Hoa Kỳ và Đức cho biết trong một tuyên bố chung vào thứ Tư (10/7) rằng Hoa Kỳ sẽ bắt đầu triển khai hỏa lực tầm xa tại Đức vào năm 2026, nhằm thể hiện cam kết của mình đối với NATO và phòng thủ châu Âu.

missile
Một tên lửa hành trình Tomahawk bay về phía Iraq, được phóng từ tàu tuần dương tên lửa dẫn đường AEGIS USS San Jacinto ngày 25 tháng 3 năm 2003 tại Biển Đỏ. (Ảnh: Mark Wilson/Getty Images)

Hai nước cho biết “các loại vũ khí này sẽ được triển khai theo đợt”, các hệ thống tên lửa bao gồm SM-6, tên lửa hành trình Tomahawk và các vũ khí siêu thanh đang phát triển có tầm bắn xa hơn so với các khả năng hiện tại ở châu Âu.

Cả Tomahawk và Standard Missile-6 (SM-6) đều do Công ty Raytheon của Tập đoàn quân sự RTX (RTX.N) sản xuất.

Tên lửa mặt đất có tầm bắn vượt quá 500 km từng bị cấm cho đến năm 2019 theo Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) do Liên Xô và Mỹ ký vào năm 1987.

Hoa Kỳ đã rút khỏi Hiệp ước INF vào năm 2019 với lý do Moscow vi phạm thỏa thuận, Mỹ viện dẫn việc Nga phát triển tên lửa hành trình phóng từ mặt đất 9M729, được NATO gọi là SSC-8.

Điện Kremlin đã liên tục phủ nhận cáo buộc vi phạm thoả thuận. Vào cuối tháng 6/2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Moscow nên tiếp tục sản xuất tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tầm trung và tầm ngắn sau khi Hoa Kỳ đưa những tên lửa tương tự đến châu Âu và châu Á.

Ông Putin cho biết Nga đã cam kết không triển khai những tên lửa như vậy nhưng Hoa Kỳ đã tiếp tục sản xuất, đưa chúng đến Đan Mạch để tập trận và cũng đưa chúng đến Philippines.