5 thành tựu nổi bật của mục sư, nhà hoạt động nhân quyền Martin Luther King
- Hùng Cường
- •
Nhắc đến Martin Luther King Jr. (15/1/1929 – 4/4/1968), nhiều người sẽ nghĩ ngay tới bài diễn văn nổi tiếng của ông “Tôi có một giấc mơ”. Tuy nhiên, cuộc đời vỏn vẹn 39 năm của vị mục sư, nhà hoạt động nhân quyền này, còn để lại cho hậu thế nhiều điều giá trị.
Dưới đây là 5 trong số những thành tựu nổi bật của mục sư Martin Luther King:
1. Diễu hành tại Washington D.C và đọc diễn văn “Tôi có một giấc mơ”
Vào năm 1963, mục sư Luther King đã lãnh đạo cuộc tuần hành ôn hòa gồm hơn 200.000 người tại thủ đô Washington, từ Tượng đài Lincoln tới Bảo tàng Washington. Đây được coi là thành công lớn nhất của nhà hoạt động nhân quyền trẻ tuổi. Cuộc tuần hành do mục sư Luther Kinh tổ chức thu hút sự tham gia của đông đảo các nhóm nhân quyền, người lao động và các tổ chức tôn giáo để giành công bằng xã hội và kinh tế cho người Mỹ gốc Phi. Cũng trong cuộc tuần hành này, mục sư Luther King đã có bài phát biểu lịch sử “Tôi có một giấc mơ”, kêu gọi chấm dứt chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Cuộc tuần hành cũng góp phần quan trọng, gây áp lực để Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Nhân quyền, quy định các hoạt động phân biệt đối xử dựa vào sắc tộc, màu da, tôn giáo, giới tính và nguồn gốc dân tộc là bất hợp pháp.
2. Chống lại hành vi phân biệt chủng tộc tại Montgomery
Cùng với ngày Rosa Parks bị bắt vì từ chối nhường ghế của cô trên xe buýt cho một người da trắng, mục sự Luther King đã lãnh đạo một chiến dịch tẩy chay hệ thống xe buýt tại thành phố Montgomery, bang Alabama. Chiến dịch tảy chay này kéo dài hơn một năm, là phong trào chính trị và xã hội phản đối phân biệt chủng tộc. Nhờ áp lực từ chiến dịch này, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã ra phán quyết rằng dịch vụ xe buýt phân biệt chủng tộc là vi hiến. Mục sư King đã bị bắt giam vì lãnh đạo cuộc phản đối này, ông đã phải hứng chịu lạm dụng, nhiều đe dọa và thậm chí nhà riêng của ông đã bị đánh bom. Nhưng chính quyết tâm vì công lý và công bằng cho người da đen đã khiến ông không bao giờ từ bỏ cuộc đấu tranh của mình.
3. Sáng lập và là Chủ tịch của tổ chức nhân quyền của người Mỹ gốc Phi
Mục sư Luther King là chủ tịch đầu tiên của Diễn đàn Lãnh đạo Thiên chúa giáo miền Nam (SCLC) sau chiến dịch Tảy chay Xe buýt Montgomery. Ông King đã thành lập tổ chức nhân quyền của người Mỹ gốc Phi này để ủng hộ các cuộc biểu tình bất bạo động đòi công bằng. SCLC thu hút sự tham gia của các mục sư và các lãnh đạo nhà thờ tại Atlanta. Ban đầu, tổ chức này chỉ tập trung chuyên nhất vào các cuộc phản đối phân biệt chủng tộc tại các hệ thống xe buýt, nhưng cuối cùng SCLC đã mở rộng mục tiêu tới việc kết thúc tất cả các hình thức phân biệt chủng tộc. Dưới định hướng của mục sư Luther King, SCLC đã tổ chức nhiều chiến dịch phản kháng quần chúng hòa bình, có tổ chức; đăng ký cử tri và đấu tranh cho bình đẳng.
4. Gây áp lực xóa bỏ các luật Jim Crow phân biệt chủng tộc
Tổ chức SCLC đã thúc đẩy nỗ lực chiến lược này để kết thúc các chính sách kinh tế và dân sự phân biệt đối xử tại Birmingham. Chiến dịch này bắt đầu với việc tảy chay các doanh nghiệp địa phương để gây áp lực buộc họ phải chấm dứt chính sách phân biệt chủng tộc. Khi chiến dịch tảy chay này gặp thất bại ban đầu, mục sư King và SCLC đã bắt đầu “Dự án C” – một loạt các cuộc biểu tình ngồi và tuần hành. Mặc dù các cuộc phản kháng có dẫn tới xung đột ở một số điểm, và cảnh sát Birmingham đã sử dụng bạo lực để kiểm soát người biểu tình, nhưng chiến dịch đã đạt được thành công rộng lớn. Uy tín của mục sư Luther King sau đó được nâng cao, các luật Jim Crow (một loạt các luật phân biệt chủng tộc) đã phải chấm dứt và các doanh nghiệp và nhà hàng công cộng đã mở cửa phục vụ các khách hàng người Mỹ gốc Phi.
5. Đoạt giải thưởng Nobel Hòa Bình
Sau nhiều năm đạt được các thành tựu và thành công mang tính lịch sử, mục sư Luther King đã được vinh danh giải thưởng Nobel Hòa Bình vào năm 1964. Khả năng lãnh đạo chủ động và năng động, cùng chiến lược phản kháng bất bạo động, đã giúp mục sư King đoạt được giải thưởng danh giá này. Việc nhận được giải thưởng Nobel Hòa Bình là minh chứng sống động cho thấy chiến lược phản kháng bất bạo động của mục sư King là phương thức tốt nhất để đạt được hòa bình và bình đẳng. Đúng với phong cách thường thấy của mình, mục sư đã sử dụng tiền thưởng để giúp nâng cao hiệu quả của Phong trào Nhân quyền. Giải thưởng Nobel Hòa Bình đã chọn đúng Luther King và vị mục sư này cũng giúp làm tăng thêm uy tín của giải thưởng rất nhân văn này.
Hùng Cường
Xem thêm:
Từ khóa Nhân quyền Martin Luther King