Chính quyền Trump hôm thứ Ba (28/5) cho biết không đối tác thương mại chính nào của Mỹ bị gắn nhãn thao túng tiền tệ, nhưng 9 nước trong đó có Trung Quốc và Việt Nam bị liệt vào danh sách cần giám sát đặc biệt.

tham hut thuong mai
Ảnh minh họa từ ShutterStock

Bộ Tài chính Mỹ đưa ra đánh giá nêu trên trong báo cáo mỗi 6 tháng/lần gửi Quốc hội Mỹ. Số lượng các đối tác thương mại chính của Mỹ cần đánh giá năm nay tăng lên 21 nước so với 12 nước năm ngoái do Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đã hạ thấp các chỉ tiêu đánh giá để bao phủ nhiều đối tác thương mại của Mỹ hơn.

Trong tuyên bố hôm 28/5, ông Mnuchin nói: “Bộ Tài chính đang mở rộng số lượng các đối tác thương mại của Mỹ mà cơ quan này đánh giá để làm cho hoạt động điều hành tiền tệ công bằng hơn và minh bạch hơn.”

Các quốc gia có thặng dư tài khoản vãng lai tương đương 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là đủ điều kiện cho vào danh sách thao túng tiền tệ, tiêu chí trước đây là 3%. Hai tiêu chí còn lại là can thiệp liên tục vào thị trường đối với một loại tiền tệ quốc gia và thặng dư thương mại với Mỹ đạt ít nhất 20 tỷ USD, theo Bloomberg.

Trong báo cáo gửi Quốc hội lần này, Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục không liệt bất kỳ quốc gia nào thao túng tiền tệ, nhưng xếp 9 nước vào danh sách cần giám sát đặc biệt gồm: Trung Quốc, Đức, Ireland, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore và Việt Nam.

Trong báo cáo vào tháng Mười năm ngoái, Bộ Tài chính Mỹ chỉ xếp 6 nước vào danh sách giám sát đặc biệt. Ấn Độ và Thụy Sĩ được loại ra khỏi danh sách theo dõi mới, trong khi vẫn giữ nguyên bốn nước: Trung Quốc, Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc và bổ sung thêm 5 nước:  Ireland, Ý, Maylaysia, Singapore và Việt Nam.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ, Việt Nam tránh được bị gắn nhãn thao túng tiền tệ sau khi các quan chức Hà Nội đã “thông tin một cách đáng tin cậy” rằng các giao dịch mua ngoại hối ròng của quốc gia này dưới 2% GDP năm 2018, tức là thấp hơn ngưỡng can thiệp quan trọng. Tuy nhiên, Bộ Tài chính Mỹ lưu ý rằng Việt Nam quản lý chặt chẽ giá của đồng Việt Nam so với USD.

Các quan chức Mỹ cho rằng việc đặt một nước vào danh sách cần giám sát cho phép chính phủ Mỹ thông qua các cuộc đàm phán không chính thức gây áp lực nước đó phải tuân thủ các tiêu chí của Mỹ đặt ra về hoạt động tiền tệ công bằng và lành mạnh.

Báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ nêu trên đến vào thời điểm leo thang xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc về nhiều lĩnh vực từ thương mại cho tới mạng di động không dây 5G.

Mỹ đã tăng thuế lên 25% từ 10% lên 200 tỷ USD hàng nhập từ Trung Quốc và cũng đang trong tiến trình tiếp tục đánh thuế 25% lên 300 tỷ USD hàng nhập khác từ Trung Quốc. Trong tháng này, chính quyền Trump cũng ra lệnh cấm các doanh nghiệp Mỹ hợp tác kinh doanh với Tập đoàn Công nghệ Viễn thông Huawei Trung Quốc với lý do các thiết bị của công ty này đe dọa tới an ninh quốc gia Mỹ.

Dù căng thẳng với Trung Quốc leo thang, nhưng cũng như 4 báo cáo trước của Bộ tài chính Mỹ dưới thời Tổng thống Trump, trong báo cáo lần này Washington cũng không liệt chế độ Bắc Kinh thao túng tiền tệ.

Bộ Tài chính Mỹ cho biết Washington tin rằng việc can thiệp vào tỷ giá hối đoái trực tiếp của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã bị giới hạn trong năm qua.

Bộ Tài chính Mỹ lưu ý rằng Trung Quốc cần tích cực giải quyết những lực lượng làm méo mó thị trường, trong đó có trợ cấp và các doanh nghiệp nhà nước. Phía Mỹ cũng cho rằng việc các nền tảng kinh tế cơ bản được cải thiện sẽ hỗ trợ đồng Nhân dân tệ mạnh hơn và giúp giảm thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ.

Bộ Tài chính Mỹ thực hiện báo cáo nêu trên dựa theo một bộ luật của Mỹ năm 1988 yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo với Quốc hội Mỹ 6 tháng/lần xem liệu có bất kỳ quốc gia nào đang thao túng tiền tệ của họ để đạt được lợi thế về thương mại so với Mỹ hay không. Nếu các quốc gia bị liệt là thao túng tiền tệ có thể sẽ dẫn tới bị Mỹ chế tài thương mại. Năm 2016, luật này đã mở rộng tiêu chí mà Bộ Tài chính sử dụng trong việc thực hiện báo cáo đánh giá của mình.

Chưa có bất kỳ nước nào bị Mỹ gắn nhãn thao túng tiền tệ kể từ khi chính quyền Bill Clinton liệt Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ vào năm 1994.

Như Ngọc (T/h)