Tổng thống đắc cử Donald Trump, trong suốt chiến dịch tranh cử, đã nhiều lần khẳng định rằng ông có thể chấm dứt cuộc chiến tranh Nga – Ukraine “chỉ trong vòng 24 giờ”. Tuy nhiên, việc Moskva gần đây bác bỏ các điều khoản từ đội ngũ của ông Trump đã cho thấy rằng việc kết thúc cuộc chiến tranh này không đơn giản như những gì ông từng tuyên bố.

Vladimir Putin and Sergey Lavrov 2015 04 07
Ảnh: Presidential Executive Office/Wikimedia

Chiến tranh Nga –  Ukraine bùng phát vào tháng 2 năm 2022 sau khi các cuộc đàm phán ngoại giao thất bại. Không lâu sau đó, Moskva đã sáp nhập bốn tỉnh ở phía nam Ukraine thông qua các cuộc trưng cầu dân ý bị Kiev và các đồng minh phương Tây lên án là giả tạo. Hiện nay, Nga vẫn chưa hoàn toàn kiểm soát được bất kỳ tỉnh nào trong số này, nhưng Moskva đã đạt được những bước tiến nhỏ ở tỉnh Donetsk kể từ khi chiếm được thành phố pháo đài Avdiivka.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với TASS, cơ quan truyền thông có liên kết với chính phủ Nga, Ngoại trưởng Sergei Lavrov đã đề cập đến những thông tin rò rỉ về kế hoạch của đội ngũ ông Trump cũng như các tuyên bố công khai mà Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Trump đã đưa ra liên quan đến cuộc chiến tranh Nga – Ukraine.

Đội ngũ của ông Trump chưa chính thức công bố bất kỳ kế hoạch hòa bình nào, và ông Lavrov cũng xác nhận rằng Moskva chưa nhận được “tín hiệu chính thức” từ Washington về một thỏa thuận. Tuy nhiên, ông Lavrov đã bác bỏ hai đề xuất chính: trì hoãn tư cách thành viên NATO của Ukraine trong 20 năm cũng như triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu để tuần tra tại các khu vực ngừng bắn.

Dựa trên các thông tin rò rỉ và cuộc phỏng vấn của ông Donald Trump với tạp chí Time vào ngày 12 tháng 12, ý tưởng của họ là đình chỉ các hoạt động thù địch dọc theo đường ranh giới và chuyển giao trách nhiệm đối đầu với Nga cho châu Âu. Chúng tôi tất nhiên không hài lòng với các đề xuất từ các thành viên trong đội ngũ của ông Trump, như việc hoãn tư cách thành viên NATO của Ukraine trong 20 năm và triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình Anh và châu Âu tại Ukraine”, ông Lavrov phát biểu.

Cả Tổng thống đắc cử Donald Trump và Phó Tổng thống đắc cử JD Vance đều đã nhiều lần nhấn mạnh rằng châu Âu, với vị trí địa lý gần gũi, cần phải gánh vác trách nhiệm bảo đảm an ninh cho Ukraine. Một số quốc gia như Pháp đã công khai ý tưởng triển khai quân đội của mình để giúp Ukraine ổn định chiến tuyến, nhưng kế hoạch này vẫn chưa được thực hiện chính thức. Ông Lavrov, tuy nhiên, nhấn mạnh rằng “quân đội NATO và lính đánh thuê công khai tham gia vào việc lập kế hoạch và chiến đấu cùng lực lượng vũ trang quân đội Ukraine”. Ngoài ra, ông Lavrov cũng bác bỏ cáo buộc cho rằng binh lính Triều Tiên đang chiến đấu bên phía Nga.

Nga bác bỏ đề xuất từ đội ngũ ông Trump, nhưng trở ngại không chỉ có vậy, khi Ukraine và châu Âu còn tạo ra thêm hai trở ngại khác.

Nga sẵn sàng đối thoại, nhưng không dễ nhượng bộ

Ngay sau khi ông Trump bổ nhiệm Trung tướng về hưu Keith Kellogg làm đặc phái viên đặc biệt tại Ukraine, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã phát đi tín hiệu thiện chí hợp tác. Ông tuyên bố: “Nếu các tín hiệu từ đội ngũ mới ở Washington nhằm khôi phục đối thoại là nghiêm túc, dĩ nhiên, chúng tôi sẽ đáp lại”.

Ông Kellogg, với kinh nghiệm chiến trường dày dặn, đã bày tỏ hy vọng: “Cả hai bên đều đã sẵn sàng” cho các cuộc đàm phán, nhấn mạnh rằng cái giá phải trả bằng số lượng sinh mạng đáng báo động ở cả hai phía chính là động lực thúc đẩy hòa bình. 

Tuy nhiên, Nga sẵn sàng đối thoại không đồng nghĩa với việc Nga sẵn sàng nhượng bộ các điểm chính yếu. Ranh giới giữa hai điều này có thể quyết định liệu cuộc đàm phán sẽ đưa đến hòa giải hay khiến căng thẳng leo thang hơn nữa.

Ukraine không nhượng bộ: Lập trường cứng rắn trước mọi áp lực

Tổng thống Ukraine Zelensky, dù đã thừa nhận rằng Ukraine khó có thể giành lại toàn bộ lãnh thổ theo biên giới năm 1991 bằng con đường quân sự. Tuy nhiên ông Zelensky vẫn kiên định với mục tiêu khôi phục toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Điểm này, như Ngoại trưởng Lavrov đã nhấn mạnh, là một rào cản lớn cho các cuộc đàm phán. Hiện tại, lực lượng quân đội Ukraine không chỉ bảo vệ lãnh thổ của mình mà còn tiến hành phản công vào các khu vực biên giới thuộc tỉnh Kursk của Nga.

Tư cách thành viên NATO của Ukraine là điều Moskva không thể chấp nhận. Tuy nhiên, yêu cầu đồng thuận tuyệt đối giữa các thành viên NATO cũng có thể ngăn chặn việc này xảy ra.

Dù vậy, ông Zelensky vẫn lạc quan về việc các đồng minh phương Tây — Hoa Kỳ và châu Âu — tiếp tục hỗ trợ Ukraine. Công khai với ngoại giới, ông Zelensky đã tuyên bố mục tiêu đạt được hòa bình vào năm 2025, nhưng không cho thấy Ukraine sẵn sàng nhượng bộ những nguyên tắc bất di bất dịch của mình.

Nga và những đồng minh trong trục ác độc của họ chỉ nói ngôn ngữ của tội ác chiến tranh và sự đe dọa. Cùng với Hoa Kỳ và các đối tác chia sẻ giá trị với chúng ta, chúng ta phải đáp trả bằng sức mạnh, phẩm giá và một cam kết không lay chuyển đối với tự do. Chúng ta phải tiếp tục tiến bước gần hơn đến hòa bình thông qua sức mạnh để đạt được mục tiêu chung vào năm 2025—một mục tiêu được chia sẻ bởi Ukraine và tất cả các đối tác của chúng ta. Ukraine, quốc gia đang bảo vệ mình trước các cuộc tấn công tàn bạo hàng ngày, đặt niềm tin vào những người bạn chiến lược của chúng ta”, ông Zelensky đăng tải trong tuần này. 

Vào cuối tháng Mười Một năm ngoái, ông Zelensky đã kêu gọi đưa các vùng lãnh thổ do chính phủ Ukraine kiểm soát vào NATO, đồng thời ông nhấn mạnh rằng bước đi này sẽ đồng thời cho phép ông theo đuổi việc giành lại các vùng mà không từ bỏ bất kỳ yêu sách chủ quyền nào của chính phủ ông đối với những vùng lãnh thổ đó.

Châu Âu hậu thuẫn Ukraine

Các đồng minh quan trọng của Kiev tại châu Âu gần đây đã ký kết Tuyên bố Berlin, tái khẳng định sự ủng hộ đối với mục tiêu của ông Zelensky trong việc khôi phục toàn vẹn lãnh thổ Ukraine và gia nhập NATO.

Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine trên con đường không thể đảo ngược hướng tới hội nhập đầy đủ vào châu Âu – Đại Tây Dương, bao gồm cả tư cách thành viên NATO”, các ngoại trưởng Pháp, Đức, Ý, Ba Lan, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh tuyên bố vào giữa tháng Mười Hai năm ngoái.

Họ cũng nhấn mạnh thêm: “Chúng tôi tái khẳng định sự ủng hộ vững chắc của mình đối với một nền hòa bình toàn diện, công bằng và bền vững tại Ukraine, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Hiến chương Liên Hợp Quốc, với sự tôn trọng hoàn toàn chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”.

Dù nước Đức sắp phải đối mặt với cuộc bầu cử và sự thay đổi Thủ tướng Pháp gần đây có thể mang lại chút bất ổn, làm thay đổi định hướng chính trị của Paris, thì phần lớn các quốc gia ký kết tuyên bố chung nêu trên khả năng trong thời gian tới sẽ vẫn thay đổi đáng kể chính sách đối ngoại ủng hộ Ukraine.

Đàm phán trực tiếp Mỹ-Nga: Lối đi khác cho hòa bình?

Hiện tại, các bên tham gia đàm phán chính dường như vẫn đang ở thế bế tắc, với các mục tiêu đã tuyên bố không thể hòa giải. 

Trong khi đó, Nga tiếp tục giành thêm nhiều vùng lãnh thổ, làm dấy lên lo ngại từ Washington và Brussels rằng việc duy trì hiện trạng có thể mở đường cho chiến thắng cuối cùng của Moskva. Tình hình này khiến một số nhà phân tích đã kêu gọi các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và Hoa Kỳ, mà không có sự tham gia của Ukraine và châu Âu, nhằm đạt được tiến triển ở các điểm mấu chốt. Trong một bài xã luận đăng trên Foreign Policy vào tháng Mười Hai năm ngoái, ông Anatol Lieven, Giám đốc Chương trình Âu – Á của Viện Quincy về Đối sách Trách nhiệm, đã lập luận rằng: “Các giai đoạn đầu của cuộc đàm phán nên diễn ra giữa Hoa Kỳ và Nga”.

Dù ông Lieven thừa nhận Ukraine đương nhiên sẽ phải đồng ý với bất kỳ thỏa thuận cuối cùng nào, ông nhấn mạnh rằng nhiều điểm bất đồng giữa Nga và các nước phương Tây không phải là điều mà Ukraine có thể tác động nhiều. Trong số đó có các đề xuất để châu Âu và Hoa Kỳ cung cấp bảo đảm an ninh cho một Ukraine không chính thức trở thành thành viên của bất kỳ liên minh nào và cam kết can thiệp như thể Ukraine là một thành viên NATO nếu Nga tấn công lần nữa.

Tuy nhiên, tất cả những gì tôi nghe được từ phía Nga cho thấy điều này cũng không thể chấp nhận được đối với Moskva, giống như tư cách thành viên NATO vậy, và vì thế sẽ làm cho thỏa thuận trở nên bất khả thi. Hơn nữa, các quốc gia châu Âu chỉ đồng ý triển khai quân đội nếu họ có được một cam kết chắc chắn từ Washington rằng Hoa Kỳ sẽ can thiệp nếu họ bị tấn công. Điều này, trên thực tế, lại đẩy quyết định  quay trở lại Washington: [quyền quyết định cuối cùng về việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine hay đối đầu với Nga] không nằm trong tay Kiev, và cũng không nằm trong tay Brussels, Vacsava hay Paris”, ông Lieven bổ sung.

Đội ngũ chuyển giao quyền lực của ông Trump vẫn chưa trả lời yêu cầu bình luận tại thời điểm bài viết này được đăng tải.