Nga – Mỹ nhích lại gần, ‘chiến lang’ TQ vì sao không dám ‘cắn’ ông Putin?
- Hà Thanh Liên
- •
Hiện tại Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc/ĐCSTQ) đang rơi vào khó khăn cả trong lẫn ngoài lớn nhất kể từ thời kỳ cải cách mở cửa đến nay, đội đột kích “chiến lang” xuất kích khắp nơi, tấn công Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Đảng Cộng hòa; ông Hồ Tích Tiến (Tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu) càng vô lễ đến cực độ, nói Úc “giống như kẹo cao su dính dưới đế giày Trung Quốc, thỉnh thoảng bạn không thể không tìm viên đá để quẹt nó ra”. Nhưng đối với Nga, nơi có nhiều xích mích với Bắc Kinh vì cộng đồng người Hoa trong thời kỳ đặc biệt này, ĐCSTQ không chỉ tặng Nga nhiều vật tư chống dịch, mà còn kèm kèm vô số lời nói tốt. Đối với tuyên bố chung của Tổng thống Mỹ và Nga kỷ niệm 75 năm Ngày Elbe (ngày quân đội Liên Xô và Mỹ gặp nhau tại sông Elbe vào ngày 25/4/1945) hôm 24/5, Trung Quốc chỉ đăng một bản tin không kèm theo bất cứ bình luận nào. Hành động này cho thấy rõ: Ngoài anh em châu Phi ra, trong các nước lớn, Bắc Kinh không dám đắc tội nhất chính là ông Putin.
Dưới đây là bài viết của Hà Thanh Liên thể hiện quan điểm của riêng tác giả.
Bắc Kinh che giấu sự lúng túng trong lòng
Trong lúc dịch viêm phổi Vũ Hán càn quét thế giới, tất cả các quốc gia đều mệt mỏi ứng phó, Tổng thống Mỹ và Nga lại phát biểu tuyên bố chung khiến người ta phải chú ý. Người Mỹ quan tâm là vì từ khi chiến tranh lạnh đến nay, tình cảm chống Liên Xô vẫn còn, cộng thêm khúc mắc trong tâm khi Đảng Dân chủ và truyền thông vẫn luôn cáo buộc Nga can dự vào bầu cử Mỹ; phía châu Âu quan tâm là sự quan tâm về cục diện thế giới sau khi dịch viêm phổi qua đi, họ rất không muốn Mỹ – Nga xích lại gần. Sự lo lắng chung của hai thế lực lớn này là: Chiến tranh thương mại giữa hai nước lớn trên thế giới Mỹ – Trung đình chiến, nhưng khi vấn đề nguồn gốc viêm phổi Vũ Hán trở thành sự đối đầu gay gắt giữa hai nước này, nếu Mỹ và Nga thực sự gác lại hiềm khích trước đây cùng nhau hợp tác, vậy thì Trung Quốc sẽ ở trong tình trạng thế nào?
Việc này đối với Trung Quốc mà nói là có liên quan đến vấn đề lợi ích, không khác gì đánh cho Trung Quốc một gậy. Trước thông tin này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc và bộ máy tuyên truyền không thể thể hiện ra một tư thái “chiến lang” – hễ động vào là lại nhảy lên cắn người được, chỉ có Tân Hoa Xã đăng một bản tin ngắn về việc này “Tân Hoa Xã tại Moscow gửi tin hôm 25/4”, toàn bộ bài viết biến tuyên bố chung này thành tin tức thuần túy không liên quan đến cục diện quốc tế hiện nay, dùng điệu bộ cố giả vờ lạnh nhạt để che giấu sự lúng túng trong lòng.
Quan hệ Trung – Nga có đến cả trăm năm ân oán, trải qua 3 giai đoạn thay đổi lớn “coi Nga là thầy, coi Nga là địch, coi Nga là bạn”. Nhưng ngay cả bản thân người Trung Quốc cũng biết, trong giai đoạn hiện tại “coi Nga là bạn” có chút miễn cưỡng, Bắc Kinh hy vọng giao hảo với Nga, cùng nhau đối kháng Mỹ, áp chế phương Tây. Nhưng Nga đối với Trung Quốc lại luôn là bề ngoài thì như bạn, còn trong lòng thì lạnh nhạt, cách vài năm lại phát tiết một lần về vấn đề di dân Trung Quốc, Trung Quốc chỉ đành giả câm giả điếc. Ông Trump đối với ông Putin vẫn luôn giữ thái độ hữu hảo, chỉ vì thế lực chống Nga trong nước Mỹ quá mạnh, bao gồm cả phe kiến chế trong Đảng Cộng hòa cũng giữ thái độ chống Nga, cộng thêm ảnh hưởng sự kiện cáo buộc thông đồng với Nga, nên mới buộc ông phải giữ khoảng cách với ông Putin. Hiện tại Tổng thống Mỹ mượn cơ hội kỷ niệm Ngày Elbe, lý do không thể công khai phản đối, biểu đạt ý xích lại gần nhau, với chiều hướng như thế này, Trung Quốc làm sao không đề phòng cho được?
Nga bị ảnh hưởng nặng do dịch bệnh
Số lượng di dân Trung Quốc tại Nga, cả hai nước Nga và Trung Quốc đều không có con số chính xác, phía Trung Quốc cho rằng chỉ có khoảng 300.000 người, còn phía Nga lại cho rằng có đến cả triệu người. Nhà nhân khẩu học của Nga ước tính, nếu mối quan hệ chặt chẽ giữa Nga và Trung Quốc được tiếp tục, thì đến khoảng năm 2050, người Trung Quốc có khả năng trở thành dân tộc lớn thứ hai của Nga. Hiện tại, người Tatars là dân tộc lớn thứ hai sau người Nga.
Sở dĩ hai nước Nga và Trung có thể giữ mối quan hệ hữu hảo, về chính trị đều là do Mỹ và châu Âu từ chối Nga; về kinh tế, giữa hai nước này có sự ràng buộc về dầu mỏ. Tuy nhiên dịch bệnh lần này quá nghiêm trọng, đã mang đến biến số cho mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc. Người Trung Quốc đi lại liên tục giữa Nga và Trung Quốc, đầu tiên đã đem đến đe dọa về dịch bệnh cho Nga; sau khi dịch bệnh tại Nga trở nên nghiêm trọng, những người này lại muốn về nước, lại trở thành người nhập khẩu virus từ bên ngoài vào Trung Quốc.
Hai tháng trước, Nga coi Trung Quốc như nguồn virus và là mối đe dọa chủ yếu. Lần dịch bệnh này, mặc dù Nga ngay từ đầu đã áp dụng một số sách lược phòng chống dịch, khiến nhiều người Hoa tại Nga lúng túng không biết làm sao hơn, gần đây Nga còn có nguy cơ trở thành nước có dịch bệnh nghiêm trọng. Giữa tháng Ba đến giữa tháng Tư, ông Tập Cận Bình và ông Putin đã có 2 lần nói chuyện điện thoại, theo phân tích của chuyên gia quan hệ Trung – Nga, do giá dầu thô giảm mạnh, Ả Rập Saudi chiếm lĩnh thị phần Nga, lần điện đàm đầu tiên có thể là liên quan đến Ả Rập Saudi và ông Putin đề xuất Trung Quốc mua dầu mỏ của Nga. Lần thứ hai có thể là ông Tập Cận Bình yêu cầu ông Putin không nên đuổi người Trung Quốc về nước, tránh gây thêm áp lực phòng chống dịch cho Trung Quốc. Mặc dù vậy, từ giữa tháng Tư tới nay, dịch bệnh tại Nga cũng liên tiếp trầm trọng, chuyên gia bệnh truyền nhiễm Nga dự tính, Nga có thể đón đỉnh dịch từ tháng Sáu đến tháng Bảy tới, còn trong vài tuần tới, Nga có thể sẽ đón “thời khắc khó khăn”.
Dịch bệnh đã thay đổi nhiều kế hoạch lớn của ông Putin
Ấn bản địa chính trị của tờ Le Monde (tại Pháp) đã xuất bản một bài viết chuyên đề của tác giả Sylvie- Kauffmann, bài viết nói dịch viêm phổi Vũ Hán đã hủy tất cả các kế hoạch lớn của Tổng thống Putin: Giá dầu mỏ giảm mạnh, tháng Năm dịch bệnh tại Nga đạt đỉnh điểm, trưng cầu dự thảo hiến pháp và đại diễu hành yêu nước đều bị trì hoãn.
Bài viết này chỉ ra, Nga dự định trưng cầu toàn dân vào ngày 22/4, để biểu quyết về dự thảo cải cách hiến pháp. Dự thảo hiến pháp này được toàn dân thông qua vốn không thành vấn đề. Tổng thống Putin dày công đưa ra dự thảo hiến pháp này, có thể giúp ông làm Tổng thống đến năm 2036. Mặc dù từ luật pháp mà nói, trình tự trưng cầu dân ý này không phải là điều cần thiết, nhưng ánh hào quang chụp lên sự ủng hộ của toàn dân chính là tính hợp pháp cao độ.
Dù vậy, kế hoạch này đã bị dịch viêm phổi Vũ Hán can nhiễu. Dịch bệnh tại Nga xuất hiện muộn hơn so với Tây Âu, dự tính đến tháng Năm sẽ đạt đỉnh. Vì thế mà ông Putin đã phải trì hoãn cuộc trưng cầu hiến pháp, nhưng không xác định trì hoãn đến thời điểm nào, không ai biết đến khi nào thì cử tri mới có thể bỏ phiếu một cách an toàn, hơn nữa những bất ổn kinh tế càng cần phải suy xét: Ai lại muốn chọn thời khắc mà tỷ lệ thất nghiệp toàn dân cao nhất và thu nhập thấp nhất để tiến hành bỏ phiếu toàn dân?
Sự thực nói trên, có thể suy đoán ông Putin hận Trung Quốc vì trận dịch bệnh này đến nhường nào.
Ràng buộc về dầu mỏ giữa Trung Quốc và Nga
Dù ông Putin tức giận, nhưng không thể không nhẫn chịu, bởi vì hiện tại ông vẫn còn đối mặt với một cuộc chiến khác: Cuộc chiến dầu mỏ. Trong cuộc chiến giá cả với OPEC, ông cần có sự giúp đỡ của Trung Quốc.
Hiện tại, Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, nguồn nhập khẩu đến từ khoảng 50 quốc gia và khu vực trên thế giới. Từ năm 2016 đến nay, Nga, Angola, Ả Rập Saudi đều ổn định ở 3 vị trí đầu, và Nga dần dần chiếm ưu thế. Chỉ có năm 2019, Ả Rập Saudi xuất khẩu tổng lượng dầu mỏ sang Trung Quốc vượt qua của Nga.
Dầu mỏ đối với kinh tế và tài chính của Nga là cực kỳ quan trọng, chiếm khoảng 15% GDP của Nga, gấp 2 lần so với Mỹ. GDP của Nga có liên quan đến 99% sự biến động của giá dầu mỏ. Năm nay, dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát tại Trung Quốc khiến kinh tế toàn cầu đình trệ, nhu cầu đối với dầu thô giảm mạnh, các nước sản xuất dầu mỏ tiếp tục phát động chiến tranh dầu mỏ. Khác với “chiến tranh dầu mỏ” mà trước đây Ả Rập Saudi phát động, “chiến tranh dầu mỏ” lần này chồng lên dịch bệnh tràn lan gây ức chế nền kinh tế, khiến “sức sát thương” của nó đối với giá dầu mỏ còn lớn hơn, ảnh hưởng cũng sâu xa hơn. Ảnh hưởng trực tiếp hiện nay là: Nước nhập khẩu dầu mỏ thu lợi từ “cuộc chiến” này, nhất là Trung Quốc và châu Âu, do dịch bệnh phổ biến gây ra khiến sản xuất sụt giảm, giá tài nguyên thấp giúp họ rất nhiều.
Mối quan hệ không tốt giữa Nga và châu Âu đã có từ lâu, Nga chỉ có thể mong rằng Trung Quốc tiếp tục giữ nhu cầu đối với dầu mỏ của Nga. Điều này rất quan trọng đối với tài chính của Nga, và có thể nhìn thấy qua tổng giá trị dầu mỏ mà Nga xuất khẩu sang Trung Quốc trong 3 năm gần đây: Năm 2017 là 18,3 tỷ USD; năm 2018 là 32,3 tỷ USD; năm 2019 là 31,7 tỷ USD.
Kinh tế của Nga dựa quá nhiều vào thu nhập từ dầu mỏ và khí đốt tự nhiên. Trước lúc dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát, kinh tế của Nga đã chững lại. Viễn cảnh giá dầu thô giảm mạnh, đối với Nga mà nói đúng là một thảm họa. Bởi vì dự toán của Chính phủ Nga là tính toán trên cơ sở thu nhập mỗi thùng dầu thô giá 42,5 USD.
Đây chính là nguyên nhân dù thế nào thì ông Putin cũng không trở mặt với Trung Quốc.
Trung Quốc dù thế nào cũng không muốn có thêm kẻ địch
Hiện tại, không ít quốc gia đang nghĩ lại: Khủng hoảng viêm phổi Vũ Hán cho thấy, thế giới với một Trung Quốc lớn mạnh, cuộc sống sẽ phải trả giá to lớn. Trung Quốc mặc dù ăn nói ngang ngạnh, nhưng cũng biết bản thân đang ở hoàn cảnh tứ bề thọ địch. Tổng thống Mỹ, Nga phát biểu tuyên bố chung nhân dịp 75 năm Ngày Elbe, nói “‘tinh thần sông Elbe’ là Nga – Mỹ buông bỏ kỳ thị, xây dựng tín nhiệm và triển khai hợp tác để thực hiện mục tiêu chung”, việc này ắt khiến Trung Quốc nhớ lại chuyện cũ: Thời kỳ chiến tranh lạnh, vì để đối phó với Liên Xô, Mỹ đã xác định phương châm chiến lược quốc tế liên kết với Trung Quốc để chế phục Liên Xô, thế là ông Henry Kissinger đã phụng lệnh của ông Richard Nixon triển khai hành trình phá băng, từ đó vị thế quốc tế của Trung Quốc ngày càng lớn hơn, cánh cửa của thế giới phương Tây cũng mở rộng với Trung Quốc. Trải qua hàng chục năm mưa gió, quan hệ Trung – Mỹ trở lại trạng thái đối địch trước hành trình phá băng. Trong tình cảnh như vậy, khi Trung Quốc nghe thấy những lời này thì họ sẽ không vui biết nhường nào.
Tuy nhiên, Trung Quốc xác thực không muốn tăng thêm một kẻ địch mạnh, huống hồ ĐCSTQ còn chuẩn bị tiếp tục dốc sức cho cuộc đọ sức chính trị trong nước Mỹ, hy vọng ông Joe Biden của Đảng Dân chủ chiến thắng cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020. Hiện tại, Đảng Dân chủ đang cố gắng muốn chuyển chủ đề vô cùng bất lợi cho họ như kinh tế, di dân thành chủ đề dịch bệnh; Trung Quốc lại thông qua các kiểu tuyên truyền để bôi nhọ ông Trump. Đảng Dân chủ ngày càng tả hóa và phe cánh tả của Mỹ về cơ bản tín phụng Chủ nghĩa Mác, vì để vạch rõ giới hạn về hình thái ý thức với Liên Xô cũ, nên vẫn luôn giữ thái độ đối địch với Nga, một khi ông Trump mất vị trí trong Nhà Trắng, thì mối quan hệ Nga – Mỹ sẽ khó có tiến triển.
Đây chính là nguyên nhân mặc dù Trung Quốc nổi cáu với tuyên bố chung của Mỹ và Nga ngày 25/4, nhưng lại không phái ‘chiến lang’ ra ‘cắn’ ông Putin.
Hà Thanh Liên (Theo RFA tiếng Trung)
(Bài viết thể hiện lập trường và quan điểm của cá nhân tác giả)
Xem thêm:
Từ khóa Trung Quốc Nga Donald Trump quan hệ quốc tế Dòng sự kiện Putin Tập Cận Bình