Nghị viện Châu Âu kêu gọi tẩy chay Thế vận hội 2022 khi ông Tập vận động hành lang Hy Lạp
Ngày 8/7, các nhà lập pháp trong Nghị viện châu Âu đã thông qua nghị quyết mới về Hồng Kông, đồng thời kêu gọi giới chức châu Âu “từ chối lời mời” tham dự Thế vận hội mùa đông 2022 ở Bắc Kinh do Trung Quốc vi phạm nhân quyền.
Các nhà lập pháp trong Nghị viện Châu Âu kêu gọi tẩy chay Thế vận hội 2022 (Ảnh: Getty Images)
“Rõ ràng là nhiều quốc gia thành viên EU và cả Ủy ban châu Âu lên tiếng phản đối các biện pháp đàn áp của Trung Quốc ở Hồng Kông nhưng khá miễn cưỡng,” ông Reinhard Butikofer, Chủ tịch phái đoàn Trung Quốc của Nghị viện châu Âu tại Đức phát biểu hôm 8/7. “Dù vậy, sự đồng thuận về những vấn đề này trong Nghị viện châu Âu hết sức mạnh mẽ. Chúng tôi sẽ đấu tranh để đảm bảo rằng các chính phủ thành viên ở châu Âu cũng có lập trường kiên định.”
Trung Quốc đang phải đối mặt với sự chỉ trích ngày càng gia tăng trên khắp Liên minh châu Âu, cho dù nhiều quốc gia thành viên trong khối vẫn do dự về một cuộc đối đầu trực tiếp với chính quyền cộng sản. Có thể thấy, hàng loạt tranh cãi về nhân quyền, đặc biệt là cuộc đàn áp tàn bạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với nhóm người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và cuộc đàn áp ở Hồng Kông, đã khiến Phương Tây chán ghét chế độ Bắc Kinh, ngay cả khi các nhà ngoại giao của Trung Quốc liên tiếp phủ nhận bất kỳ hành động sai trái nào và thề sẽ “đáp trả” lại những lời chỉ trích đó.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân tuyên bố hôm 8/7: “Trung Quốc kiên quyết phản đối việc viện cớ nhân quyền để chính trị hóa thể thao và can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác. Những nỗ lực gây rối, cản trở và phá hoại việc chuẩn bị và tổ chức Thế vận hội Olympic Mùa đông Bắc Kinh vì động cơ chính trị là vô cùng vô trách nhiệm, và sẽ chỉ gây tổn hại đến lợi ích của các vận động viên tại tất cả các quốc gia, cũng như sự nghiệp Olympic quốc tế.”
Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình đã phản đối nghị quyết của Nghị viện châu Âu bằng cách chuyển hướng sang vận động Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis. Ông này đã khẳng định sẽ tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường vào tháng trước, bất chấp cảnh báo ngoại giao của Mỹ rằng “chính Trung Quốc đã xác định [Hy Lạp] là đầu tàu” trong cuộc chơi nhằm tạo ảnh hưởng kinh tế ở châu Âu. Hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng “quan hệ song phương của họ đang ở cao độ, có thể phát huy mối quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Hy Lạp và Trung Quốc”, phía Hy Lạp nhấn mạnh trong một bản tóm tắt cuộc điện đàm.
“Ông Tập đã mời ông Mitsotakis tham dự Thế vận hội Mùa đông 2022 vốn dự kiến tổ chức tại Bắc Kinh và Thủ tướng Hy Lạp đã chấp nhận lời mời,” theo bản tóm tắt.
Đại sứ Hy Lạp tại NATO Spiros Lambridis nhận định, Athens không coi việc đầu tư của Trung Quốc vào Hy Lạp ảnh hưởng đến “mối quan hệ chiến lược với một đối tác khác”, đồng thời cho rằng các thỏa thuận đạt được cho đến nay có thể cùng tồn tại với các nghĩa vụ của nước này với tư cách là thành viên của NATO và EU.
Hiện tại, việc Trung Quốc muốn vận động để tiếp cận các quốc gia châu Âu như Hy Lạp đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tại các nước hậu Liên Xô coi Hoa Kỳ là thành lũy không thể thay thế của họ nhằm chống lại Nga. Ví dụ, Lithuania đã lật mặt vào phút chót trong việc tham gia cái gọi là “Đối thoại 17 + 1” với các quốc gia Nam và Đông Âu hồi tháng 5, sau khi ‘chơi xỏ’ ông Tập bằng cách cử các quan chức cấp thấp hơn tới hội nghị thượng đỉnh trực tuyến 17 + 1 vào tháng 2 – khi nhà lãnh đạo cộng sản dự kiến gặp riêng các nguyên thủ quốc gia.
Tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Lithuania Gabrielius Landsbergis khẳng định, tổ chức nhóm 17 + 1 này gây chia rẽ và không hề có lợi cho châu Âu.
Các quan chức Lithuania đang thúc đẩy việc hoàn toàn loại thoát khỏi hình thức đó và thay thế bằng “nhóm 27 + 1”, trong đó đưa mọi thành viên của EU vào một cuộc đối thoại duy nhất với Trung Quốc. Nỗ lực này cũng có nhằm hạn chế chính sách ngoại giao đặc biệt của Pháp và Đức, những đối thủ nặng ký ở phía Tây của EU.
Các quan chức Pháp và Đức hiện được cho là đã tiến hành ký kết thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc trong quá trình chuyển đổi từ chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump sang nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden. Tuy nhiên, Nghị viện châu Âu đã đóng băng thỏa thuận đó sau khi Trung Quốc trừng phạt các quan chức châu Âu vì lên án Bắc Kinh lạm dụng nhân quyền.
Minh Ngọc (Theo Washington Examiner)
Xem thêm:
Từ khóa Thế vận hội mùa Đông 2022 Tẩy chay Thế vận hội Mùa đông Nghị viện châu Âu Dòng sự kiện