaugsson, cựu lãnh đạo chính phủ Pakistan Nawaz Sharif, cựu Thủ tướng Anh và đương kim Ngoại trưởng Cameron, cựu Tổng thống Argentina Macri, cũng như giới bóng đá như ngôi sao Messi và giới phim ảnh như nhà sản xuất phim người Tây Ban Nha Almodovar.
Vụ bê bối buộc công ty luật Mossack Fonseca phải đóng cửa và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của quốc gia Trung Mỹ nhỏ bé Panama. Do đó Panama đã được liệt kê vào danh sách đen của EU về các thiên đường trốn thuế.
Khi vụ án nổ ra, một số điều khoản trong luật chống rửa tiền của Panama vẫn chưa được áp dụng, điều này có thể khiến việc kết án trở nên khó khăn hơn. Tại Panama, chỉ từ năm 2019 thì tội phạm trốn thuế mới bị trừng phạt nếu số tiền trốn thuế hàng năm vượt quá 300.000 USD. Trước đó trốn thuế không bị coi là tội phạm mà chỉ đơn thuần là vi phạm hành chính.
Trong vụ án được gọi là “rửa xe” vào tháng 6/2023, người sáng lập công ty luật Mossack Fonseca đã bị yêu cầu kết án lên tới 12 năm tù vì tội rửa tiền liên quan đến các công ty xây dựng Brazil, trong đó có ‘gã khổng lồ’ Odebrecht. Phán quyết trong vụ án này vẫn chưa được công khai và đây là vụ án nằm ngoài vụ bê bối “Hồ sơ Panama”. Nhưng vụ việc nêu bật vấn đề của nhiều công ty xây dựng ở Brazil (bao gồm Odebrecht) từ năm 2005 – 2014 đã hối lộ các nhà lãnh đạo cấp cao ở nhiều nước châu Mỹ Latinh để có được các hợp đồng công cộng.
Đánh vào điểm nhạy cảm của ĐCSTQ
Trong dữ liệu bị rò rỉ cho thấy công ty luật Mossack Fonseca đã giúp một số lượng lớn khách hàng giấu tài sản ở nước ngoài, tạo ra hơn 214.000 công ty vỏ bọc. Các công ty này thường có trụ sở tại Quần đảo Virgin thuộc Anh, Panama, Hồng Kông…
Các công ty vỏ bọc này có liên quan đến hơn 200 quốc gia và khu vực trên thế giới, bao gồm 143 chính trị gia và gia đình họ đến từ các nước và vùng lãnh thổ này, trong đó có cả lãnh đạo đương nhiệm một số nước. Phạm vi dữ liệu bao phủ và mức độ chi tiết tình trạng tội phạm gây chấn động.
Điều này là nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ của Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ). Hiệp hội này đã thành lập một đội điều tra đặc biệt cho dự án “Hồ sơ Panama”. Số ngôn ngữ mà các nhà báo tham gia dự án có thể dùng là tổng cộng 25 thứ tiếng, họ dễ dàng từ hồ sơ những khách hàng tìm ra tài liệu liên quan đến hành vi tham nhũng… Ngày 10/5/2016, ICIJ đã mở cơ sở dữ liệu trực tuyến để công khai công luận.
Dữ liệu bị rò rỉ lần này nhiều hơn rất nhiều so với tổng lượng dữ liệu của tổ chức này bị xử lý vào các năm 2013, 2014 và 2015, bao gồm rò rỉ ở nước ngoài (260GB), Luxembourg (4GB) và Thụy Sĩ (3,3GB).
Trước đó vào ngày 3/4/2013, trong quá trình điều tra một công ty nước ngoài của Úc và vụ bê bối lừa đảo, giám đốc Gerald Lauer của ICIJ đã lấy được một ổ cứng chứa hơn 260GB thông tin. Sau khi phân tích, có khoảng 2,5 triệu tệp trong ổ cứng, bao gồm hơn 2 triệu email và gần 500.000 tài liệu các loại, gồm 10 khu vực ngoài khơi, trong đó có Quần đảo Virgin thuộc Anh, Quần đảo Cook và Singapore.
Dữ liệu vào thời điểm đó chứa thông tin chi tiết của hơn 122.000 công ty hoặc quỹ tín thác nước ngoài, cũng như gần 12.000 bên trung gian và 130.000 hồ sơ. Những tài liệu bị rò rỉ này tiết lộ hồ sơ của một số lượng lớn các cá nhân giàu có mở các công ty và tài khoản ngân hàng nước ngoài tại những nơi như ở Quần đảo Virgin thuộc Anh, bao gồm dữ liệu và sự kiện như: chuyển tiền, ngày sáp nhập công ty, mối quan hệ giữa các công ty và cá nhân…
Theo báo cáo của ICIJ, giới quyền quý Trung Quốc dùng hệ thống kinh tế song song [ví dụ thị trường đen, giao dịch không chính thức, hoặc các hoạt động kinh doanh không đăng ký hoặc không nằm trong quy định của pháp luật] để trốn thuế và che giấu các giao dịch. Người ta ước tính rằng kể từ năm 2000, ít nhất 1000 tỷ USD đã bị thất thoát khỏi Trung Quốc ra nước ngoài, thậm chí có thể lên tới 4000 tỷ USD. Thực tế rất khó theo dõi được lộ trình chính xác.
Phân tích dữ liệu ICIJ cho thấy khách hàng từ Trung Quốc Đại lục và Hồng Kông có tỷ lệ thành lập công ty ở nước ngoài cao nhất. Trong đó Quần đảo Virgin thuộc Anh là một trong những nơi có mối liên hệ chặt chẽ nhất với Trung Quốc, hầu hết những người nắm giữ tài sản trên đảo đều sống ở Trung Quốc Đại lục và Hồng Kông – điều này cũng giải thích tại sao Quần đảo Virgin thành nguồn vốn nước ngoài lớn thứ hai của Trung Quốc.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Quần đảo Virgin là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai của Trung Quốc. Lựa chọn hàng đầu để các quan chức giàu có của ĐCSTQ và doanh nhân liên quan chuyển tài sản là các trung tâm tài chính nước ngoài như Quần đảo Virgin thuộc Anh và Panama, những nơi được xem là vùng lý tưởng để các chức sắc ĐCSTQ hoặc doanh nhân giàu trốn thuế, rửa tiền và thực hiện các giao dịch ở nước ngoài.
Danh sách người liên quan bao gồm các thành viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ một thời như Trương Cao Lệ, Lưu Vân Sơn, Tăng Khánh Hồng, Giả Khánh Lâm… Được biết, Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ đã liên tiếp tổ chức các cuộc họp đặc biệt về vụ việc “Hồ sơ Panama”, đã thông qua và thực hiện “kế hoạch khẩn cấp”, theo đó đều đã có những động thái [không rõ] đối với cả ông Lưu Vân Sơn và Trương Cao Lệ.
Nhà bình luận Đường Tân Nguyên (Tang Xinyuan) đã chỉ ra, cách thức “chuyển hóa” quỹ của các chức sắc ĐCSTQ rất đơn giản. Giả sử một quan chức hoặc doanh nhân giàu có của ĐCSTQ muốn chuyển vốn, thông thường ông ta sẽ thành lập công ty mẹ B ở nước ngoài, sau đó niêm yết công ty A của ông ta ở Hồng Kông. Khi Công ty A lên sàn thì dùng Công ty B để mua cổ phần của Công ty A. Bằng cách này, tiền của người quyền lực hoặc doanh nhân giàu có này có tư cách là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), và tiền có thể quay vòng và trở lại các doanh nghiệp mà họ đã mở ở Trung Quốc. Đồng thời, Công ty B được sử dụng để phát hành trái phiếu có rủi ro cao để thu được lợi ích lớn hơn. Khi tiền sạch hoặc đã kiếm đủ, công ty nộp đơn xin phá sản, để lại một công ty vỏ bọc cho các nhà đầu tư khiến vốn liếng các nhà đầu tư mất trắng. Nhiều vụ lừa đảo tài chính đã xảy ra ở Trung Quốc những năm gần đây đều thuộc loại này.
Con đường trốn thoát của các quan chức ĐCSTQ cũng tương tự, việc thành lập các công ty nước ngoài ở nước ngoài rồi chuyển tiền là lựa chọn của nhiều quan chức ĐCSTQ. Con đường đó thường trải qua nhiều bước như tích lũy tài sản – người nhà đi trước – chuyển tài sản – chọn cơ hội bỏ trốn – ở lại nước ngoài và không quay trở lại Trung Quốc.
Ông Đường Tân Nguyên nhấn mạnh rằng nền kinh tế Trung Quốc từ lâu đã bị giới quyền quý của ĐCSTQ kiểm soát, họ cướp bóc tài sản nhà nước và của cải quốc gia rồi chuyển ra nước ngoài. Giả như khi có dự án bất động sản béo bở trong nước, giới quyền quý của ĐCSTQ sẽ đưa vốn từ các công ty hoặc đại lý ở nước ngoài phân bổ trở về cho dự án trong nước giả vờ là nhà đầu tư nước ngoài và kiếm lợi nhuận, đẩy bong bóng trên thị trường bất động sản và chứng khoán Trung Quốc lên cao. Do hoạt động ngầm nên che mắt được công luận, nhưng việc liên tục rò rỉ các tài liệu tài chính ra nước ngoài đã trở thành tử huyệt của ĐCSTQ.
Từ khóa Hồ sơ Panama Dòng sự kiện