Mỹ và chính trị gia các nước lên án ĐCSTQ đàn áp Pháp Luân Công 23 năm qua
- Bình Minh
- •
Thứ Tư (21/7/2022), Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lên án Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại tàn khốc các học viên Pháp Luân Công suốt 23 năm, đồng thời biểu thị sẽ đứng cùng Pháp Luân Công. Các chính trị gia từ 2 đảng trong Quốc hội cũng gửi thư và video bày tỏ sự ủng hộ của họ.
Hôm thứ Năm (21/7), Văn phòng Tự do Tôn giáo Quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã tweet rằng 23 năm trước, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (ĐCSTQ) bắt đầu đàn áp tàn bạo Pháp Luân Công và các học viên, những người ủng hộ và bảo vệ nhân quyền. Việc ngược đãi, bỏ tù và tra tấn các học viên ôn hòa là điều không thể chấp nhận được và phải chấm dứt.
23 years ago, the People’s Republic of China began its brutal persecution of the spiritual discipline Falun Gong, its practitioners, advocates, and human rights defenders. The abuses, imprisonment and torture of peaceful practitioners are unacceptable and must end.
— Office of International Religious Freedom (@StateIRF) July 21, 2022
Ông Rashad Hussain, Đại sứ Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, cũng tweet: “Tôi đứng cùng với cộng đồng Pháp Luân Công. Hôm qua (20/7), chính quyền Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đánh dấu năm thứ 23 của cuộc đàn áp (nhằm vào Pháp Luân Công). Hàng ngàn người bị tra tấn, sách nhiễu, bỏ tù, và bị buộc phải từ bỏ tín ngưỡng của họ. Cuộc vận động bất công này phải chấm dứt.”
I stand in solidarity with the Falun Gong community. Yesterday marked the 23rd year of persecution at the hands of PRC authorities. Thousands have been tortured, harassed, imprisoned, and forced to renounce their beliefs. This unjust campaign must end. https://t.co/SRP8FDLICa
— U.S. Ambassador-at-Large Rashad Hussain (@IRF_Ambassador) July 21, 2022
Văn phòng Tự do Tôn giáo Quốc tế là cơ quan chính phủ duy nhất trên thế giới chịu trách nhiệm giám sát và bảo vệ quyền tự do tôn giáo quốc tế. Ông Hussain hiện đứng đầu văn phòng này.
Các nhà lập pháp Hoa Kỳ từ cả 2 đảng cùng các chính trị gia trên thế giới đã lên án chiến dịch tiêu diệt Pháp Luân Công, một cuộc bức hại kéo dài của chính quyền ĐCSTQ, đến nay đã là năm thứ 23.
Thượng nghị sĩ Ted Cruz từ Texas cho biết: “Từ lâu ĐCSTQ đã lạm dụng quyền lực và vi phạm nghiêm trọng nhân quyền của các học viên Pháp Luân Công.” “Trong 2 thập kỷ qua, hàng ngàn học viên Pháp Luân Công đã bị ĐCSTQ bỏ tù, tra tấn, và thậm chí giết hại.”
“Nhưng có lẽ điều đáng lo ngại hơn cuộc bức hại tàn nhẫn này là việc ĐCSTQ có thể sử dụng bạo lực theo ý muốn mà không bị trừng phạt”. Ông Cruz tiếp tục, “Tôi kiên quyết lên án việc ĐCSTQ đối xử vô nhân đạo đối với các học viên Pháp Luân Công, và yêu cầu ĐCSTQ bảo vệ tính mạng và tự do của họ.”
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là công pháp tính mệnh song tu, dựa trên các nguyên lý “Chân, Thiện, Nhẫn”, kết hợp với thiền định, cùng các động tác chậm rãi, lấy việc nâng cao đạo đức làm hạt nhân.
Theo ước tính chính thức, từ khi được giới thiệu ra công chúng vào năm 1992, Pháp Luân Công đã lan truyền nhanh chóng tại Trung Quốc. Vào cuối thế kỷ trước, có khoảng 70 – 100 triệu người tập Pháp Luân Công.
Giang Trạch Dân, lãnh đạo ĐCSTQ lúc bấy giờ, coi sự phổ truyền nhanh chóng của Pháp Luân Công là một mối đe dọa, và phát động một chiến dịch đàn áp đẫm máu vào ngày 20/7/1999, với quy mô chưa từng có, được Công an, Viện kiểm sát và các Sở Tư pháp phối hợp triển khai, và vượt xa phạm vi pháp luật.
Mặc dù đến nay, Pháp Luân Công đã có mặt tại hơn 100 quốc gia và giành được hơn 3.000 giải thưởng quốc tế, nhưng hàng triệu học viên Pháp Luân Công vẫn đang bị giam giữ trong các nhà tù, trại lao động và những nơi khác.
Theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, hơn 4.700 người đã chết do cuộc bức hại. Tuy nhiên, do sự kiểm duyệt chặt chẽ của Trung Quốc, số người chết thực tế có thể còn cao hơn gấp nhiều lần.
Dân biểu Eleanor Holmes Norton, người đại diện của Đặc khu Columbia, nói trong một tuyên bố: “Nhân cơ hội này, tôi không chỉ lên tiếng phản đối cuộc bức hại học viên Pháp Luân Công, mà còn vinh danh những người đã chết vì đức tin của bản thân.”
Bà Norton tiếp tục: “Tôi ủng hộ đông đảo những người lên tiếng vì một Trung Quốc tự do, gồm các học viên Pháp Luân Công. Tôi đã nghe thấy tiếng nói của các bạn. Hôm nay và mỗi ngày trong tương lai tôi sẽ sát cánh cùng các bạn.”
Nhân kỷ niệm 23 năm ngày phản bức hại các học viên Pháp Luân Công trên toàn thế giới, các thành viên của Quốc hội Hoa Kỳ từ cả 2 đảng đã lên án cuộc vận động đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ.
Ngày 21/7, khoảng 2.000 học viên Pháp Luân Công từ miền đông Hoa Kỳ đã tổ chức một buổi mít tinh lớn tại National Mall (Quảng trường Quốc gia) ở Washington, DC, thủ đô của Hoa Kỳ, yêu cầu ĐCSTQ ngừng cuộc bức hại tàn bạo đối với Pháp Luân Công kéo dài hơn 23 năm.
Hơn 20 thành viên của Thượng viện, Hạ viện Hoa Kỳ và các thành viên tiểu bang đã gửi thư, video và bài phát biểu đến cuộc mít tinh, nhằm bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với học viên Pháp Luân Công.
Các nghị sĩ Quốc hội đã gửi thư chính thức và video cho buổi mít tinh phản bức hại kéo dài 23 năm gồm: Các Thượng nghị sĩ Marco Rubio, Ron Johnson, John Boozman và Ted Cruz; và các Dân biểu Scott Perry, Ron Kind, Sam Graves, Jaime Herrera Beutler, Vicky Jo Hartzler, Gus M. Bilirakis, Stephen Lynch, Glenn Grothman, Tom Emmer, Tom Tiffany, Ken Buck, Eleanor Norton, Steven V.Oroho, F.Parker Space và Harold J.Wriths.
Trong thư hoặc video, họ tuyên bố rằng người Mỹ kiên quyết đứng về phía các học viên Pháp Luân Công và lên án mạnh mẽ cuộc bức hại nhân quyền của ĐCSTQ nhắm vào các học viên Pháp Luân Công.
Đồng thời, ca ngợi nguyên lý “Chân, Thiện, Nhẫn” của Pháp Luân Đại Pháp và lòng dũng cảm của các học viên Pháp Luân Công, khi phản đối cuộc bức hại một cách ôn hòa. Họ nói rằng Hoa Kỳ là một quốc gia bảo vệ tự do tín ngưỡng, và người dân Hoa Kỳ có trách nhiệm đoàn kết với các học viên Pháp Luân Công, cùng tẩy chay ĐCSTQ.
Nhiều người trong số họ là những người ủng hộ nghị quyết ủng hộ Pháp Luân Công của Quốc hội Hoa Kỳ. Tất cả đều tuyên bố sẽ tiếp tục thúc đẩy lập pháp, nhằm chấm dứt cuộc bức hại của ĐCSTQ nhằm vào các học viên Pháp Luân Công càng sớm càng tốt.
“Một lần nữa tôi đã tham gia lời kêu gọi của các bạn, yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt ngay lập tức lệnh cấm tập Pháp Luân Công, chấm dứt mọi cuộc đàn áp tôn giáo, và trả tự do cho tất cả các học viên Pháp Luân Công bị bỏ tù vì tín ngưỡng của họ.”
Thượng nghị sĩ Marco Rubio nói trong thư: “Tôi nhắc lại cam kết của mình là sẽ làm mọi thứ có thể tại Quốc hội Hoa Kỳ, để buộc những người chịu trách nhiệm về cuộc đàn áp phải giải trình.”
“Trong 2 thập kỷ qua, các học viên Pháp Luân Công đã phải đối mặt với sự bức hại từ ĐCSTQ nhiều hơn bất kỳ nhóm nào khác”, Dân biểu Tom Emmer viết trong một lá thư gửi cho Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Washington, trích dẫn việc ĐCSTQ ngược đãi học viên Pháp Luân Công, như bỏ tù, tra tấn, mổ cướp nội tạng sống “cho hoạt động buôn bán quốc tế khủng khiếp.”
Hôm thứ Năm (21/7), trước cuộc mít tinh của các học viên Pháp Luân Công, Thượng nghị sĩ John Boozman cũng ca ngợi sự kiên trì của họ.
“Cuộc đấu tranh của bạn cho tự do tôn giáo là nguồn cảm hứng cho những người tôn trọng tự do tôn giáo trên toàn thế giới”, ông viết trong một bức thư.
“Từ các nhà in ngầm, phần mềm miễn phí sáng tạo và mạnh mẽ trên Internet, đến các kênh truyền thông lan truyền thông tin không bị (ĐCSTQ) kiểm duyệt, các bạn không chỉ mang lại hy vọng và sự khích lệ cho các học viên Pháp Luân Công vẫn đang bị bức hại, mà còn cho cả các nhóm tôn giáo bị đàn áp khác trên thế giới.”
Thượng nghị sĩ Ron Johnson cũng ca ngợi các học viên Pháp Luân Công đã kiên trì đối mặt với “cuộc vận động có mật độ dày đặc, toàn diện và vô tình” của chính quyền ĐCSTQ dựa trên đức tin của mình. “Các báo cáo về việc giam giữ tùy tiện, phân biệt đối xử, tra tấn và thậm chí mổ cướp nội tạng sống là rất đáng lo ngại. ĐCSTQ phải bị truy cứu trách nhiệm,” ông nói trong một bức thư.
Dân biểu Stephen Lynch cho biết, báo cáo “khủng khiếp” về những hành động tàn bạo đối với các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc nhắc nhở thế giới bên ngoài phải hành động.
Ông viết trong một bức thư hôm thứ Năm (21/7) rằng: “Chừng nào Chính phủ Trung Quốc (ĐCSTQ) còn vi phạm các quyền cơ bản của con người, chúng tôi sẽ không thể khoanh tay đứng nhìn.”
Mổ cướp nội tạng sống
Cả ông Cruz và bà Norton đều chỉ ra việc Trung Quốc vẫn tiếp tục thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công vẫn còn sống. Thượng nghị sĩ Cruz nói rằng ĐCSTQ đã làm điều “khủng khiếp” này mà “không hề hối hận.”
Năm 2019, Tòa án Trung Quốc (China Tribunal), một tòa án dân sự độc lập ở London, nghi ngờ ĐCSTQ đã giết các học viên Pháp Luân Công bị cầm tù và bán nội tạng của họ.
Đến nay, ĐCSTQ vẫn đang giết hại các học viên Pháp Luân Công để thu hoạch nội tạng sống. Nguồn cung cấp nội tạng đầy đủ này đã khiến Trung Quốc trở thành điểm đến hàng đầu cho du lịch ghép tạng. Vì các bệnh viện Trung Quốc thường cung cấp cho bệnh nhân thời gian chờ đợi ghép tạng ngắn hơn, nhanh hơn nhiều so với các nước có hệ thống hiến tạng phát triển.
Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Tự do Tôn giáo Quốc tế vào tháng Sáu, học viên Pháp Luân Công Hàn Vũ sống ở Hoa Kỳ, nghi ngờ rằng cha cô bị giết để mổ cướp nội tạng. Ông chết trong một trại giam ở Bắc Kinh vào năm 2004. Hàn Vũ cho biết cơ thể ông có những vết khâu từ cổ họng đến bụng, nơi chứa đầy “những cục nước đá cứng”.
“Cưỡng bức mổ cướp nội tạng là một trong những tội ác kinh hoàng nhất mà tôi từng gặp phải”, ông Philip Hunt, nghị sĩ Quốc hội, kiêm cựu Bộ trưởng Y tế Vương quốc Anh, cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Đài truyền hình NTD (Mỹ).
Ngày 16/7, tại buổi mít tinh kỷ niệm 23 năm chống lại cuộc bức hại Pháp Luân Công được tổ chức ở Đài Loan, bà Trần Tiêu Hoa (Chen Jiau-hua), nghị sĩ của cơ quan lập pháp, kiêm chủ tịch Đảng Sức mạnh Thời báo Đài Loan, đã kêu gọi ĐCSTQ “ngay lập tức chấm dứt hành vi thu hoạch nội tạng tàn bạo vô nhân tính.”
Trong một tuyên bố, ông Yoshifumi Shinzawa, chủ tịch hội đồng thành phố Takatori, tỉnh Nara, Nhật Bản, đã chất vấn vì sao mọi người lại thờ ơ khi nghe tin những nội tạng như thận và gan của các học viên Pháp Luân Công bị bán cho các quan chức Trung Quốc và người nước ngoài.
Ông Shinzawa nói: “Tôi hy vọng thế giới, với sự hỗ trợ của Liên hợp quốc, sẽ quan tâm hơn đến vấn đề này.”
Hoa Kỳ và Liên Hợp Quốc
Dân biểu Gus Bilirakis từ Florida cho biết, hồ sơ của ĐCSTQ về các vụ vi phạm nhân quyền, bao gồm “cuộc vận động tiêu diệt bạo lực Pháp Luân Công và các học viên của Pháp Luân Công ở Trung Quốc kéo dài 23 năm” là một trong những nguyên nhân dẫn đến Nghị quyết Hạ viện H.Res.219 do ông đề xuất vào tháng 3/2021.
Ông Bilirakis nói: “Chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ thường nhắm mắt làm ngơ trước hành vi bất chính của Trung Quốc. Vì vậy, tôi đã đệ trình một nghị quyết, thúc giục Liên Hợp Quốc thực hiện các hành động thủ tục cần thiết và thích hợp, nhằm loại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (ĐCSTQ) ra khỏi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.”
Ông Bilirakis cho biết thêm: “Với những ghi chép tồi tệ của Trung Quốc về nhân quyền và hành vi xấu xa vẫn tiếp diễn trên trường thế giới, lẽ ra chúng ta cần sớm áp dụng hành động lớn này.”
Ông cũng là một trong những người đồng khởi xướng Đạo luật Bảo vệ Pháp Luân Công (H.R.6319), một dự luật của Hạ viện được dân biểu Scott Perry từ bang Pennsylvania đệ trình vào tháng 12/2021.
Nếu được thông qua, dự luật này sẽ yêu cầu tổng thống xác định và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những người nước ngoài “cố ý hoặc âm mưu, trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia” cưỡng bức mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc.
Ông Bilirakis nói: “Chúng ta phải tiếp tục truy cứu trách nhiệm của Trung Quốc (ĐCSTQ) về hành vi xấu xa của họ, và có lập trường kiên quyết rằng không một hành vi sai trái nào sẽ được dung thứ.”
Ông tiếp tục: “Hoa Kỳ phải tiếp tục là ngọn hải đăng về nguyên tắc, lòng dũng cảm, công nhận và thúc đẩy các quyền cơ bản của con người.” “Nếu chúng ta giữ im lặng trước hành vi phạm pháp trên, chúng ta sẽ coi nhẹ nghĩa vụ đạo đức này, như vậy sẽ mang đến nguy hiểm cho xã hội dân sự.”
Từ khóa Pháp Luân Công Cuộc đàn áp Pháp Luân Công Dòng sự kiện