Mỹ lên án lãnh đạo Bắc Hàn đang “cầu xin chiến tranh”
- Yên Sơn
- •
Hoa Kỳ cho rằng Bắc Triều Tiên “đang cầu xin chiến tranh” khi tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ sáu hôm Chủ Nhật (3/9). Washington cũng mạnh mẽ phản đối các đối tác thương mại của Bình Nhưỡng đang giúp chế độ này hoàn thành tham vọng hạt nhân và tên lửa.
Hàn Quốc diễn tập phóng tên lửa đạn đạo để chuẩn bị sẵn sàng đối phó với mối đe dọa từ Bắc Hàn.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc (LHQ), bà Nikki Haley cho hay nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un “đang cầu xin chiến tranh” khi cho thử bom H hôm Chủ Nhật. Bà Haley cũng thúc giục 15 thành viên Hội đồng Bảo an sớm áp đặt các biện pháp trừng phạt “mạnh mẽ nhất” để ngăn cản tham vọng hạt nhân của chế độ nhà Kim.
Bà Haley nói: “Chiến tranh không phải là điều mà Hoa Kỳ muốn. Hiện tại chúng tôi không muốn điều đó. Nhưng sự kiên nhẫn của chúng tôi không phải là không có giới hạn. Chúng tôi sẽ phải bảo vệ đồng minh và lãnh thổ của chúng tôi”.
“Hoa Kỳ sẽ nhìn nhận mọi quốc gia làm ăn với Bắc Hàn là nước đang viện trợ cho các ý định hạt nhân liều lĩnh và nguy hiểm của Bình Nhưỡng”, bà Haley nói thêm.
Đại sứ Hoa Kỳ tại LHQ cũng cho biết trong tuần này Mỹ sẽ đề xuất lên Hội đồng Bảo an lệnh trừng phạt mới áp đặt lên Bắc Hàn và mong muốn Hội đồng sẽ bỏ phiếu thông qua nghị quyết mới vào thứ Hai tuần tới.
Trong khi đó, Hàn Quốc một mặt kêu gọi LHQ sớm thông qua biện pháp trừng phạt mới lên chế độ Kim Jong-un. Mặt khác, chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in cũng có những động thái sẵn sàng cho hành động đáp trả quân sự.
Hàn Quốc cho biết họ đang đàm phán với Hoa Kỳ về việc triển khai hàng không mẫu hạm và máy bay ném bom chiến lược Mỹ tới bán đảo Triều Tiên.
Hôm thứ Hai (4/9), quân đội Hàn Quốc cũng tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật mô phỏng cuộc tấn công vào bãi thử hạt nhân của Bắc Hàn bằng các tên lửa đạn đạo đất đối đất và đất đối không.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói rằng họ cũng sẽ triển khai lắp đặt hoàn thiện 4 cụm phóng còn lại của Hệ thống Phòng thủ Tên lửa Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) sau khi chính phủ hoàn thành đánh giá môi trường.
Tổng thống Moon Jae-in hôm thứ Hai (4/9) đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Donald Trump để thảo luận về các biện pháp đối phó với Bắc Hàn. Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc thông tin rằng hai nhà lãnh đạo đã đồng ý gỡ bỏ giới hạn trọng tải đầu đạn tên lửa của Hàn Quốc, điều này cho phép Seoul có thể tấn công Bình Nhưỡng mạnh mẽ hơn khi có xung đột quân sự xảy ra. Tòa Bạch Ốc xác nhận rằng ông Trump đã “đồng ý về mặt nguyên tắc” vấn đề này.
Tòa Bạch Ốc hôm thứ Hai vẫn nhắc lại thông điệp rằng “tất cả các lựa chọn giải quyết mối đe dọa Bắc Hàn đã sẵn sàng”, ám chỉ Mỹ và đồng minh hoàn toàn có thể sử dụng hành động quân sự với Bình Nhưỡng bất cứ lúc nào.
Phía Trung Quốc và Liên bang Nga phản đối dùng biện pháp quân sự và kêu gọi các bên cần ngồi vào bàn đàm phán.
Đại sứ Trung Quốc tại LHQ, ông Lưu Kiết Nhất nói rằng: “Trung Quốc sẽ không bao giờ cho phép sự hỗn loạn và chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên”. Đồng thời, ông Lưu kêu gọi Bắc Triều Tiên dừng ngay các hành động “sai trái” và không được vì lợi ích của riêng mình.
Đại diện của Liên bang Nga cho hay hòa bình trong khu vực đang bị đe dọa. Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia nói: “Các biện pháp trừng phạt đơn phương sẽ không giúp giải quyết vấn đề”.
Các nhà ngoại giao quốc tế cho rằng Hội đồng Bảo an hiện nay có thể xem xét cấm Bắc Hàn xuất khẩu các mặt hàng dệt may, phong tỏa đường hàng không của nước này, dừng cung cấp dầu cho chính phủ và quân đội Bình Nhưỡng, ngăn chặn lao động Bắc Triều Tiên ra nước ngoài làm việc và liệt các quan chức cấp cao của chế độ nhà Kim vào danh sách đen để đóng băng tài khoản ngân hàng và cấm họ di trú.
Phía Trung Quốc đang để ngỏ khả năng có thể dừng cung cấp dầu sang Bắc Hàn. Khi được hỏi liệu trong nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an Trung Quốc có ngừng cung cấp dầu, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói rằng điều đó sẽ phụ thuộc vào kết quả các cuộc thảo luận của Hội đồng Bảo an.
Tân Hoa Xã trong một bài bình luận hôm thứ Hai (4/9) đã nói rằng Bắc Triều Tiên “đang chơi một trò chơi chính trị nguy hiểm” và nước này nên thức tỉnh với thực tế rằng chiến thuật đó “không bao giờ có thể đem lại sự an toàn mà họ theo đuổi“.
Yên Sơn
Xem thêm:
Từ khóa căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên Bắc Triều Tiên