Làn sóng kêu gọi tẩy chay Thế vận hội Mùa đông tại Bắc Kinh không ngừng gia tăng
- Minh Ngọc
- •
Chỉ còn chưa đầy một năm nữa là đến Thế vận hội Mùa đông ở Bắc Kinh, ngày càng có nhiều lời kêu gọi các quốc gia trên thế giới tẩy chay sự kiện thể thao này do chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn tiếp tục đàn áp nhân quyền và thậm chí phạm tội diệt chủng.
Tại Hoa Kỳ, các nhà lập pháp của Đảng Cộng hòa đã kêu gọi chuyển Thế vận hội khỏi Bắc Kinh, nếu không sẽ tẩy chay sự kiện này. Họ chỉ ra rằng, chiến dịch đàn áp sâu rộng của chính quyền ĐCSTQ đối với các nhóm dân tộc thiểu số, tín đồ tôn giáo và những người bất đồng chính kiến vẫn không ngừng diễn ra. Đặc biệt, những hành vi vi phạm nhân quyền với cộng đồng Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở khu vực tự trị Tân Cương còn từng bị chính quyền Tổng thống Trump tuyên bố là tội ác diệt chủng.
Các nhà lập pháp ở Canada và Vương quốc Anh, cũng như hơn 100 nhóm nhân quyền trên khắp thế giới cũng đưa ra lời kêu gọi tương tự. Quốc hội Canada hồi tháng Hai thậm chí còn thông qua một kiến nghị tuyên bố cuộc đàn áp của ĐCSTQ ở Tân Cương là tội ác diệt chủng, đồng thời thúc giục Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) chuyển Thế vận hội khỏi Trung Quốc.
Gần đây nhất, Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ của Đảng Cộng hòa Rick Scott (tiểu bang Florida) đã viết thư cho ông Joe Biden hôm 25/2, đề xuất một cuộc họp nhằm thảo luận về những nỗ lực chuyển Thế vận hội Mùa đông 2022 sang quốc gia khác.
“Dù ở bất kỳ tình huống nào, cộng đồng toàn cầu không nên trao cho Trung Quốc Cộng sản một diễn đàn quốc tế để họ minh oan cho tội ác của mình. Và điều đó sẽ xảy ra nếu họ được phép đăng cai Thế vận hội Olympic 2022 tại Bắc Kinh,” Thượng nghị sĩ Scott viết trong thư.
Một số nhà lập pháp khác của Hoa Kỳ cũng đã đề xuất các nghị quyết thúc đẩy việc chuyển Thế vận hội Mùa đông khỏi Bắc Kinh, trong đó có Dân biểu Đảng Cộng hòa Michael Waltz (tiểu bang Florida). Ông Michael Waltz nhấn mạnh việc ĐCSTQ đàn áp đẫm máu những người biểu tình dân chủ ở Hồng Kông và che đậy nguồn gốc virus Trung Cộng gây ra đại dịch COVID-19. Vì những lý do này, việc Bắc Kinh trở thành chủ nhà của Thế vận hội sắp tới là hết sức “vô đạo đức, trái với luân thường đạo lý và sai trái”.
Trong một bài bình luận gần đây, Cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley, một ứng cử viên tổng thống tiềm năng của Đảng Cộng hòa năm 2024, cũng kêu gọi tẩy chay sự kiện quốc tế này.
Bà Haley nhận định: “Nếu Hoa Kỳ tẩy chay Thế vận hội Mùa đông, điều đó đồng nghĩa với việc đưa ra thông điệp chắc chắn rằng, sự chuyên chế và những lời đe dọa của Trung Quốc là không thể chấp nhận được.”
Tuy nhiên, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki hôm 25/2 nói rằng, Hoa Kỳ chưa đưa ra “quyết định cuối cùng” về việc nước này có tham gia Thế vận hội Bắc Kinh hay không, đồng thời nói thêm rằng họ sẽ tìm kiếm “hướng dẫn từ Ủy ban Olympic Hoa Kỳ”. Hồi đầu tháng Hai, bà Psaki từng úp mở rằng Nhà trắng không có kế hoạch tẩy chay Thế vận hội.
Phía Ủy ban Olympic Hoa Kỳ cũng khẳng định, họ phản đối việc tẩy chay sự kiện thể thao này. Phát ngôn viên của ủy ban cho biết: “Chúng tôi phản đối việc tẩy chay Thế vận hội, bởi điều đó được chứng minh là có tác động tiêu cực đến các vận động viên trong khi không giải quyết hiệu quả các vấn đề toàn cầu.”
Trong bài bình luận của mình, bà Haley bày tỏ sự không đồng ý với những nhận định về việc “việc tẩy chay là không có hiệu quả”, và cho rằng những lập luận như vậy thể hiện sự “thiếu hiểu biết về ngoại giao”.
“Khi để cho đối tác của mình thoát khỏi tội diệt chủng, mà ở đây chính là Trung Quốc, các bạn đang tham gia đàm phán ở thế yếu kém. Còn nếu các bạn giữ vững lập trường về những vấn đề không thể thương lượng, các bạn sẽ có vị thế mạnh mẽ,” bà viết .
“Bỏ qua những hành động xấu xa của Trung Quốc cũng chính là không có cách nào để ngăn chặn những hành động đó trong tương lai, ít đạt được tiến triển trong các vấn đề kinh tế và an ninh trọng yếu khác.”
Trước làn sóng kêu gọi tẩy chay này, phía chính quyền Trung Quốc đã lớn tiếng cáo buộc các quốc đang chính trị hóa Thế vận hội. Ông Hồ Tích Tiến, tổng biên tập của tờ Hoàn cầu Thời báo (Global Times), cơ quan ngôn luận của nhà nước Trung Quốc, cũng đã lên Twitter để đe dọa sẽ trừng phạt thương mại các nước quyết định tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh.
Theo ông Miles Yu, cựu cố vấn chính về Trung Quốc cho cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, mặc dù Bắc Kinh khăng khăng lập luận rằng nên tách biệt thể thao và chính trị, nhưng chế độ này thực sự coi chính trị và thể thao về cơ bản là giống nhau.
Bắc Kinh lợi dụng “các sự kiện thể thao quốc tế như Thế vận hội để tuyên truyền về sự vĩ đại toàn diện của Đảng Cộng sản — nhằm chứng minh cho thế giới thấy Trung Quốc là một quốc gia mà không ai có thể bị chỉ trích, cho dù họ có làm gì đi nữa,” ông Yu nói trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times.
“Vì vậy, chính là Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chính trị hóa các sự kiện thể thao quốc tế như Thế vận hội.”
Ông Yu còn nói rằng thế giới nên rút ra bài học từ những gì đã diễn ra sau khi Bắc Kinh được trao quyền đăng cai Thế vận hội Mùa hè 2008.
“Ủy ban Quốc tế đã theo sát, với hy vọng chân thành rằng những sự kiện thể thao quốc tế như vậy được tổ chức ở Bắc Kinh sẽ buộc Trung Quốc – ít nhất là những nhà cải cách trong Đảng Cộng sản – phải cải tổ và thay đổi.”
Thế nhưng, mục đích đó hoàn toàn không đạt được. Trái lại, Thế vận hội 2008 lại khởi tác dụng như một dịp để nâng cao hình ảnh của ĐCSTQ cả trong và ngoài nước.
Ông nói: “Sự kiện đó không chỉ giúp Trung Quốc có được thanh thế to lớn, mà còn đưa đến cho Đảng Cộng sản Trung Quốc một cơ hội tuyệt vời để đánh bóng cho bản thân là đại diện cho chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc.”
Trước thềm Thế vận hội 2008, chế độ này đã tăng cường đàn áp các nhà hoạt động, phóng viên và các nhóm tín ngưỡng, lo sợ rằng những nhân sĩ này sẽ tận dụng sự hiện diện của truyền thông quốc tế trong Thế vận hội nhằm phơi bày những vấn nạn về nhân quyền trong nước.
Các nhà hoạt động lên tiếng kêu gọi tẩy chay Thế vận hội, hoặc thu hút sự chú ý đến những vi phạm nhân quyền của chế độ đều đã bị bắt giam. ĐCSTQ cũng gia tăng việc giam giữ các học viên Pháp Luân Công, đặc biệt là những người sống ở các khu vực gần các địa điểm tổ chức Thế vận hội, trước thềm sự kiện. Ngoài ra, những ai đứng ra kiện và phản đối Bắc Kinh cưỡng chế trục xuất và phá dỡ nhà cửa của người dân để xây dựng các công trình liên quan liên quan đến Thế vận hội cũng đã bị bắt giữ.
Ông Gordon Chang (Ảnh: Getty Images)
Ông Gordon Chang, tác giả của cuốn “Sự sụp đổ sắp tới của Trung Quốc”, đã khuyến nghị IOC cấm các vận động viên Trung Quốc thi đấu tại Thế vận hội 2022, với lý do họ đã từng cấm Nam Phi tham gia Thế vận hội Mùa hè 1964 ở Tokyo vì chính sách phân biệt chủng tộc của chính quyền này khi họ chỉ cho phép các vận động viên da trắng đại diện cho đất nước.
Ông Chang nói với The Epoch Times rằng Trung Quốc cũng nên bị cấm, vì “một lượng lớn dân số ở Trung Quốc không được phép tham gia các hoạt động thể thao” bởi họ đang bị bức hại hoặc bị giam giữ trong các trại tập trung.
“Chúng ta không cần một Thế vận hội 1936 nữa,” ông Chang nhấn mạnh khi đề cập đến thời điểm Đức Quốc xã đăng cai Thế vận hội.
“Chúng ta cũng không cần một Thế vận hội 2008 nữa, sự kiện đó về cơ bản chỉ cổ vũ chủ nghĩa toàn trị với những màn thể hiện ghê sợ. Chúng ta không cần phải lặp lại điều này một lần nữa.”
Minh Ngọc (Theo The Epoch Times)
Xem thêm:
Từ khóa ĐCSTQ Đàn áp nhân quyền Thế vận hội mùa Đông 2022 Tẩy chay Thế vận hội Mùa đông Tội diệt chủng Dòng sự kiện