Mỹ phản hồi về lệnh cấm xuất khẩu khoáng chất hiếm của Trung Quốc
- Trịnh Hiếu Kỳ
- •
Sau làn sóng ngăn chặn mới của Mỹ đối với Trung Quốc nhắm vào lĩnh vực chip, căng thẳng thương mại Mỹ – Trung trầm trọng thêm khi hôm thứ Ba (3/12) Trung Quốc tuyên bố cấm xuất khẩu sang Mỹ các khoáng chất quan trọng có ứng dụng quân sự rộng rãi như gali, germani và antimon. Mỹ cũng đã phản ứng với lệnh cấm khoáng sản này của Trung Quốc.
Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đang gia tăng khi Trung Quốc đáp trả Mỹ bằng cách cấm xuất khẩu sang Mỹ các khoáng chất quan trọng.
Lệnh cấm hôm thứ Ba của Trung Quốc tiếp tục tăng cường thực thi các hạn chế xuất khẩu khoáng sản quan trọng mà họ đã bắt đầu thực hiện vào năm ngoái, nhưng chỉ áp dụng cho thị trường Mỹ. Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết hôm thứ Ba rằng về nguyên tắc, không được phép xuất khẩu sang Mỹ gali, germani, antimon và vật liệu siêu cứng, và cũng yêu cầu kiểm tra chặt chẽ hơn về việc sử dụng cuối cùng của các sản phẩm than chì được vận chuyển đến Mỹ.
Khoáng sản và kim loại bị Trung Quốc cấm vận chuyển qua Mỹ là loại được sử dụng để sản xuất chất bán dẫn và pin, cũng như các thành phần thiết bị liên lạc và phần cứng quân sự, chẳng hạn như đạn xuyên giáp.
Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng cho biết “vẫn đang đánh giá” các biện pháp kiểm soát của Trung Quốc, sẽ thực hiện các bước để giảm thiểu tác động và ngăn chặn “hành động cưỡng chế” của Bắc Kinh, nhưng không cho biết chi tiết.
Một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia nói thêm: “Những biện pháp kiểm soát mới này của Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Mỹ cần tăng cường hợp tác với các nước khác để giảm thiểu rủi ro, qua đó khiến các chuỗi cung ứng quan trọng tránh xa Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.
Công ty quặng stibnite của Mỹ lưu ý chấm dứt phụ thuộc vào Trung Quốc
Dữ liệu hải quan của Trung Quốc cho thấy, tính đến tháng Mười năm nay, Mỹ vẫn chưa nhận được bất kỳ loại germani hoặc gali đã và chưa qua chế biến nào từ Trung Quốc. Một năm trước, Trung Quốc là thị trường lớn thứ 4 và thứ 5 của các khoáng chất này.
Tương tự, sau khi các biện pháp hạn chế xuất khẩu Trung Quốc đưa ra vào năm ngoái có hiệu lực, tổng khối lượng sản phẩm antimon của Trung Quốc xuất sang Mỹ trong tháng Mười năm nay đã giảm 97% so với tháng Chín.
Chuyên gia Wendy Cutler về thương mại tại Viện Chính sách Hiệp hội châu Á nói với Financial Times rằng tác động trực tiếp của các biện pháp này là không rõ ràng vì Mỹ đang đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, trong tỷ trọng gali và germani trên toàn thế giới thì Trung Quốc nắm giữ lần lượt 98% (gali) và 60% (germani).
Hãng Reuters đưa tin, công ty Perpetua Resources đang khai phá mỏ quặng stibnite ở bang Idaho với sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ Mỹ, công ty này cho biết Trung Quốc đang “vũ khí hóa” việc mua lại các khoáng sản quan trọng đối với quân đội và các công ty công nghệ Mỹ.
CEO Jon Cherry của công ty Perpetua cho biết: “Chúng tôi phải xem xét các nguồn tài nguyên khoáng sản của Mỹ một cách nghiêm túc. Đã đến lúc chấm dứt sự phụ thuộc vào (thị trường) Trung Quốc để đảm bảo tương lai của chúng tôi”.
Công ty tinh chế antimon của Mỹ ở bang Montana cho biết, tin rằng động thái của Trung Quốc sẽ tăng giá kim loại, như vậy họ cũng gia tăng nguồn cung của nhà máy luyện, nhưng công ty này cũng cho rằng phát triển mỏ cần có thời gian.
Chế tài của Mỹ khiến các công ty chip Trung Quốc khó mua thiết bị nước ngoài hơn
Trước khi Trung Quốc tuyên bố cấm xuất khẩu khoáng sản qua Mỹ, hôm 2/12 Mỹ đã đưa ra lệnh trừng phạt thứ 3 (trong 3 năm) đối với ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc, hạn chế xuất khẩu đối với 140 công ty bao gồm cả nhà cung cấp chính của Apple và Samsung là công ty Wingtech Trung Quốc – công ty này không ngừng cố gắng mua lại công nghệ bán dẫn nước ngoài.
Kể từ năm 2018, công ty Wingtech đã chi hơn 4 tỷ USD để mua lại tập đoàn bán dẫn Hà Lan Nexperia, họ cũng cố gắng mua lại nhà sản xuất chip lớn nhất nước Anh là Newport Wafer Fab, nhưng cuối cùng đã bị Chính phủ Anh ngăn chặn.
Việc Mỹ đưa Wingtech vào danh sách đen đã khiến cổ phiếu của Wingtech niêm yết tại Thâm Quyến giảm hơn 10% chỉ trong 2 ngày sau đó, vấn đề làm nổi bật thế lưỡng nan của các công ty Trung Quốc giữa phát triển kinh doanh quốc tế và việc hỗ trợ các ưu tiên chính sách trong nước.
Công ty Wingtech trước đó đã mua lại mảng kinh doanh mô-đun camera liên quan đến Apple từ một tập đoàn khác của Trung Quốc, khi đó công ty Trung Quốc kia đã bị Mỹ ngăn chặn từ hồi năm 2020.
“Các công ty phương Tây không còn mua sản phẩm của chúng tôi nữa”, giám đốc của một công ty Trung Quốc nằm trong danh sách đen nói với Financial Times, “Trong 2 năm qua về cơ bản chúng tôi đã ngừng tăng trưởng, do chúng tôi đã thay thế các linh kiện mà trước đó có được từ nước ngoài”.
Charlie Chai của 86Research nói với Financial Times rằng nếu cần thiết, công ty Wingtech có thể bị chia tách để duy trì hoạt động ở nước ngoài. Ông lưu ý rằng các biện pháp kiểm soát mới nhất của Mỹ đã đóng lỗ hổng và khiến các công ty chip Trung Quốc khó khăn hơn trong việc mua thiết bị nước ngoài. “Vấn đề đã trở thành một trò chơi mèo vờn chuột điển hình, nhưng lỗ hổng để lách của các công ty Trung Quốc đang ngày càng nhỏ hơn,” ông nói.
Theo Trịnh Hiếu Kỳ, Epoch Times
Từ khóa chiến tranh thương mại Mỹ Trung danh sách thực thể