Mỹ áp đặt thêm hạn chế xuất khẩu chip sang Trung Quốc: 140 công ty liên quan
- Trí Đạt
- •
Theo Reuters, Mỹ đã đưa ra hạn chế lần thứ 3 đối với ngành bán dẫn của Trung Quốc hôm thứ Hai (2/12), hạn chế xuất khẩu chip cho 140 công ty bao gồm nhà sản xuất thiết bị chip Naura Technology Group, đồng thời còn áp đặt các biện pháp khác.
Phạm vi của các biện pháp hạn chế lần này đã được mở rộng hơn nữa và các nhà sản xuất công cụ chip của Trung Quốc như Piotech và SiCarrier Technology cũng đã được đưa vào danh sách kiểm soát xuất khẩu. Đồng thời, Mỹ cũng thắt chặt các hạn chế xuất khẩu chip nhớ tiên tiến và thiết bị sản xuất chip sang Trung Quốc.
Đây được coi là biện pháp kiểm soát công nghệ lớn cuối cùng đối với Trung Quốc trong nhiệm kỳ của chính quyền Biden. Mục đích chính của nó là ngăn chặn Trung Quốc có được công nghệ chip có thể sử dụng cho trí tuệ nhân tạo quân sự và các công nghệ liên quan khác có thể đe dọa an ninh quốc gia Mỹ.
Chính sách này được đưa ra ngay trước lễ nhậm chức của cựu Tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump. Giới chuyên gia trong ngành dự đoán rằng ông Trump có thể sẽ tiếp tục chính sách cứng rắn của chính quyền Biden đối với Trung Quốc sau khi nhậm chức.
Nội dung cụ thể của biện pháp kiểm soát này bao gồm: hạn chế xuất khẩu chip bộ nhớ băng thông cao (HBM) sang Trung Quốc cho các ứng dụng cao cấp như đào tạo trí tuệ nhân tạo; bổ sung thêm 24 loại công cụ sản xuất chip mới và 3 công cụ phần mềm vào kiểm soát xuất khẩu; đồng thời cũng hạn chế việc xuất khẩu thiết bị chế tạo chip sản xuất tại các nước như Singapore, Malaysia sang Trung Quốc.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết, động thái này nhằm mục đích ngăn chặn “Trung Quốc phát triển hệ thống sản xuất chất bán dẫn trong nước và ngăn việc sử dụng nó để hiện đại hóa quân sự”.
Reuters lần đầu tiên tiết lộ rằng danh sách các công ty và chi tiết chính sách liên quan đến biện pháp kiểm soát này đã được xác định.
Các biện pháp kiểm soát này sẽ ảnh hưởng đến những ‘gã khổng lồ’ bán dẫn Lam Research, KLA và Applied Materials, cũng như các công ty không phải của Mỹ như nhà sản xuất thiết bị Hà Lan ASML International.
Trong số các công ty Trung Quốc bị đưa vào danh sách kiểm soát lần này có gần 20 công ty bán dẫn, 2 công ty đầu tư và hơn 100 nhà sản xuất công cụ sản xuất chip.
Trong số đó, các công ty như Swaysure Technology Co, SiEn Qingdao và Shenzhen Pensun Technology Co, v.v, đều là đối tác công nghệ của Huawei. Là công ty thiết bị viễn thông hàng đầu của Trung Quốc, Huawei trước đây đã phải chịu lệnh trừng phạt của Mỹ và hiện đang dốc sức nghiên cứu, phát triển và sản xuất chip tiên tiến của Trung Quốc.
Các doanh nghiệp này sẽ được đưa vào Danh sách thực thể, nghĩa là các nhà cung cấp Mỹ phải có được sự cho phép đặc biệt để cung cấp sản phẩm cho họ.
Liên quan đến động thái này của Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm cho biết, những hành động như vậy không chỉ phá hoại trật tự kinh tế và thương mại quốc tế mà còn cản trở hoạt động bình thường của chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông nhấn mạnh trong cuộc họp báo thường kỳ hôm thứ Hai của Bộ Ngoại giao Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) rằng phía Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc.
Bộ Thương mại ĐCSTQ vẫn chưa phản hồi về vấn đề này.
Trong những năm gần đây, đối mặt với những hạn chế xuất khẩu chip tiên tiến và thiết bị sản xuất từ Mỹ và các nước khác, Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực để ngành công nghiệp bán dẫn của mình có thể tự chủ và có thể kiểm soát được. Tuy nhiên, so với các hãng dẫn đầu về chip AI như Nvidia và các nhà sản xuất thiết bị chip hàng đầu như ASML của Hà Lan, Trung Quốc vẫn còn khoảng cách vài năm trong các lĩnh vực này.
Ngoài ra, Mỹ cũng có kế hoạch áp đặt các hạn chế chặt chẽ hơn đối với Semiconductor Manufacturing International Corporation (SMIC). Là nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc, mặc dù SMIC bị đưa vào danh sách thực thể vào năm 2020 nhưng các chính sách trước đây vẫn cho phép hãng này nhận được giấy phép xuất khẩu hàng hóa trị giá hàng tỷ USD.
Lần đầu tiên Mỹ đưa 3 tổ chức đầu tư vào danh sách thực thể, gồm các tổ chức đầu tư tư nhân của Trung Quốc Wise Road Capital, các công ty công nghệ Wingtech Technology Co và JAC Capital. Lý do là các công ty này “hỗ trợ Chính phủ Trung Quốc thâu tóm các thực thể nắm giữ công nghệ sản xuất bán dẫn quan trọng và chuyển chúng về Trung Quốc. Các công nghệ này có ý nghĩa chiến lược quan trọng đối với ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ và các đồng minh”.
Thông thường thì đơn xin cấp giấy phép xuất khẩu từ các công ty trong Danh sách thực thể đều sẽ bị từ chối.
Hà Lan và Nhật Bản được miễn
Các quy định về sản phẩm trực tiếp nước ngoài trong chính sách mới có thể ảnh hưởng đến một số đồng minh của Mỹ, vì các quy định này hạn chế các công ty từ các quốc gia này xuất khẩu hàng sang Trung Quốc.
Các quy định mới mở rộng phạm vi kiểm soát của Mỹ, hạn chế xuất khẩu thiết bị sản xuất chip do các nhà sản xuất Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan sản xuất ở các nơi khác trên thế giới cho các nhà máy sản xuất chip cụ thể của Trung Quốc.
Thiết bị được sản xuất tại Israel, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan đều sẽ phải tuân theo quy định này, nhưng Nhật Bản và Hà Lan được miễn trừ.
Các quy định mở rộng về sản phẩm trực tiếp nước ngoài sẽ áp dụng cho 16 công ty sản xuất chip chiến lược nhất của Trung Quốc trong danh sách thực thể.
Quy định này cũng sẽ giảm ngưỡng hàm lượng công nghệ của Mỹ để xác định xem các sản phẩm nước ngoài có chịu sự kiểm soát của Mỹ xuống 0 hay không, có nghĩa là miễn là sản phẩm có chứa chip của Mỹ, thì Mỹ có quyền kiểm soát xuất khẩu sang Trung Quốc.
Các quy định mới là kết quả của các cuộc đàm phán kéo dài giữa Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan, hai quốc gia cùng thống trị trong sản xuất thiết bị sản xuất chip tiên tiến trên thế giới.
Nhà sản xuất thiết bị bán dẫn Hà Lan ASML cho biết, động thái mới này của Mỹ dự kiến sẽ không có tác động đến nhu cầu dài hạn đối với các sản phẩm của họ, nhưng công ty đang nghiên cứu tác động ngắn hạn tiềm tàng của nó.
Theo Reuters, ASML cho biết trong một tuyên bố: “Về lâu dài, dự báo của chúng tôi về nhu cầu ngành bán dẫn sẽ không bị ảnh hưởng bởi các quy định mới (của Mỹ) vì dự báo của chúng tôi dựa trên nhu cầu chip toàn cầu hơn là một khu vực cụ thể.”
Cổ phiếu ASML tăng 0,87%, đóng cửa ở mức 664,10 euro sau đợt giảm giá ngắn vào thứ Hai (ngày 2/12).
Samsung Electronics bị ảnh hưởng
Các nguồn tin tiết lộ rằng Mỹ có kế hoạch cấp miễn trừ cho các quốc gia áp dụng các biện pháp kiểm soát tương tự.
Các quy định mới cũng hạn chế xuất khẩu “HBM 2” và bộ nhớ chip trí tuệ nhân tạo cấp cao hơn do Samsung, SK Hynix của Hàn Quốc và Micron của Mỹ sản xuất sang Trung Quốc.
Các chuyên gia trong ngành tin rằng hạn chế này chủ yếu ảnh hưởng đến Samsung Electronics. Các nhà phân tích ước tính thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 30% doanh số bán chip HBM của Samsung.
Đây là biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip lớn thứ ba sang Trung Quốc dưới thời chính quyền Biden.
Vào tháng 10/2022, Mỹ đã ban hành một bộ toàn diện các biện pháp kiểm soát sản xuất và bán chip cao cấp, đây được coi là thay đổi đáng kể nhất trong chính sách công nghệ của Mỹ đối với Trung Quốc kể từ những năm 1990.
Từ khóa Dòng sự kiện Recommend chip Trung Quốc Ngành chip Trung Quốc công ty chip Trung Quốc