Thống đốc New York cho biết hôm 22/9 vừa qua rằng tiểu bang này sẽ tìm kiếm những người lao động nước ngoài để thay thế cho những nhân viên y tế chưa tiêm vắc-xin COVID-19 tại các bệnh viện và viện dưỡng lão.

vắc-xin
Người dân New York biểu tình tại Công viên Trung tâm nhằm phản đối các biện pháp cưỡng chế trong dịch bệnh như bắt buộc tiêm vắc-xin, và sử dụng hộ chiếu vắc-xin. (Ảnh: Li Linzhao/Epoch Times)

Nhân viên y tế tại bệnh viện và viện dưỡng lão ở tiểu bang New York có thể bị mất việc làm nếu họ không tuân thủ quy định bắt buộc tiêm vắc-xin COVID-19 của cựu Thống đốc Andrew Cuomo (đưa ra vào giữa hồi tháng 8) có hiệu lực kể từ ngày 27/9.

Thống đốc Kathy Hochul nói với Spectrum News 1 trong một cuộc phỏng vấn rằng tiểu bang New York sẽ thực hiện các bước để thay thế những nhân viên chưa tiêm chủng.

Bà Hochul nói với Spectrum News 1 rằng chính quyền tiểu bang sẽ làm việc với nhiều hệ thống bệnh viện khác nhau để tìm kiếm những nhân viên tiềm năng có thể bổ sung vào các viện dưỡng lão. “Chúng tôi cũng có những viên chức nhà nước được đào tạo để trợ giúp [nếu cần]”, bà nói thêm.

Một lựa chọn khác được bà Hochul đưa ra là tìm nguồn nhân viên thay thế từ những quốc gia khác. Bà Hochul cho hay: “Chúng tôi cũng đang liên hệ với Bộ Ngoại giao để tìm hiểu về vấn đề thị thực cho người lao động nước ngoài trên cơ sở hạn chế để mời các y tá đến tiểu bang làm việc”.

Tính đến nay, khoảng 84% trong số 450.000 nhân viên làm việc trong các bệnh viện của tiểu bang, 85% nhân viên làm việc tại các cơ sở chăm sóc người cao tuổi của tiểu bang và 83% nhân viên công tác trong các viện dưỡng lão của New York đã tiêm chủng đầy đủ, theo dữ liệu của chính quyền tiểu bang này.

Hôm 14/9 vừa qua, một thẩm phán liên bang đã tạm thời cấm lệnh bắt buộc các nhân viên y tế ở New York phải tiêm chủng sau khi một nhóm gồm 17 chuyên gia y tế (bao gồm các bác sĩ và y tá) đã đệ đơn kiện tiểu bang này. Các nguyên đơn cho rằng các quyền hiến định của họ đã bị xâm phạm bởi tiểu bang New York đã không cho phép người dân miễn tiêm chủng vì lý do tôn giáo. Lệnh cấm trên sẽ có hiệu lực đến ngày 12/10.

Theo The Epoch Times,

Phan Anh

Xem thêm: