Nghiên cứu: 86% ca COVID-19 không được ghi nhận trước thời điểm phong tỏa Vũ Hán
- Như Ngọc
- •
Một báo cáo nghiên cứu của các nhà khoa học từ Mỹ, Anh, Hồng Kông, Trung Quốc do Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ tài trợ chi phí, đăng trên tạp chí Science hôm 16/3 chỉ ra rằng khoảng 86% ca viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) đã không được báo cáo tại Trung Quốc trước khi chính quyền nước này phong tỏa thành phố Vũ Hán ngày 23/1. Nghiên cứu cho rằng những ca bệnh “tàng hình” này đã góp phần lây lan nhanh chóng virus corona ra toàn Trung Quốc và hiện nay là toàn thế giới.
Nghiên cứu nêu trên do 6 nhà khoa học thực hiện, gồm Ruiyun Li (Đại học Hoàng gia London), Sen Pei và Jeffrey Shaman (Đại học Columbia, New York), Bin Chen (Đại học California), Yimeng Song (Đại học Hồng Kông) và Tao Zhang (Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh).
Sử dụng một mô hình máy tính, các nhà khoa học nêu trên đã rút ra kết luận quan trọng: 86% người nhiễm virus corona chủng mới tại Vũ Hán trước thời điểm phong tỏa là không được ghi nhận, những trường hợp bệnh nhân không được báo cáo chính thức này đã truyền nhiễm cho khoảng 55% số ca bệnh được báo cáo.
Nghiên cứu nhận định rằng: “Tỷ trọng các ca nhiễm không được ghi nhận là đặc điểm dịch tễ quan trọng chi phối đến khả năng gây đại dịch của virus gây bệnh đường hô hấp mới bùng phát này. Những ca bệnh không được ghi nhận này thường chỉ có triệu chứng nhẹ, hạn chế hoặc không có triệu chứng và do đó không được nhận biết, và tùy thuộc vào mức độ lây nhiễm và số lượng của chúng, có thể làm cho phần lớn dân số bị nhiễm virus nhanh hơn so với trường hợp khác”.
Nghiên cứu nhận định rằng tỷ lệ cao những ca COVID-19 không được ghi nhận khả năng đã góp phần rất lớn vào việc khiến loại virus chết người này lây lan nhanh chóng từ Vũ Hán ra khắp Trung Quốc.
Qua những phát hiện từ nghiên cứu, các chuyên gia khuyến nghị rằng cần phải tăng cường triệt để việc xét nghiệm xác định bệnh và cách ly các bệnh nhân hiện tại đã nhiễm bệnh nhưng không có giấy tờ xác nhận để từ đó giúp kiểm soát hoàn toàn virus corona chủng mới.
Các chuyên gia cũng cho rằng việc tăng cường thông tin cho công chúng nhận thức về virus corona đã làm gia tăng tỷ lệ người có triệu chứng bệnh tìm đến các cơ sở y tế để được điều trị.
Báo cáo nghiên cứu cũng đề cập tới đại dịch cúm H1N1 năm 2009. Cũng giống như dịch viêm phổi Vũ Hán hiện nay, dịch cúm H1N1 ban đầu cũng gây ra nhiều ca bệnh nhẹ, sau đó nhanh chóng lây lan khắp toàn cầu và trở thành đại dịch.
Tính đến hết ngày 17/3, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, số ca nhiễm virus corona chủng mới trên toàn cầu đã tăng lên hơn 197.000 và gần 8.000 ca tử vong.
Như Ngọc
Xem thêm:
Từ khóa virus corona viêm phổi Vũ Hán COVID-19 Nghiên cứu Dòng sự kiện