Mỹ chế tài mạng lưới dầu mỏ Iran-Nga-Syria tài trợ khủng bố
- Yên Sơn
- •
Hôm thứ Ba (20/11), chính phủ Mỹ đã thông báo chế tài một mạng lưới bất hợp pháp liên quan tới việc sử dụng một công ty vận tải của Nga để chuyển hàng triệu thùng dầu Iran cho chế độ Assad ở Syria vi phạm chế tài Washington đang áp đặt lên Tehran. Sau đó, Syria đã tài trợ cho các nhóm khủng bố Hamas và Hezbollah.
Tờ Epoch Times dẫn tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ cho biết các bên tham gia vào mạng lưới dầu mỏ Iran-Nga-Syria đã sử dụng một kế hoạch phức tạp để trốn tránh các chế tài hiện tại Mỹ đang áp đặt lên Iran, trong đó họ đã sử dụng một công ty dược phẩm để che dấu bản chất của dòng tiền thanh toán từ Iran tới Nga.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói rằng Iran và Nga đã sử dụng kế hoạch này để chống đỡ cho chế độ Assad và tài trợ hoạt động gây hại của chế độ Iran tại Syria.
“Các quan chức của Ngân hàng Trung Ương Iran tiếp tục khai thác hệ thống tài chính quốc tế và trong trường hợp này thậm chí họ đã sử dụng một công ty với tên gọi liên tưởng tới giao thương hàng hóa nhân đạo, làm công cụ để tạo thuận lợi cho việc chuyển tiền ủng hộ kế hoạch dầu mỏ này”, ông Mnuchin nói trong tuyên bố của Bộ Tài chính hôm 20/11.
Bộ trưởng Mnuchin nói thêm: “Mỹ đã thực hiện áp đặt chế tài tài chính lên Iran, Nga và các công ty khác vì nỗ lực của họ nhằm củng cố chế độ độc tài Assad, cũng như ngăn chặn dòng tiền của chế độ Iran chuyển cho các tổ chức khủng bố”.
Bộ Tài chính Mỹ xác định ông Mohammad Amer Alchwiki, quốc tịch Syria là nhân vật trung tâm của kế hoạch tuồn dầu mỏ từ Iran sang Syria vi phạm chế tài của Mỹ. Ông Alchwiki đã sử dụng công ty Global Vision Group có trụ sở tại Nga của ông để vận chuyển dầu Iran tới Syria và tạo thuận lợi cho việc chuyển tiền cho các lực lượng ủy nhiệm của Iran tại Syria, trong đó có các nhóm khủng bố hồi giáo cực đoan Hezbollah và Hamas. Chế tài này của Mỹ cũng nhắm vào hai quan chức làm việc cho ngân hàng trung ương Iran, cũng như một công ty vận tải của Nga và phó giám đốc của công ty này.
Ngân hàng trung ương Iran đã rót tiền vào công ty vận tải Nga thông qua Công ty Y tế và Dược phẩm Tadbir Kish. Mặc dù tên của công ty này nghe giống hoạt động trong lĩnh vực nhân đạo, nhưng Tadbir Kish thực tế được sử dụng nhiều lần để chuyển tiền bất hợp pháp cho Nga, theo Bộ Tài chính Mỹ. Kết quả là, mạng lưới dầu mỏ Iran-Nga-Syria đã có thể sử dụng Tadbir Kish là kênh cho lưu thông tiền bất hợp pháp tới Nga.
Bộ Tài chính Mỹ đã công bố các bức ảnh chụp ông Alchwiki với hàng đống tiền mặt và hình ảnh của ông này tại Nga. Tại Syria, ông Alchwiki đã tạo thuận lợi cho việc chuyển hàng trăm triệu USD cho các lực lượng ủy nhiệm của Iran tại Syria, trong đó có các nhóm vũ trang bị Mỹ liệt là nhóm khủng bố. Một quan chức chính phủ Mỹ nói rằng những ngày tháng Alchwiki là một thương nhân quốc tế đã kết thúc khi chính thức bị Mỹ chế tài.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, ngoài việc hỗ trợ các nhóm khủng bố, Iran đã thúc đẩy chế độ Assad khi chính quyền này phạm tội ác chống lại chính nhân dân của mình trong suốt cuộc nội chiến Syria. Một quan chức chính phủ Mỹ nói với báo giới hôm 20/11 rằng các chế tài Washington mới áp đặt này có ý nghĩa trấn áp chiến dịch gây ảnh hưởng của Iran và gửi cảnh báo tới các công ty vận tải, các công ty bảo hiểm và các chủ tàu rằng vận chuyển dầu Iran sẽ bị trừng phạt với các chế tài khắc nghiệt.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ phụ trách vấn đề Khủng bố và Tình báo tài chính, ông Sigal Mandelker cho hay: “Chế độ Iran tiếp tục ưu tiên sử dụng tiền vào việc xúi giục khủng bố mà bỏ qua việc hỗ trợ cho người dân của chính họ. Đây là một ví dụ khác về việc chế độ này đang sử dụng tiền thu được từ hàng triệu thùng dầu để tài trợ khủng bố và chế độ Assad giết người gây hại cho chính người dân của mình”.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã từng nói rằng Iran hậu thuẫn cho chế độ Assad với mục tiêu thúc đẩy ảnh hưởng của nước này tại Trung Đông. Ông Pompeo cũng nói rằng sự hiện diện của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giao Iran tại Syria là không thể chấp nhận được.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã đổ lỗi cho Iran tài trợ cho các hoạt động gây mất ổn định trên khắp thế giới. Ông Trump đã rút nước Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 từ ngày 8/5/2018. Kết quả của việc rút lui này là Washington tái khởi động tất cả các chế tài trước đây đã áp đặt lên Iran. Hôm 4/11 vừa qua, chế tài khắc nghiệt của Mỹ lên ngành dầu mỏ Iran bắt đầu có hiệu lực và sau đó chỉ hai tuần, chính phủ Trump đã ra lệnh trừng phạt mạng lưới dầu bất hợp pháp Iran-Nga-Syria.
Ngay từ khi mới bước vào nhiệm sở, ông Trump đã chỉ ra Iran là nước ủng hộ chính cho khủng bố hồi giáo cực đoan. Tổng thống Mỹ đã thúc đẩy một liên minh với Ả Rập Saudi để chống lại Iran và trong một bài phát biểu nhân chuyến thăm Riyadh hồi giữa năm 2017, ông Trump đã kêu gọi các nước khắp Trung Đông phải lựa chọn đứng về một bên giữa Mỹ và Iran.
Trong một tuyên bố hôm 20/11, Tổng thống Trump cho hay: “Đất nước Iran… chịu trách nhiệm cho cuộc chiến tranh ủy nhiệm đẫm máu chống lại Ả Rập Saudi tại Yemen, cố gắng gây mất ổn định nỗ lực mong manh khôi phục nền dân chủ tại Iraq, ủng hộ nhóm khủng bố Hezbollah tại Li Băng, chống đỡ cho kẻ độc tài Bashar Assad ở Syria (người đã giết hàng triệu người dân của chính mình) và nhiều điều nữa. Tương tự, người Iran đã giết hại nhiều người Mỹ và những người dân vô tội khác trên khắp Trung Đông”.
Theo The Epoch Times,
Yên Sơn
Xem thêm:
Từ khóa Syria Iran Chế tài cấm vận dầu mỏ Iran Nga