Mỹ ủng hộ thành lập Liên minh Thúc đẩy Tự do Tôn giáo tại Trung Quốc
- Tân Bình
- •
Lần đầu tiên, các nhóm đức tin bị bức hại tại Trung Quốc và các tổ chức nhân quyền thành lập một liên minh thúc đẩy tự do tôn giáo tại Trung Quốc. Đặc biệt, động thái này nhận được sự ủng hộ của chính quyền Trump và các thành viên quốc hội Mỹ.
Ông Sam Brownback, Đại sứ toàn quyền Mỹ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, và Dân biểu Dân chủ James P. McGovern, tân chủ tịch Ủy ban Điều hành Quốc hội về Trung Quốc (CECC) kiêm đồng chủ tịch Ủy ban Nhân Quyền Tom Lantos của lưỡng đảng Quốc hội Mỹ, cùng đại diện của các nhóm đức tin bị bức hại tại Trung Quốc đã tham gia vào một cuộc họp báo chung hôm 4/3 tại Washingon D.C thông báo thành lập Liên minh Thúc đẩy Tự do Tôn giáo tại Trung Quốc (CARFC).
Tại buổi họp báo, Đại sứ Brownback nói: “Tôi ở đây để thêm sự ủng hộ của chính quyền [Trump]… Chúng tôi quan ngại sâu sắc về việc chính phủ Trung Quốc hạn chế nghiêm ngặt thực hành tôn giáo, trong đó có Tin Lành, Công giáo, Phật giáo Tây Tạng, Hồi giáo, Pháp Luân Công và các nhóm khác.”
Ông Brownback chỉ ra rằng trong những năm gầy đây Trung Quốc đã ban hành các quy định mới để trừng phạt tất cả các hoạt động tôn giáo không đăng ký, bao gồm cả các hoạt động tôn giáo của người nước ngoài đang cư trú tại Trung Quốc.
“Chúng tôi ở đây hôm nay để có cơ hội lắng nghe các nhóm bị ảnh hưởng bởi các hành động [của Trung Quốc], và để chính thức công nhận hoạt động của Liên minh Thúc đẩy Tự do Tôn giáo tại Trung Quốc do Hội nghị bàn tròn Tự do Tôn giáo Quốc tế thành lập… Chúng tôi tin rằng tự do tôn giáo là nhân quyền phổ quát… Nó là quyền cơ bản. Đất nước chúng ta được lập nên dựa trên quyền này. Nó được ghi nhận trong Hiến pháp Trung Quốc. Nó được ghi nhận trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Tuyên ngôn Nhân quyền. Chúng tôi tin rằng mọi người trên khắp thế giới nên được tự do tin hoặc không tin [vào tín ngưỡng, tôn giáo] mà họ thấy phù hợp,” ông Brownback nói.
Dân biểu McGovern nói rằng ông vui mừng khi chứng kiến nhiều tổ chức đã quyết định hợp tác cùng nhau, vượt qua những khác biệt về văn hóa, sắc tộc và giáo lý để hợp tác chặt chẽ về tự do tôn giáo tại Trung Quốc.
Ông McGovern cho biết ông đến đây để thể hiện sự ủng hộ, “để khẳng định cam kết của tôi với tư cách là thành viên quốc hội sẽ làm tất cả để giúp chấm dứt cuộc bức hại này.”
“Tuần trước Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã tái chỉ định tôi làm đồng chủ tịch của Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos, và tôi cũng mới được chỉ định làm chủ tịch của CECC. Do đó, tôi có một vài công cụ trong tay, và tôi có kế hoạch sử dụng chúng hết khả năng của mình,” ông McGovern nói.
Dân biểu Dân chủ đại diện cho bang Massachusetts nói rằng ông sẽ làm mọi thứ ông có thể không chỉ để dấy lên sự hiện hữu của vi phạm nhân quyền tại Trung Quốc, mà còn giúp người Mỹ hiểu được tại sao những gì xảy ra tại Trung Quốc lại quan trọng.
Trao đổi với báo giới, ông McGovern nhấn mạnh rằng năm 2019 là kỷ niệm tròn 20 năm Pháp Luân Công bị bức hại tại Trung Quốc. “Vấn đề của Pháp Luân Công là điều chúng tôi quan tâm rất sâu sắc. Chúng tôi sẽ xem xét các lựa chọn trong vài tháng tới.”
Cũng tham gia buổi họp báo, cựu Nghị sĩ quốc hội Mỹ Frank Wolf đã có bài phát biểu đầy nhiệt huyết, kêu gọi phải đặc biệt chú ý tới hơn 100 Viện Khổng Tử đang có trong các trường đại học Mỹ, cũng như các công ty phương tây bán sản phẩm dùng để lạm dụng nhân quyền của Trung Quốc.
Ông Wolf cho biết tất cả các trường đại học Mỹ có Viện Khổng Tử nên mời các linh mục Công giáo, mục sư Tin Lành, người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và các học viên Pháp Luân Công tới nói chuyện, “nếu họ không làm như vậy, các Viện này nên bị loại bỏ khỏi các khuôn viên [đại học Mỹ].”
Lực lượng thống nhất
Ông Greg Mitchell, chủ tịch của Hội nghị bàn tròn Tự do Tôn giáo Quốc tế đã nói rằng cựu nghị sĩ Wolf, Đại sứ Brownback và nhiều người khác từ lâu đã đề nghị rằng tất cả các nhóm bị bức hại cần đoàn kết lại và trở thành “một đơn vị, một đội và nói cùng một tiếng nói… và bây giờ chúng tôi rốt cuộc đã làm được điều đó.”
“Bằng việc thành lập Liên minh Thúc đẩy Tự do Tôn giáo tại Trung Quốc, các cộng đồng đức tin bị bức hại một lần nữa đoàn kết tiếng nói của mình để ủng hộ tự do tôn giáo cho tất cả mọi người ở Trung Quốc,” ông Mitchell khẳng định.
Ông Mitchell cho rằng liên minh này vẫn chỉ trong giai đoạn khởi đầu. Liên minh hy vọng nhiều nhóm nữa tham gia, và mong muốn tổ chức thêm nhiều hoạt động để “nỗ lực gây áp lực lên chính phủ Mỹ phải thực hiện nhiều hành động cụ thể hơn nữa nhằm trừng phạt Trung Quốc.”
Ông Mitchell bày tỏ tin tưởng rằng khi đã là một lực lượng thống nhất, liên minh sẽ có ảnh hưởng mạnh mẽ.
Là một thành viên trong liên minh, bà Louisa Greve – Giám đốc Đối ngoại của Dự án Nhân quyền Duy Ngô Nhĩ đã đưa ra một số bước đi cụ thể để thực hiện, trong đó có “thúc giục sử dụng Đạo luật Magnitsky Toàn cầu để buộc các quan chức chính quyền Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về chiến dịch đàn áp nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ và các cộng đồng tôn giáo thiểu số khác tại Khu vực Duy Ngô Nhĩ Tân Cương,” và thông qua Đạo luật Chính sách Nhân quyền Duy Ngô Nhĩ và Đạo luật Can thiệp Duy Ngô Nhĩ và Phản ứng Thống nhất Nhân đạo Toàn cầu.
Tiến sĩ Han Lianchao – phó chủ tịch của Sáng kiến Quyền lực Công dân cho Trung Quốc, đã kêu gọi lập trường cứng rắn hơn đối với Huawei và Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc vì hai công ty này đã giúp Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thiết lập một hệ thống giám sát khắp Trung Quốc. Hệ thống này được cho là tồi tệ hơn cả những miêu tả của tác giả Orwell trong cuốn tiểu thuyết “1984”.
Trải nghiệm bị bức hại
Trong buổi họp báo nêu trên, một số đại diện từ các nhóm đức tin bị bức hại tại Trung Quốc đã chia sẻ về trải nghiệm của họ.
Li Kunrui, cựu sĩ quan cảnh sát Thành phố Đại Liên, Trung Quốc đã nói rằng cảnh sát được giao hạn ngạch bắt giữ người phải hoàn thành mỗi khi ĐCSTQ quyết định đàn áp các nhóm tôn giáo. Thỉnh thoảng khi cảnh sát không thể bắt đủ người, họ phải tìm kiếm sự hỗ trợ từ các đồn cảnh sát khác nơi mà họ đã bắt vượt số người theo hạn ngạch được giao.
Ông Li nói rằng cảnh sát thường sử dụng các phòng khách sạn để giam giữ và tra tấn người dân vì tại đó họ không phải chịu trách nhiệm tuân thủ các thủ tục pháp lý theo quy định, ví như phải ghi âm quá trình thẩm vấn. Do đó, theo ông Li, tại các phòng khách sạn, cảnh sát có thể tra tấn người bị bắt một cách điên cuồng.
Kuzzat Altay, Sáng lập và Chủ tịch Mạng lưới Doanh nghiệp Duy Ngô Nhĩ, nói rằng từ tháng Hai vừa qua, ông đã mất liên lạc với người cha 67 tuổi của mình đang sống tại Tân Cương. Tin nhắn thoại gần nhất mà ông Altay nhận được từ cha mình nói: “Con trai, họ đang bắt cha.”
Ông Altay nói rằng ông không biết liệu cha mình có còn sống hay không vì ông ấy có vấn đề về sức khỏe. Người bác gái 70 tuổi của ông Altay đã qua đời trong trại cải tạo ở Tân Cương.
“Theo chúng tôi được biết, có ít nhất 3 triệu người đang ở trong các trại tập trung [Tân Cương],’’ ông Altay nói.
Ông Altay khẳng định tuyên bố của ĐCSTQ rằng người Duy Ngô Nhĩ ở trong các trung tâm dạy nghề là hoàn toàn dối trá. Những người như Tashpolat Teyip – cựu chủ tịch Đại học Tân Cương và Halmurat Ghopur – chủ tịch Đại học Y Tân Cương đều đang bị giam tại các trại cải tạo này. Những người này đâu cần phải tham gia đào tạo nghề.
Ông Altay nói rằng người bạn trung học thân nhất của ông đã bị đưa tới bệnh viện để thử máu và nước tiểu. Và từ sau đó gia đình đã mất liên lạc với ông ta và họ lo lắng rằng ông có thể đã bị giết mổ lấy nội tạng.
Ông Altay cũng cho biết vì không có đủ trại cải tạo để giữ tất cả người Duy Ngô Nhĩ, nên các quan chức ĐCSTQ hiện nay đang sống bên trong nhà các gia đình người Duy Ngô Nhĩ để giám sát họ. Một số phụ nữ Duy Ngô Nhĩ đã bị hãm hiếp; một số khác “sẵn lòng” cưới những quan chức ĐCSTQ để cứu gia đình.
Bhuchung Tsering – phó chủ tịch Chiến dịch Quốc tế vì Tây Tạng nói rằng từ năm 2009, có 155 người Tây Tạng đã tự thiêu để phản đối ĐCSTQ diệt chủng văn hóa và tôn giáo Tây Tạng.
Học viên Pháp Luân Công Yu Ming, cũng là một doanh nhân đã trốn thoát khỏi Trung Quốc vào cuối năm 2018. Yu Ming trước đó đã bị giam giữ trong tù và các trại lao động gần 12 năm. Ông Yu nói rằng ông nhiều lần bị 6 đến 7 nam cảnh sát lột trần và chích dùi cui điện 300.000 volt. Ông Yu đã từng bị trói vào ghế sắt suốt 3 tháng. Cảnh sát đã sử dụng dùi và tăm nhọn chích vào móng tay của ông Yu để tra tấn ép ông phải từ bỏ đức tin của mình.
Khi ông Yu Ming và cô Sean Lin – đại diện của Hiệp hội Pháp Luân Công Washington, phát biểu trên sân khấu, có hàng chục học viên Pháp Luân Công khác đứng phía sau họ, giơ lên các bức ảnh về các thành viên gia đình hoặc các luật sư vẫn đang bị bỏ tù tại Trung Quốc vì tu luyện hoặc bảo vệ Pháp Luân Công.
Theo The Epoch Times,
Tân Bình
Từ khóa Pháp Luân Công Chính phủ Mỹ Trung Quốc đàn áp tôn giáo Pháp Luân Công là gì