Mỹ chi 396 triệu USD xây dựng khả năng hàng hải cho đối tác Ấn Độ – Thái Bình Dương
- Như Ngọc
- •
Quyền Phụ tá Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đặc trách Ấn Độ – Thái Bình Dương David F. Helvey trong buổi họp báo trực tuyến hôm 18/6 nói rằng Bộ Quốc phòng đã chi 396 triệu USD để xây dựng khả năng hàng hải cho các đồng minh và đối tác tại Ấn Độ – Thái Bình Dương, một phần trong chiến lược của Mỹ tại khu vực này.
Ông David F. Helvey nói trong buổi họp báo: “Bộ Quốc phòng vẫn cam kết xử lý các mối đe dọa và đảm bảo khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương duy trì tự do và cởi mở cho tất cả các quốc gia. Bây giờ, hơn bao giờ hết, điều quan trọng là chúng ta phải giữ các nguyên tắc về Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, thúc đẩy minh bạch, tự do hàng hải, giải quyết hòa bình các tranh chấp và cam kết thương mại tự do, công bằng và có đi có lại”.
“Để làm được như vậy, chúng ta cần tiếp tục các ưu tiên. Thứ nhất và trên hết là sự chuẩn bị sẵn sàng. Điều đó đồng nghĩa đảm bảo rằng Mỹ luôn sẵn sàng và có khả năng ngăn chặn và bảo vệ. Thứ hai là các quan hệ đối tác. Điều này bao gồm việc củng cố mạng lưới đồng minh và đối tác của chúng ta khắp Ấn Độ – Thái Bình Dương. Và cuối cùng là thúc đẩy một khu vực kết nối thực sự để gìn giữ và bảo vệ tốt hơn nữa các lợi ích chung của chúng ta”.
Về ưu tiên thứ hai của Mỹ, ông Helvey nhấn mạnh: “Các đồng minh và đối tác Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ tiếp tục là nền móng cho chiến lược của chúng ta”.
“Chúng ta tiếp tục tìm kiếm cơ hội để đẩy mạnh chia sẻ thông tin, tập trung vào xây dựng khả năng phòng thủ tương hợp và dựa trên sự gắn kết sâu với các đồng minh khu vực đã ký hiệp ước với chúng ta như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, cũng như Philippines và Thái Lan. Chúng ta cũng tập trung vào các đối tác có cùng chí hướng như Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Singapore và Ấn Độ, cùng với rất nhiều các đối tác khác có tầm quan trọng trong việc duy trì một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.
Sáng kiến An ninh Hàng hải
Ông Helvey nói rằng: “Khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương đối với chúng ta vẫn là nơi rất năng động và đa dạng, đem đến nhiều cơ hội, nhưng cũng không ít thách thức. Và những thách thức này đã gia tăng ảnh hưởng tới một khu vực rộng lớn hơn, cũng như toàn cầu”.
Để ứng phó với các thách thức tại Ấn Độ – Thái Bình Dương, Bộ Quốc phòng Mỹ đã thông báo về Sáng kiến An ninh Hàng hải (MSI) vào năm 2015 và năm 2016 đã chính thức bắt đầu thực thi sáng kiến này nhằm xây dựng khả năng hàng hải cho các quốc gia Đông Nam Á gần Biển Đông.
Trong cuộc họp báo hôm 18/6, ông Helvey đã cập nhật thông tin thực hiện MSI: “Cho tới nay, chúng ta đã chi hơn 396 triệu USD nhằm hỗ trợ đẩy mạnh khả năng hàng hải và khả năng nhận thức chủ quyền hàng hải của các đồng minh và đối tác của chúng ta, trong đó có Philippines, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Sri Lanka và mới thêm Bangladesh”.
Mục tiêu của MSI là để xây dựng khả năng của các đồng minh và đối tác trong việc giải quyết các thách thức hàng hải đa dạng, bao gồm cả những ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trên Biển Đông.
“Bộ Quốc phòng vẫn tập trung vào thích ứng với các thách thức về cạnh tranh dài hạn và sự quay lại của các đối thủ chiến lược, trong đó có các thách thức từ Trung Quốc”, ông Helvey nói.
Căn cứ theo MSI, Washington hiện nay đang hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á để cải thiện khả năng của các nước này về phát hiện, hiểu, ứng phó và chia sẻ thông tin về các hoạt động hàng không và hàng hải trên Biển Đông.
Việt Nam cũng đã được Mỹ tài trợ một số tàu tuần duyên hiện đại thông qua chương trình Sáng kiến An ninh Hàng hải. Theo tờ Thanhnien, Việt Nam sẽ chính thức tiếp nhận tàu tuần duyên của Mỹ tài trợ vào cuối năm nay.
Như Ngọc
Xem thêm:
Từ khóa biển Đông Bộ Quốc phòng Mỹ Dòng sự kiện Sáng kiến An ninh Hàng hải