Mỹ trừng phạt các Bộ trưởng và Thống đốc Ngân hàng trung ương Myanmar
- Tiến Minh
- •
Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với 16 quan chức cấp cao của Myanmar và các thành viên trong gia đình họ vào thứ Hai (17/5), với lý do họ ủng hộ “các cuộc tấn công bạo lực và gây chết người” của chính quyền quân sự chống lại phong trào ủng hộ dân chủ của đất nước.
Trong số những người bị cơ quan này đưa vào danh sách đen có 4 thành viên của Hội đồng Quản lý Nhà nước của quân đội (còn gọi là junta), 7 Bộ trưởng, Chủ tịch ủy ban bầu cử do quân đội kiểm soát và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Myanmar.
Ba người khác trong danh sách là con của các thành viên Hội đồng Quản lý Nhà nước, những người đã bị trừng phạt trước đó sau cuộc đảo chính ngày 1/2.
Kể từ đó, đất nước đã trải qua các cuộc biểu tình và đình công bị quân đội đàn áp bằng vũ lực, khiến gần 800 người thiệt mạng, theo một nhóm giám sát địa phương.
Chế độ quân sự của Myanmar “đang đàn áp thô bạo phong trào ủng hộ dân chủ trong nước và phải chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công bạo lực gây chết người đang diễn ra nhằm vào người dân, bao gồm cả việc giết hại trẻ em”, cơ quan này cho biết trong một tuyên bố mới đây.
Cục Dự trữ liên bang còn cho biết Canada và Anh cũng đang công bố các biện pháp trừng phạt tương tự đối với các thành viên của chính phủ quân sự.
Kể từ tháng 2, Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác đã đều đặn bổ sung các thành viên lãnh đạo của chế độ quân sự cũng như các doanh nghiệp nhà nước tài trợ cho chế độ này vào danh sách trừng phạt của mình để gây áp lực buộc các tướng lĩnh trở lại chế độ dân chủ.
Các biện pháp trừng phạt được đưa ra nhằm mục đích cô lập họ khỏi hệ thống tài chính và thương mại toàn cầu bằng cách cấm các cá nhân và công ty Hoa Kỳ, bao gồm cả các ngân hàng có chi nhánh tại Hoa Kỳ, làm ăn với họ.
Các biện pháp trừng phạt cũng phong tỏa bất kỳ tài sản nào mà các cá nhân những người này có thể đã nắm giữ dưới quyền tài phán của Hoa Kỳ.
Số người bị giết đang tăng lên
Tình hình Myanmar đã rơi vào khủng hoảng trầm trọng kể từ khi quân đội lật đổ nhà lãnh đạo dân sự Aung San Suu Kyi vào tháng 2, gây ra hàng loạt cuộc nổi dậy lớn mà chính quyền đã tìm cách dập tắt bằng vũ khí sát thương.
Theo một nhóm giám sát địa phương, ít nhất 796 người đã bị lực lượng an ninh giết chết kể từ sau cuộc đảo chính, trong khi gần 4.000 người bị bắt giam.
Bất chấp sức ép, chính quyền quân sự vẫn tiếp tục nắm quyền và không nhượng bộ những người chống đối.
Hôm Chủ nhật, một lực lượng phòng vệ chống chính quyền ở bang Chin, miền Tây nước này cho biết 6 thành viên phe đối lập đã thiệt mạng sau những ngày đụng độ.
Hôm 18/5, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sẽ cân nhắc một dự thảo nghị quyết không ràng buộc kêu gọi “đình chỉ ngay lập tức” việc chuyển giao vũ khí cho quân đội Myanmar.
Nghị quyết kêu gọi “đình chỉ ngay lập tức việc cung cấp, bán hoặc chuyển giao trực tiếp và gián tiếp tất cả các loại vũ khí, đạn dược và các thiết bị liên quan đến quân sự khác cho Myanmar.”
Trong khi đó, thí sinh đại diện cho Myanmar trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ vừa qua đã sử dụng sân khấu để cáo buộc chính quyền quân sự giết hại dân thường, đồng thời kêu gọi thế giới ủng hộ và giúp đỡ người dân Myanmar.
“Người dân của chúng tôi đang chết và đang bị quân đội bắn mỗi ngày”, cô nói trong video tiểu sử của mình, trong đó có những bức ảnh cô tham gia các cuộc biểu tình chống đảo chính.
Hôm thứ Năm, cô đã giành giải Trang phục dân tộc đẹp nhất khi giơ tấm biển ghi “Hãy cầu nguyện cho Myanmar.”
Tiến Minh (theo AFP)
Xem thêm:
Từ khóa khủng hoảng Myanmar Mỹ trừng phạt quân đội Myanmar