Những người đào thoát khỏi Triều Tiên nói gì về chiến dịch “tẩy não” của Kim Jong-un?
- Minh Ngọc
- •
Gần đây, hai người Triều Tiên đào thoát khỏi quốc gia này đã tiết lộ với truyền thông thế giới, khi còn ở trong nước họ đã bị tẩy não đến mức coi nhà lãnh đạo Triều Tiên như Chúa trời, tin rằng Triều Tiên đánh trận nào trắng trận đó, và người dân luôn thấy tự hào với sự kiện thử nghiệm vũ khí hạt nhân.
Chịu sự phong bế suốt thời gian dài của chế độ độc tài Kim Jong-un, người dân Triều Tiên dường như cách biệt hoàn toàn so với thế giới bên ngoài. Kẻ thống trị độc tài đương quyền nhằm củng cố quyền lực đã thường xuyên tung ra những chiến dịch tuyên truyền dối trá để “tẩy não” nhân dân. Đến nay khi bán đảo Triều Tiên rơi vào tình thế căng thẳng, Kim Jong-un tiếp tục lừa dối người dân thế nào, thông qua lời kể của hai người phụ nữ đào thoát khỏi Triều Tiên, có thể phần nào đoán biết được.
Trang Delawarepublic đưa tin về bà Lee So-yeon, một người phụ nữ sinh ra tại tỉnh Hamgyong Bắc, Triều Tiên, năm nay 41 tuổi, và hiện đang định cư ở Seoul, Hàn Quốc. Bà là Chủ tịch Liên minh Phụ nữ Hàn Quốc mới và cũng là một người chuyên giúp đỡ những phụ nữ đào thoát khỏi Triều Tiên.
Cha của bà Lee So-yeon là một giáo sư đại học, năm 1990 khi Triều Tiên phát sinh nạn đói trên diện rộng, để tránh cho cả gia đình bị đói và để có thể sinh tồn được, bà đã xin nhập ngũ. Đến năm 1992, bà chính thức nhập ngũ, và phục vụ trong quân đội gần 10 năm. Bà chủ yếu phụ trách công tác văn thư, nhưng cũng có lúc phải tham gia vào các buổi diễu hành.
Trên thực tế, kể từ năm 2014, tại Triều Tiên phụ nữ sẽ bị bắt buộc phải tham gia phục vụ quân đội trong 7 năm, còn nam giới thì từ 10-12 năm. Trong khi phục vụ quân đội, bà Lee So-yeon đã chứng kiến cảnh phụ nữ bị biến thành công cụ lạm dụng tình dục cho giới chức chính quyền, phải chịu ngược đãi và bạo lực tình dục.
Bản thân bà Lee So-yeon đã nhiều lần cố gắng đào thoát khỏi Triều Tiên nhưng đều không thành công, sau mỗi lần như vậy bà đều bị bỏ tù và tra tấn. Cuối cùng, đến năm 2008, bà đã đào thoát thành công sang Trung Quốc thông qua sông Đồ Môn.
Bà Lee So-yeon nhớ lại khoảng thời gian khi phục vụ quân đội Triều Tiên, bà nói, mỗi một doanh trại đều có một cái tivi, và thông qua đó kênh truyền hình quốc gia liên tục “tẩy não” người dân. Mỗi khi có sự kiện thử nghiệm hạt nhân, truyền hình sẽ tăng cường quảng bá, “tẩy não” nhân dân khiến họ cảm thấy tự hào; còn khi Triều Tiên tiến hành đàm phán hòa bình với Hàn Quốc, truyền hình nhà nước sẽ tung ra chiêu bài mị dân rằng “Hàn Quốc tham vọng xâm chiếm Triều Tiên”.
Bà Lee So-yeon nói, sau khi bà đào thoát thành công thì mới biết, tin tức ở Triều Tiên bị phong bế đến mức nào, thế giới bên ngoài trong hình dung của bà quả thực khác xa. Lần đầu tiên bà đã biết đến nước nóng, máy sấy tóc, biết đến quyền bỏ phiếu dân chủ và tự do thực sự, đối với Lee So-yeon mà nói, quả thực đây đều là những thuật ngữ vô cùng lạ lẫm.
Trong cuộc phỏng vấn với DPR, bà Lee So-yeon đã hát một bài quân ca cũ của Triều Tiên có tựa đề “Sẵn sàng tử đạn vì nhà lãnh tụ yêu quý”, bà đã cười và nói khi ở Hàn Quốc hát lại ca khúc này, mới hiểu được trong quá khứ mình đã bị tẩy não nghiêm trọng thế nào, thực sự hết sức đáng sợ.
Thực tế, trong số các đối tượng bị tẩy não của chính quyền Triều Tiên, bên cạnh binh sĩ thì giới học sinh sinh viên cũng là một trọng tâm chính. Một người khác đào thoát khỏi Triều Tiên là cô Lee Hyeonseo tiết lộ, năm 1994, khi cô còn là một học sinh trung học, chính phủ Mỹ bấy giờ do ông Clinton nắm quyền có ý định tấn công quân sự Triều Tiên, các trường học đều đóng cửa và yêu cầu học sinh phải đi đào chiến hào. “Lúc đó chúng tôi đều sợ chiến tranh, tuy nhiên ai cũng cảm thấy vô cùng tự hào, chúng tôi tin rằng Triều Tiên sẽ thắng, chúng tôi tin rằng các nhà lãnh đạo của mình là Kim Il-sung và Kim Jong-il có quyền năng tối thượng như Chúa trời có thể giải quyết bất cứ chuyện gì.”
Hai mươi năm trước sau khi đào thoát khỏi Triều Tiên, Lee Hyeonseo viết cuốn hồi ký “Cô gái với bảy cái tên”, ghi lại toàn những cái tên cô đã từng sử dụng trong quá trình trốn chạy sang Trung Quốc, và cuối cùng là tới Seoul. Về sau này, cô cũng đã giúp mẹ và em trai đến Seoul an toàn. Cuốn hồi ký của Lee Hyeonseo đã phơi bày nội tình việc chính quyền họ Kim khống chế và lạm sát nhân dân, khiến thế giới hiểu thêm về thảm trạng nhân quyền tại Triều Tiên.
Ông Jeon Young-sun, một giáo sư người Hàn Quốc chuyên nghiên cứu về Triều Tiên phát biểu, các kênh truyền thông ở Triều Tiên không chỉ có nhiệm vụ đưa tin tức, mà còn kiêm thêm trách nhiệm kích động tâm tư tình cảm của người dân, đặc biệt là khi chính quyền Triều Tiên cảm nhận được các mối đe dọa từ bên ngoài. Do đó, những áp lực từ bên ngoài đối với Triều Tiên, chẳng hạn như các biện pháp trừng phạt hay các cuộc tấn công, đều bị chính quyền họ Kim lợi dụng để giành được sự ủng hộ của người dân trong nước.
Minh Ngọc
Xem thêm:
Từ khóa tẩy não Kim Jong Un Triều Tiên