Nhiều động thái Trung Quốc phía sau Hội đàm Trump – Kim sắp diễn ra
- Huệ Anh
- •
Gần đây kế hoạch Hội đàm Trump – Kim gặp nhiều rắc rối, nhưng cuối cùng Tổng thống Mỹ Trump đã ấn định hội đàm sẽ được tổ chức theo đúng tiến độ vào ngày 12/6. Tuy nhiên, các chuyên gia đã đưa ra cảnh báo rằng Bắc Triều Tiên là một nguy cơ thực sự, còn Trung Quốc là một mối đe dọa lâu dài.
Hội đàm Trump – Kim sẽ được tổ chức tại Singapore vào ngày 12/6 (Ảnh: Getty Images)
Hội đàm Trump – Kim hồi sinh
Sau khi Tổng thống Mỹ Trump gặp Bộ trưởng Thống nhất Bắc Triều Tiên vào ngày 1/6 đã lập tức thông báo cho truyền thông tại khu sân cỏ của Nhà Trắng rằng Hội đàm Trump – Kim dự kiến tổ chức tại Singapore “vẫn tổ chức theo kế hoạch ban đầu”. Ông Trump cũng cảm ơn lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã “giúp chút việc”, ông chia sẻ rằng Hội đàm Trump – Kim sẽ có thỏa thuận lớn.
Ông Trump cho biết, ông không thể dự kiến sẽ ký được một thỏa thuận chấm dứt chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên ngay lập tức, nhưng tin rằng Bắc Triều Tiên đã chuẩn bị cho việc hoàn toàn từ bỏ chương trình hạt nhân, Trump nói: “Tôi biết họ muốn làm điều này”; nhưng đồng thời Trump cũng cho biết đã có kế hoạch chu đáo cho lệnh trừng phạt Bắc Triều Tiên với “hàng trăm điều khoản”, chờ đợi để đối phó.
Như vậy, Hội đàm Trump – Kim sắp tới sẽ là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ hiện tại và lãnh đạo Bắc Triều Tiên.
Tìm sự giúp đỡ vì không thể từ bỏ chế độ cộng sản?
Trong khi các cơ quan truyền thông lớn tập trung quan tâm Hội đàm Trump – Kim, vào ngày 3/6 nhật báo JoongAng của Hàn Quốc chia sẻ thông tin gây chú ý rằng, có quan chức ngoại giao tiết lộ trong Hội đàm Trump – Kim vào ngày 12/6 tại Singapore, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ tham gia. Nếu điều này xảy ra thì Hội đàm Trump – Kim sẽ trở thành hội đàm ba bên. Tuy nhiên, Nhà Xanh của Hàn Quốc đã bác bỏ thông tin này.
Cùng lúc, giới quan sát cũng đã lưu ý rằng Kim Jong-un không chỉ bận rộn cho việc gặp Trump, còn bận rộn cho chuyến đi Trung Quốc một lần nữa để tham gia hội đàm ba bên với Tập Cận Bình và Putin.
Do đó, nhiều quan sát suy đoán, phải chăng Kim Jong-un không muốn từ bỏ chế độ cộng sản và đang tìm sự giúp đỡ từ Trung Quốc và Nga?
Trên tờ Epoch Times tại Mỹ có đăng tải bài phân tích dài của tác giả Đường Hạo (Tang Hao), một biên tập viên kỳ cựu về vấn đề quốc tế, tác giả cho rằng chính quyền Cộng sản Trung Quốc và Bắc Triều Tiên dựa vào nhau trên trường quốc tế, Trung Quốc vừa giúp Bắc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân vừa cùng Bắc Triều Tiên diễn kịch trước cộng đồng quốc tế với “hai khuôn mặt đen và trắng” (phụ diện và chính diện). Bắc Triều Tiên diễn “mặt đen” gây chương trình hạt nhân đe dọa thế giới làm thế giới phẫn nộ, Trung Quốc đóng vai “mặt trắng” ra mặt hòa giải, khuyên Bắc Triều Tiên ngừng hành động khiêu khích, qua đó nâng cao vị thế của Trung Quốc trong các đàm phán quốc tế, và mặt khác vẫn thường xuyên cung cấp các biện pháp hỗ trợ khác nhau cho gia đình họ Kim duy trì chế độ tại Bắc Triều Tiên để có thể tiếp tục làm quân cờ cho Trung Quốc.
Kể từ năm 2003, phía Trung Quốc thông qua cơ chế “đàm phán sáu bên” và sách lược “hai bên cùng ngừng” (Mỹ – Hàn Quốc ngừng diễn tập quân sự, Bắc Triều Tiên ngừng khiêu khích tên lửa), làm cho vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên rơi vào vòng luẩn quẩn bế tắc, qua đó để gây khó khăn cho Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, cùng lúc tiếp tục bí mật giúp Bắc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân.
Mặc dù kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền, quan hệ Trung – Triều từng có lúc khủng hoảng, nhưng kể từ đầu năm nay quan hệ hai nước này đã ấm lại, cả hai lợi dụng nhau, cùng nhau diễn kịch trước cộng đồng quốc tế.
Trung Quốc và Bắc Triều Tiên hát bè, Trump chọn thời điểm ra tay
Ngày 23/1 năm nay, đang trong lúc Mỹ và Bắc Triều Tiên quan hệ căng thẳng, cuộc chiến ngôn từ diễn ra gay gắt, bất ngờ Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ là ông Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai) thông qua kênh truyền thông USA Today cho biết, “Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ để thống nhất bán đảo Triều Tiên”, nhưng phải được dựa trên nền tảng hòa bình và không gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.
Ngày hôm sau, truyền thông của Bắc Triều Tiên cho biết, Chính phủ và các đoàn thể của Bắc Triều Tiên đang tổ chức một cuộc họp chung tại Bình Nhưỡng, đã kêu gọi “cần sớm cải thiện quan hệ Bắc-Nam”, “Bắc-Nam mở rộng giao lưu và hợp tác”.
Ngày 25/1, Hãng Thông tấn Trung ương Bắc Triều Tiên có động thái hiếm thấy khi đăng bài viết nhắm vào người Bắc Triều Tiên trong và ngoài nước, theo đó cho biết chính phủ và các tổ chức đoàn thể Bắc Triều Tiên kêu gọi sớm tạo đột phá trong cải thiện quan hệ liên Triều, để hoàn thành “đại nghiệp thống nhất đất nước”.
Có nhận định cho rằng, việc cả hai bên Trung Quốc và Bắc Triều Tiên cùng nhau trong ba ngày liên tiếp ra kêu gọi thống nhất bán đảo như vậy cho thấy hai bên có trao đổi từ trước, sau đó cùng nhau diễn kịch để tháo gỡ tình trạng căng thẳng đang ngày càng kịch liệt giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên.
Sau đó, ngày 09/2, Hàn Quốc khởi động Thế vận hội Mùa Đông Pyeongchang; ngày 28/3, ông Tập Cận Bình đã lần đầu gặp gỡ ông Kim Jong-un; ngày 27/4, tại Hội đàm Kim – Moon, ông Kim Jong-un chủ động đề xuất cùng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in rằng hai bên trước tiên bàn về ý tưởng “thống nhất múi giờ”.
Ngày 05/5, vào 12 giờ đêm (thời gian Hàn Quốc), Bắc Triều Tiên đã ra lệnh cho đồng hồ Bắc Triều Tiên chạy nhanh thêm 30 phút cho thống nhất với giờ của Hàn Quốc, hoàn thành “thống nhất múi giờ”.
Vào ngày 8/5, Tập – Kim gặp lại nhau ở Đại Liên, sau đó ngay lập tức Kim Jong-un chuyển thái độ lạnh nhạt đối với Hội đàm Trump – Kim mà trước đó luôn rất hăng hái, thậm chí còn đe dọa ngừng hội đàm.
Nhưng cuối cùng chính Trump đã phá ý đồ của Kim Jong-un, lập tức tuyên bố hủy bỏ Hội đàm Trump – Kim. Động thái căng thẳng của Trump dường như hiệu quả lập tức, ngày 25/5 Bắc Triều Tiên cho biết “vẫn đang chờ đợi cùng họ (Mỹ) để đàm phán”.
Trước hàng loạt động thái “so găng” giữa Trump và Kim, nhiều nhà quan sát đã chỉ ra việc Bắc Triều Tiên dám công khai gào thét đối với Mỹ là vì có kẻ giật dây đằng sau: Trung Quốc.
Phía sau Trung Quốc là nỗi sợ chủ nghĩa cộng sản bị lật đổ
Trên Nikkei Nhật Bản, ông Kang in Duk, cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Hàn Quốc (KCIA) cho biết, sau khi Hội đàm Trump – Kim, nhiều khả năng Bắc Triều Tiên “trì hoãn và chờ đợi sự thay đổi” trong kế hoạch từ bỏ chương trình hạt nhân, do đó giai đoạn đầu khi thực hiện cụ thể hóa phi hạt nhân, Mỹ cần phải duy trì các biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên như hiện nay. Trong quá trình này, Trung Quốc đóng một vai trò cực kỳ quan trọng.
Ông cho rằng vì Trung Quốc ủng hộ chế độ cộng sản của ông Kim Jong-un, nên trong thực tế có thể buông lỏng biện pháp trừng phạt, chẳng hạn như để cho hoạt động kinh tế ở biên giới Trung – Triều hoạt động sôi nổi, trường hợp này cũng đã xảy ra. Trong bối cảnh quan hệ Mỹ và Bắc Triều Tiên còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết thì mức độ nào đó Trump đã có những hỗ trợ đáng kể từ phía Trung Quốc, điều này sẽ ảnh hưởng đến kết quả thực tế trong thỏa thuận giải trừ hạt nhân trong tương lai.
Tờ Daily Telegraph tại Anh dẫn lời Đô đốc Hải quân Mỹ Harris (Harry Harris) cho biết, mặc dù hiện nay việc giải quyết vấn đề hạt nhân đang có tiến triển, nhưng về lâu dài Trung Quốc mới là thách thức lớn nhất của Mỹ.
Tuy nhiên, Mỹ không cô độc. Do gần đây nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc liên tục tổ chức một loạt các hoạt động chính trị, kinh tế, ngoại giao, kinh doanh, giáo dục, văn hóa nhằm gây ảnh hưởng đối với nhiều nước trên thế giới, do đó các nước lớn trên thế giới đã đồng loạt nêu cao cảnh giác và chống lại Trung Quốc.
Hiện nay, mọi động thái của Trung Quốc về vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên luôn được các nước trên thế giới theo dõi chặt chẽ.
Huệ Anh
Xem thêm:
Từ khóa Bắc Triều Tiên trump Hội đàm Mỹ - Triều Kim Jong Un