Na Uy phát hiện mỏ kim loại đất hiếm lớn nhất châu Âu
- Bình Minh
- •
Tổ chức Đất hiếm Na Uy cho biết đã phát hiện ra trữ lượng đất hiếm giá cao lớn nhất châu Âu. Phát hiện này có ý nghĩa quan trọng đối với châu Âu khi đang tìm cách giảm sự phụ thuộc các khoáng sản quan trọng vào Trung Quốc.
Đất hiếm được gọi là “vitamin công nghiệp”. Chúng là tên gọi chung của 17 nguyên tố hóa học. Do đặc tính vật lý và hóa học độc đáo nên chúng rất quan trọng đối với nhiều sản phẩm công nghệ cao.
Theo Công ty khai thác đất hiếm Na Uy, một lượng lớn kim loại đất hiếm được phát hiện có thể được sử dụng để sản xuất xe điện và các công nghệ năng lượng sạch khác.
Trong cuộc họp báo vào ngày 6/6, công ty này đã công bố rằng khu phức hợp Fen Carbonatite ở miền nam Na Uy có trữ lượng nguyên tố đất hiếm lớn nhất ở châu Âu. Theo ước tính, tổng lượng oxit đất hiếm đạt 8,8 triệu tấn, có triển vọng khai thác kinh tế hợp lý.
Trong số này, ước tính có khoảng 1,5 triệu tấn đất hiếm liên quan đến nam châm có thể được sử dụng trong xe điện và tua-bin gió. Khi xem xét về rủi ro chuỗi cung ứng, EU coi những kim loại này là nguyên liệu thô quan trọng nhất.
Ông Trond Watne, nhà địa chất trưởng của Công ty khai thác đất hiếm Na Uy, cho biết, hiện đã xác nhận thông qua một bên thứ ba độc lập, rằng nước này có nguồn tài nguyên khoáng sản đáng kể ở Fen Carbonatite. Đây là một cột mốc quan trọng đối với Na Uy và cực kỳ quan trọng đối với cộng đồng địa phương ở Nome, cũng như các thế hệ ở nước này và Châu Âu.
Tổ chức Đất hiếm Na Uy cho biết mỏ đất hiếm ở Telemark, cách Oslo khoảng 210 km về phía Tây Nam, có thể khẳng định vị thế của Na Uy như một phần không thể thiếu trong chuỗi giá trị đất hiếm và nguyên liệu thô quan trọng của châu Âu.
Một trong những mục tiêu của “Đạo luật Nguyên liệu thô quan trọng” của EU là đáp ứng ít nhất 10% nhu cầu đất hiếm hàng năm của EU vào năm 2030. Công ty khai thác đất hiếm Na Uy cho biết, họ hy vọng sẽ đóng góp vào mục tiêu này.
Kênh tin tức tài chính Hoa Kỳ CNBC cho biết, là một trong số ít trữ lượng không thuộc sở hữu hoặc sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), việc phát hiện trữ lượng đất hiếm lớn nhất châu Âu được coi là động lực đáng hoan nghênh cho nỗ lực của châu Âu, nhằm phá vỡ sự thống trị của ĐCSTQ đối với đất hiếm.
Việc xây dựng các nhà máy quang điện mặt trời, trang trại gió và xe điện thường đòi hỏi nhiều khoáng chất quan trọng hơn các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Một chiếc ô tô điện thông thường cần nguồn tài nguyên khoáng sản gấp 6 lần so với một chiếc ô tô thông thường. Khi quá trình chuyển đổi năng lượng sạch tăng tốc, trong những năm tới, nhu cầu về đất hiếm và khoáng sản quan trọng dự kiến sẽ tăng theo cấp số nhân.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, nguồn cung đất hiếm hiện nay không đủ để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi năng lượng trên toàn cầu. Nguyên nhân là một số đất hiếm thường chỉ tập trung ở một vài khu vực địa lý nhất định.
Hầu hết việc sản xuất nguyên tố đất hiếm đều nằm ở Trung Quốc. Trung Quốc ước tính chiếm khoảng 70% hoạt động khai thác đất hiếm trên toàn cầu và 90% hoạt động chế biến đất hiếm.
Năm 2022, Trung Quốc là đối tác nhập khẩu nguyên tố đất hiếm lớn nhất của EU, chiếm 40% tổng lượng nhập khẩu tính theo trọng lượng.
Khi được hỏi các tài nguyên được phát hiện có giá trị hơn nguồn cung cấp dầu và khí đốt của Na Uy hay không, Giám đốc điều hành Khai thác Đất hiếm Na Uy, ông Alf Reistad, nói với CNBC, rằng nó sẽ có giá trị hơn, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen cũng nói rằng lithium và các nguyên tố đất hiếm sẽ sớm đóng vai trò quan trọng hơn dầu khí.
Đất hiếm là tên gọi chung của 17 nguyên tố hóa học rất quan trọng đối với nhiều sản phẩm công nghệ cao nhờ vào tính chất vật lý và hóa học độc đáo của chúng.
Nó được hưởng các danh hiệu như “Vitamin công nghiệp” và “Vàng của thế kỷ 21”.
Đất hiếm được sử dụng trong vũ khí dẫn đường bằng laser của quân đội, máy bay chiến đấu tiên tiến, tên lửa, điện thoại di động và xe điện thông dụng. Trong một cuộc chiến hoặc xung đột thương mại, những nguyên tố này có thể dễ dàng được sử dụng làm vũ khí chống lại các quốc gia khác.
Trung Quốc đã cho thế giới thấy, họ có thể sử dụng đất hiếm như một chiến thuật trả đũa. Năm 2010, Trung Quốc bất ngờ cắt xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản trong vụ xung đột tàu đánh cá.
Trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, truyền thông chính phủ của ĐCSTQ nhiều lần tích cực sử dụng “quân bài đất hiếm”. Điều này đã nâng cao cảnh giác của Hoa Kỳ và các nước phương Tây, đồng thời họ đang tìm cách giảm thiểu rủi ro trước Trung Quốc về các khoáng sản quan trọng.
Tổ chức Đất hiếm Na Uy cho biết công việc thăm dò tại khu phức hợp sẽ tiếp tục và dự kiến sẽ tiến hành khoan thêm vào tháng tới. Công ty cho biết họ đang nỗ lực phát triển giai đoạn khai thác đầu tiên vào năm 2030.