Người dân Palestine biểu tình phản đối Hamas cầm quyền tại Dải Gaza
- Tân Bình
- •
Hàng nghìn người Palestine tối thứ Năm (4/1) đã tràn xuống đường tuần hành phản đối các điều kiện kinh tế và nhân đạo ngày càng xấu đi tại Dải Gaza – khu vực đặt dưới sự kiểm soát hoàn toàn của Phong trào Hồi giáo Hamas.
Thời báo Israel cho hay những người biểu tình hướng sự tức giận trực tiếp vào cả Nhà cầm quyền Palestine, Tổng thống Mahmoud Abbas và lực lượng Hamas. Người biểu tình kêu gọi các nhà lãnh đạo Palestine phải giải quyết những yêu cầu của họ.
Hồi đầu tháng 12/2017, người dân Palestine xuống đường biểu tình phản đối Hamas.
Hamas là phong trào Hồi giáo của người Palestine được thành lập năm 1987 với mục tiêu lập lên nhà nước Palestine trên cơ sở lãnh thổ của nước Israel và khu vực Bờ Tây sông Jordan. Năm 2006, Hamas đã đánh bại nhóm Fatah trong cuộc bầu cử Chính quyền Quốc gia Palestine.
Mỹ, Liên minh Châu Âu, Nhật Bản và nhiều nước khác liệt Hamas vào danh sách tổ chức khủng bố.
Những hình ảnh được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy người biểu tình Palestine mang theo các hiệu ngữ như: “Đâu là tương lai”, “Chúng tôi muốn có điện” và “Yêu cầu của chúng tôi là công lý, cuộc sống tự do và công bằng xã hội”.
Ngoài ra, người biểu tình cũng cầm các áp-phích với dòng chữ “hãy mở các rào chắn” – đề cập tới Rào chắn Biên giới Rafah ngăn dòng người từ Dải Gaza sang Ai Cập. Khu vực biên giới này đã bị phong tỏa trong nhiều năm qua, khiến nhiều người dân ở Dải Gaza không thể rời khu vực ven biển này.
Cuộc biểu tình của người Palestine diễn ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đe dọa cắt việc trợ tới Palestine vì không hài lòng với tiến trình hòa bình Trung Đông và Nhà cầm quyền Palestien từ chối quay lại bàn đàm phán với Israel.
>>Ông Trump dọa dừng viện trợ cho Palestine vì tranh cãi liên quan đến Jerusalem
Nguyên nhân trực tiếp dẫn tới cuộc biểu tình có thể là do người dân Palestine đã quá bức xúc với điều kiện sống và kinh tế ngày càng khó khăn trong những tháng vừa qua do hàng loạt các chế tài mà Nhà cầm quyền áp đặt lên họ sau một cuộc đấu tranh quyền lực giữa hai hóm Hamas* và Fatah**. Những chế tài này bao gồm việc cắt điện tại bất cứ nơi nào trong Dải Gaza từ hai tới sáu tiếng mỗi ngày.
Mặc dù Ai Cập đã làm trung gian hòa giải để giải quyết mâu thuẫn giữa hai nhóm Hamas và Fatah, nhưng tình hình vẫn không mấy tiến triển. Vào đầu tháng 12/2017, Hamas tuyên bố họ đã kiểm soát hoàn toàn tất cả các bộ của chính quyền Palestine, nhưng nhà đàm phán cấp cao bên phía Fatah sau đó cho biết “những trở ngại” vẫn duy trì.
Theo Thời báo Israel, hiện nay Phong trào Hồi giáo Hamas vẫn tiếp tục giữ vũ khí và khí tài quân sự. Câu hỏi về số phận của lực lượng quân sự mạnh mẽ 25.000 quân của Hamas đã là trở ngại chính trong các cuộc đàm phán hòa giải với Fatah và dấy lên các nghi vấn về cam kết của phong trào này đối với sự thống nhất tại Palestine.
(*) Hamas là phong trào Hồi giáo của người Palestine được thành lập năm 1987 với mục tiêu thành lập nhà nước Palestine trên cơ sở lãnh thổ của nước Israel và khu vực Bờ Tây sông Jordan. Năm 2006, Hamas đã đánh bại nhóm Fatah trong cuộc bầu cử Chính quyền Quốc gia Palestine.
(**) Fatah là tổ chức quân sự và chính trị của người Palestine được thành lập năm 1958 bởi ông Yasser Arafat và những người khác, với mục tiêu thành lập nhà nước Palestine. Fatah đã lãnh đạo Tổ chức Giải phóng Palestine từ những năm 1960, nhưng thời gian gần đây đã bị thách thức bởi nhiều nhóm cực đoan, và trong năm 2006 đã bị Hamas đánh bại trong cuộc bầu cử Chính quyền Quốc gia Palestine.
Tân Bình
Xem thêm:
Từ khóa biểu tình Palestine Hamas