Mỹ thấy cơ hội thúc đẩy địa vị của Đài Loan trong đại dịch COVID-19
Hôm 9/4, Trung Quốc tức giận khi Donald Trump Jr, con trai của Tổng thống Mỹ Donald Trump, chia sẻ lại một bài viết trên Twitter của mình, với dòng đề thêm: “Tôi đồng ý, ai đồng ý với tôi nào?”. Trump con đồng ý với điều gì? Đó là một danh sách đề xuất của một người tên Benny, trong đó mục đầu tiên kêu gọi Mỹ công nhận Đài Loan.
Chính quyền Trump đang nắm lấy cơ hội trong đại dịch này để thúc đẩy một mục tiêu, vốn là cái gai trong mắt Trung Quốc: địa vị quốc tế của Đài Loan. Virus corona đã tạo thêm một không gian mới trong căng thẳng Mỹ-Trung mà vốn đã ngập tràn từ thương chiến, tranh cãi về quyền sở hữu trí tuệ, cãi cọ về nhân quyền, vấn đề Hồng Kông và Biển Đông.
Và trong khi những căng thẳng do quan điểm đối đầu giữa 2 nước này về Đài Loan đã thuyên giảm đáng kể trong hàng chục năm qua, nó vẫn còn tồn tại dai dẳng và đang tiến thêm một nấc mới khi thế giới vật lộn với đại dịch của một loài virus xuất phát từ Trung Quốc.
Trong khi những bao tải chất xác người càng ngày càng cao hơn, giới chức Mỹ liên tục bày tỏ sự phẫn nộ với Trung Quốc, chỉ trích sự bất minh của nước này trong giai đoạn đầu của dịch bệnh, cũng như báo cáo số liệu giả đã khiến Mỹ và thế giới không kịp trở tay, thì Đài Loan lại trở thành một hình mẫu kiểm dịch cực tốt ngay từ đầu do luôn cảnh giác và không tin tưởng Trung Quốc. Đài Loan cũng được thế giới hoan nghênh và ủng hộ khi có các động thái hỗ trợ thiết thực thế giới trong cuộc chiến chống virus, bất chấp việc bị tổ chức y tế thế giới WHO ghẻ lạnh.
Chính quyền Trump đang gây áp lực để Đài Loan được coi như một thành viên độc lập trong các diễn đàn quốc tế, như WHO hay Tổ chức Hàng không dân sự Quốc tế, cả 2 tổ chức này đều đóng vai trò quan trọng trong các nỗ lực ngăn dịch bệnh. Trong những ngày qua, chính quyền Trump đã tiến hành ít nhất 2 hành động công khai nhằm thúc đẩy địa vị của Đài Loan, vốn bị Trung Quốc coi là một tỉnh ly khai và thề sẽ sớm lấy lại.
Bắc Kinh cũng sớm đánh hơi thấy ý định của Mỹ và nhanh chóng phản công lại. Kể từ nội chiến Quốc-Cộng 1949, Đài Loan đã phát triển trở thành một hệ thống chính trị, xã hội hoàn chỉnh, hoàn toàn độc lập với người anh em bên kia eo biển, tuy nhiên chưa bao giờ chính thức công bố là một nước độc lập. Bắc Kinh vẫn tuyên bố chủ quyền với hòn đảo 23 triệu dân này, hằng năm đều tổ chức tập trận xâm lược Đài Bắc, và xù lông nhím lên với bất kỳ những ai “bóng gió” nhắc đến Đài Loan như một nước biệt lập.
Hôm thứ Năm, Bộ Ngoại giao Mỹ loan báo họ đã tổ chức một hội nghị trực tuyến để thúc đẩy “sự tham gia của Đài Loan trên sân khấu quốc tế”. Hồi cuối tháng trước, hôm 26/3, Tòa Bạch Ốc cho biết Tổng thống Trump đã ký thông qua một luật yêu cầu Mỹ thúc đẩy các diễn đàn quốc tế công nhận Đài Loan và có các hành động mà chưa được nói rõ chống lại các nước “đe dọa an ninh và thịnh vượng của Đài Loan”.
Trong cuộc hội thảo, các nước tham gia đã “thảo luận về các nỗ lực đang diễn ra nhằm phục hồi quy chế thành viên quan sát của Đài Loan tại Hội đồng Y tế Thế giới, cũng như các diễn đàn khác để đẩy mạnh hợp tác chặt chẽ hơn giữa Đài Loan và WHO”, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố.
“Các nước trên thế giới có thể được lợi ích nhờ hiểu biết rõ ràng hơn về “mô hình Đài Loan’, cũng như những đóng góp hào phóng và kiến thức chuyên môn đáng nể mà Đài Loan – một nền dân chủ sống động và một sức mạnh của cái tốt – đang mang lại cho cộng đồng thế giới”, tuyên bố nói.
“Đài Loan đóng một vai trò trong y tế thế giới và nên được là thành viên quan sát của Hội đồng Y tế Thế giới”, Bộ Ngoại giao tiếp tục viết trong một Twitter.
“Mô hình Đài Loan” được nhắc đến là sự công nhận thành công của nước này trong việc chống lại dịch bệnh mà nhiều người đã coi là sẽ bùng phát rất mạnh mẽ ở Đài Loan do vị trí địa lý sát vách Trung Quốc. Tính đến nay, Đài Loan mới chỉ có 393 ca nhiễm và 6 người tử vong. Đài Loan cũng quyên tặng 7 triệu khẩu trang bảo hộ cho Châu Âu, và đóng góp thêm 2 triệu cho Mỹ.
Trong khi đó, Trung Quốc đã tỏ rõ thái độ hằn học của mình, lên án “các trao đổi thường xuyên giữa Mỹ và Đài Loan trong thời gian gần đây” và diễu cợt việc Mỹ hoan nghênh Đài Loan.
“Có vẻ tiêu chuẩn của Mỹ cũng chẳng cao lắm, khi mà Đài Loan mới tặng họ có 2 triệu khẩu trang mà đã trở thành mô hình dân chủ và một người bạn thực sự của Mỹ.” Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói hôm thứ Sáu.
“Trong thời kỳ lạ thường này, sự hỗ trợ và ủng hộ qua lại lẫn nhau là đáng hoan nghênh. Nhưng tôi vẫn muốn nhắc nhở Mỹ và Đài Loan rằng nếu có ai muốn lợi dụng dịch bệnh này để làm tổn hại lợi ích cốt lõi của Trung Quốc thì họ nên cẩn thận”.
Đồi Capitol Hill dường như không lắng nghe lời đe dọa của Bắc Kinh. Các nhà lập pháp Mỹ liên tục kêu gọi tăng cường quan hệ với Đài Loan.
Thượng nghị sĩ Ted Cruz trong yêu cầu “đánh giá lại sự lãnh đạo của WHO” đã nói: “Bằng việc liên tục cúi đầu trước Đảng Cộng sản Trung Quốc, làm giảm nhẹ tính nghiêm trọng của virus corona tới việc loại bỏ một các có hệ thống Đài Loan, WHO đã mất sự tín nhiệm cần thiết để hoạt động có hiệu quả.”
Thượng nghị sĩ Marco Rubio cũng có nhận định tương tự. Ông nói: “Tinh thần của Đài Loan đang tỏa sáng, và một lần nữa, hòn đảo này đã ‘tung cú đấm vượt hạng cân của mình’. Đài Loan xứng đáng được hoan nghênh vì các nỗ lực bảo vệ người dân của họ cũng như giúp đỡ các nước khác trong đại dịch COVID-19”.
Không ngạc nhiên, Đài Loan, sau nhiều năm bị ghẻ lạnh khỏi các tổ chức thế giới cũng như bị ép phải chấp nhận địa vị của mình là “Đài Bắc Trung Quốc”, đã bày tỏ sự vui mừng trước hành động của Mỹ.
“Chúng tôi biết ơn sự ủng hộ liên tục của Mỹ đối với việc Đài Loan được tham gia vào các tổ chức thế giới như WHO”, phái đoàn ngoại giao Đài Loan tại Geneva nói với báo AP. “Việc Đài Loan được cho phép tiếp cận hoàn chỉnh và tham gia vào toàn bộ các buổi họp, cơ chế của WHO mang lại lợi ích cho toàn thế giới”.
WHO, có trụ sở tại Geneva, đang ở trong một tình thế khó khăn về vấn đề Đài Loan khi đứng giữa sức ép của Mỹ và Trung Quốc. Gần đây, các nhân sự của tổ chức này phải đối mặt với những câu hỏi không mấy dễ chịu về vấn đề này, và đã ra một tuyên bố nói rằng họ công nhận sự đóng góp của Đài Loan vào cuộc chiến chống virus corona.
“Nhưng câu hỏi về địa vị thành viên của Đài Loan trong WHO phụ thuộc vào các nước thành viên, không phải do những nhân viên của WHO”.
Trong khi đó, sự tức giận của giới chức Mỹ đối với Trung Quốc ngày dâng cao khi nước này trở thành ổ dịch lớn nhất thế giới với số lượng người nhiễm và người chết đều cao nhất. Họ cho rằng việc báo cáo sai số liệu của Trung Quốc, cũng như che dấu dịch bệnh vào thời điểm mới bùng phát đã góp phần khiến Mỹ đánh giá sai về dịch bệnh. Trong danh sách mà con trai Tổng thống Trump chia sẻ, ngoài nội dung công nhận Đài Loan, còn có: Đánh thuế hàng Trung Quốc để lấy tiền cứu trợ; Đưa lại các nhà máy sản xuất thuốc và công nghiệp về nước; Miễn thuế cho các doanh nghiệp bỏ Trung Quốc; Đầu tư kinh tế vào Ấn Độ; và trừ số tiền phải chi trong dịch bệnh này vào khoản nợ Trung Quốc.
Ngày 26/3, Tổng thống Trump ký “Đạo luật Sáng kiến Tăng cường và Bảo vệ Đồng minh Quốc tế Đài Loan”, gọi tắt là TAIPEI. Đạo luật yêu cầu chính phủ Mỹ thúc đẩy các hệ thống quốc tế công nhận Đài Loan và có hành động chống lại các nước cố tình gây nguy hại cho an ninh và thịnh vượng của Đài Loan.
Đạo luật này trực tiếp nhắm đến những nước gần đây đã từ bỏ quan hệ chính thức với Đài Loan để chuyển sang Trung Quốc. Kể từ khi ông Trump làm tổng thống, ít nhất 4 nước đã ‘bỏ Đài thân Trung’ như Panama, Cộng hòa Dominican Republic, El Salvador, Quần đảo Solomon và Kiribati.
Đạo luật này được sự ủng hộ nhất quán của lưỡng đảng Quốc hội Mỹ. Nó cũng nhắm đến việc thúc đẩy địa vị của Đài Loan trong các tổ chức khác ngoài WHO, chẳng hạn Tổ chức Hàng không Quốc tế có trụ sở ở Montreal.
“Virus corona nhấn mạnh sâu sắc thêm tầm quan trọng của việc đưa Đài Loan vào các cuộc thảo luận liên quan đến chia sẻ thông tin và lên kế hoạch hậu cần, do hàng không là một nhân tố lớn trong việc lây lan của các đại dịch toàn cầu”, Ủy ban Đối Ngoại hạ viện Mỹ viết trong bộ bức thư hồi tháng Hai tới tổ chức trên.
“Việc loại bỏ Đài Loan ra khỏi các quyết định quan trọng gây nguy hại một các liều lĩnh đối với sức khỏe và an toàn của 23 triệu người Đài Loan và xa hơn”.
Trọng Đức
Xem thêm:
Từ khóa Đài Loan Hoa Kỳ Dòng sự kiện COVID-19 Trung Quốc