Theo Reuters, việc phiến quân Syria chiếm được Aleppo từ tay Tổng thống Bashar al-Assad đã đưa cuộc nội chiến Syria trở lại tâm điểm, làm rung chuyển các tiền tuyến vốn đã im ắng trong nhiều năm, với những tác động đến khu vực và xa hơn nữa.

chien binh hoi giao Syria HTS
Hình ảnh về nững chiến binh thánh chiến Syria trên đường phố thành phố Aleppo, miền bắc Syria vào ngày 30 tháng 11 năm 2024. (Ảnh: BAKR AL KASSEM / AFP qua Getty Images)

Chuyện gì đang diễn ra?

Các phiến quân đã phát động cuộc tấn công bất ngờ vào ngày 26 tháng 11, tấn công từ các khu vực ở phía bắc và tây bắc Aleppo. Họ tràn vào thành phố vào ngày 29-30 tháng 11, đẩy lùi lực lượng chính phủ của ông al-Assad. 

Đây là lần đầu tiên quyền kiểm soát thành phố thay đổi kể từ năm 2016, thời điểm mà lực lượng chính phủ Syria, được Nga và Iran hậu thuẫn, đã đánh bại phiến quân kiểm soát các quận phía đông Aleppo.

Phiến quân đã đang đẩy mạnh tiến công vào các khu vực ở phía nam và tây nam Aleppo, chiếm được lãnh thổ ở tỉnh Hama.

Chính phủ Syria tuyên bố sẽ phản công. Nga đang tiến hành các cuộc không kích để hỗ trợ quân đội Syria. Nga đã triển khai lực lượng không quân tới Syria từ năm 2015 để giúp chính phủ Assad. 

Diễn biến mới nhất tại Syria hiện  là sự leo thang nghiêm trọng nhất của cuộc xung đột trong nhiều năm, làm tăng thêm số người chết lên tới hàng trăm nghìn người kể từ năm 2011, khi cuộc chiến bùng nổ sau cuộc nổi dậy Mùa xuân Ả Rập chống lại chế độ Assad. Kể từ đó, hơn một nửa dân số trước chiến tranh là 23 triệu người, đã phải rời bỏ nhà cửa, hàng triệu người phải chạy trốn ra nước ngoài để tị nạn.

Phiến quân là ai?

Cuộc tấn công được khởi xướng bởi Tổ chức giải phóng Hayat Tahrir al-Sham (HTS), trước đây được gọi là Mặt trận Nusra. Đây là cánh quân sự chính thức của al Qaeda trong cuộc chiến tranh Syria cho đến khi cắt đứt quan hệ vào năm 2016.

HTS, do Abu Mohammed al-Golani lãnh đạo, từ lâu đã là lực lượng thống trị ở khu vực Idlib, một phần của vòng cung phía tây bắc nơi phiến quân vẫn duy trì được chỗ đứng bất chấp những thành quả của ông Assad ở những nơi khác.

Hoa Kỳ và Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia khác liệt HTS là một nhóm khủng bố.

Một liên minh phiến quân khác đã phát động một cuộc tấn công riêng biệt từ các khu vực phía bắc Aleppo. Những phiến quân này được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn và được tổ chức dưới ngọn cờ của một lực lượng vũ trang được gọi là Quân đội Quốc gia Syria (SNA).

Tại sao cuộc xung đột lại bùng phát lúc này

Trong khi hòa bình vẫn còn xa vời, các tiền tuyến đã không chuyển dịch trong nhiều năm, với việc Syria bị chia thành các khu vực nơi các cường quốc nước ngoài có quân đội đồn trú trực tiếp. 

Nga và Iran có ảnh hưởng đối với các khu vực do chính phủ nắm giữ, phần lãnh thổ lớn nhất của Syria. Hoa Kỳ có lực lượng ở phía đông bắc và phía đông, hỗ trợ Lực lượng Dân chủ Syria do người Kurd lãnh đạo. Thổ Nhĩ Kỳ có quân đội trên bộ ở phía tây bắc do phiến quân nắm giữ.

Nhưng cán cân quyền lực trong khu vực đã bị lung lay bởi hơn một năm xung đột giữa Israel với Iran và các nhóm chiến binh mà Tehran hỗ trợ.

Đặc biệt, Hezbollah do Iran hậu thuẫn đã phải chịu những đòn giáng mạnh trong hơn hai tháng chiến tranh với Israel ở Liban. Hezbollah, lực lượng đã ngừng bắn với Israel vào tuần trước, đã giúp ông Assad giành lại Aleppo vào năm 2016.

Phát biểu với chương trình “State of the Union” của CNN, cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan cho biết không có gì ngạc nhiên khi quân nổi dậy sẽ cố gắng lợi dụng tình hình mới, khi những bên hậu thuẫn chính của chính phủ Syria, là Iran, Nga và Hezbollah, bị phân tâm và suy yếu do xung đột. Ông Sullivan có ý nói đến xung đột khu vực Trung Đông và chiến tranh Ukraine.

Một thỏa thuận giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã ổn định tình hình ở phía tây bắc kể từ năm 2020. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ sự thất vọng ngày càng tăng với việc ông Assad không đạt được thỏa thuận với phe đối lập để chấm dứt xung đột.

Các quan chức an ninh Thổ Nhĩ Kỳ cho biết trong khi Ankara đang nỗ lực ngăn chặn các cuộc tấn công của quân nổi dậy, thì họ ngày càng lo ngại về các cuộc tấn công của lực lượng chính phủ Syria vào quân nổi dậy. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan tuyên bố ông Assad và quân nổi dậy cần phải thỏa hiệp.

Một trong những mối quan tâm chính của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria là quyền lực do các nhóm do người Kurd lãnh đạo nắm giữ.  Những nhóm này liên minh với Washington nhưng bị Ankara coi là khủng bố. Hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Quân đội Quốc gia Syria nổi loạn đã chiếm thị trấn Tel Rifaat từ lực lượng dân quân YPG người Kurd.

Cả Điện Kremlin và Tehran đều tái khẳng định sự ủng hộ của họ đối với chính phủ Syria của ông Assad.

Có kế hoạch hòa bình không?

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua một nghị quyết vào năm 2015 nhằm chấm dứt xung đột tại Syria, kêu gọi một hiến pháp mới, các cuộc bầu cử do Liên Hợp Quốc giám sát và quản trị minh bạch và có trách nhiệm, nhưng việc thực hiện nghị quyết này không có kết quả.

Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về Syria Geir Pedersen cho rằng sự leo thang cho thấy sự thất bại chung trong việc đưa ra một tiến trình chính trị. Ông Perdesen kêu gọi các cuộc đàm phán thực chất để tìm ra cách thoát khỏi cuộc xung đột này.