Niger tuyên bố hủy bỏ hiệp định quân sự với Mỹ
- Hải Đăng
- •
Giới chức Niger đã quyết định hủy bỏ hiệp định quân sự với Mỹ, trong đó cho phép quân nhân và các nhà thầu dân sự của Bộ Quốc phòng Mỹ được hoạt động tại quốc gia Tây Phi này, một phát ngôn viên của chính quyền quân sự Niger loan báo trên truyền hình quốc gia hôm thứ Bảy (16/3).
🇺🇸 🇳🇪 Dénonciation des accords militaires
Le Conseil National pour la Sauvegarde de la Patrie a officiellement dénoncé ce samedi 16 mars 2024 les accords de coopération militaire liant le pays aux Etats-Unis d'Amérique.
Cette décision d'une portée considérable a été annoncée… pic.twitter.com/YNS6rl3swz
— Conseil National pour la Sauvegarde de la Patrie (@NIGER_CNSP) March 16, 2024
“Hội đồng Quốc gia Bảo vệ Tổ quốc chính thức bãi bỏ… các thỏa thuận hợp tác quân sự kết nối đất nước này với Mỹ”, phát ngôn viên chính phủ quân sự hậu đảo chính của Niger, Đại tá Amadou Abdramane nói trong một tuyên bố phát trên truyền hình quốc gia vào tối thứ Bảy (16/3, giờ địa phương).
Quyết định nêu trên được loan báo chỉ vài ngay sau khi một phái đoàn cấp cao của Mỹ, trong đó có chỉ huy Bộ Chỉ huy châu Phi của Quân đội Mỹ, Đại tướng Michael Langley kết thúc chuyến thăm Niger ba ngày. Phái đoàn Mỹ đã gặp nhiều quan chức hàng đầu của Niger, gồm cả Thủ tướng Ali Mahaman Lamime Zeine. Chuyến công du của phái đoàn Mỹ rõ ràng là để tìm cách đàm phán gia hạn hiệp định quân sự song phương, nhưng họ đã không gặp được lãnh đạo tối cao Niger, Đại tướng Abdourahamane Tchiani.
Phát ngôn viên Abdramane cho hay: “Niger lấy làm tiếc về mục đích chuyến thăm của phái đoàn Mỹ là để phủ định quyền chủ quyền của người dân Niger trong việc lựa chọn đối tác và loại hình quan hệ đối tác có khả năng giúp đỡ thực sự người dân Niger chiến đấu với chủ nghĩa khủng bố”. Ông Abdramane nói thêm rằng, phía Mỹ đã không tuân thủ nghi thức ngoại giao và thậm chí đã không thông tin với nước chủ nhà về thời gian họ đến thăm và lịch trình làm việc.
Ông Abdramane cho biết các cuộc thảo luận với phái đoàn Mỹ là xoay quanh tiến trình chuyển tiếp quân sự hiện tại ở Niger, hợp tác quân sự giữa hai quốc gia và việc Niger lựa chọn các đối tác trong cuộc chiến với các phần tử vũ trang có liên kết với Al-Qaeda và IS.
“Chính phủ Niger cũng cực lực lên án thái độ hỡm hĩnh đi kèm với lời đe dọa trả đũa từ lãnh đạo phái đoàn Mỹ đối với chính phủ và người dân Niger”, ông Abdramane nói thêm.
Từ khi tiếm quyền vào tháng Bảy năm ngoái, chính phủ quân sự Niger giống như các chính phủ quân sự khác tại hai nước láng giềng Mali và Burkina Faso, đã hất cẳng quân đội Pháp và châu Âu, quay sang tìm kiếm sự hỗ trợ an ninh từ Nga.
Chính phủ quân sự Niger cáo buộc chính quyền của Tổng thống thân phương Tây Mohamed Bazoum bị lật đổ tháng Bảy năm ngoái đã thất bại trong việc đấu tranh với các phần tử khủng bố Hồi giáo cực đoan tại vùng Sahel cho dù có sự hiện diện của các lực lượng vũ trang nước ngoài, trong đó có binh lính Pháp.
Pháp đã hoàn thành việc rút quân khỏi Niger vào tháng 12/2023, sau khi ban lãnh đạo quân sự Niger tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với mẫu quốc cũ và ra lệnh lính Pháp phải rời đi.
Khác với Pháp, phía Mỹ tuyên bố rằng họ không lựa chọn cắt đứt hợp tác với Niger. Washington nói rằng họ sẽ tiến hành các mối quan hệ “thực dụng” với giới chức quân sự mới ở Niger dù vẫn cùng với Pháp và các nước đồng minh phương Tây khác đình chỉ viện trợ cho Niamey.
Mỹ hiện tại có khoảng gần 1000 binh lính tại Niger, phần lớn đồn trú ở cân cứ drone ở Agadez.
Từ năm 2018, căn cứ drone trị giá 100 triệu USD của Mỹ tại Niger đã được sử dụng để nhắm mục tiêu vào các phần tử khủng bố IS và một nhóm vũ trang Hồi giáo khác có liên kết với Al-Qaeda. Tuy nhiên, từ tháng 9/2023, các chuyến bay drone của Mỹ tại Niger bị giới hạn chỉ cho các mục đích thu thập tình báo.
Phát ngôn viên Abdramane nói rằng sự hiện diện của binh lính Mỹ tại Niger là bất hợp pháp và vi phạm hiến pháp và các quy tắc dân chủ, bởi vì theo người phát ngôn này, Mỹ đã đơn phương tiến hành đồn trú quân ở Niger vào năm 2012.
Ông Abdramane cho biết Niger không biết số lượng quân nhân và nhân viên dân sự, cũng như khí tài quân sự Mỹ đồn trú tại đây. Theo thỏa thuận quân sự song phương, quân đội Mỹ không có nghĩa vụ phải phản ứng với bất kỳ yêu cầu nào từ Niger về việc giúp họ chiến đấu với các phần tử cực đoan.
Bộ Quốc phòng Mỹ chưa trả lời báo giới về động thái mới nhất của Niger.
Vào tháng Một vừa qua, Niger và Nga đã đồng ý phát triển “hợp tác quân sự và kỹ thuật quân sự song phương” và làm việc cùng nhau để ổn định tình hình an ninh tại vùng Sahel Tây Phi. Thỏa thuận này đến sau các cuộc đàm phán tại Moscow giữa Bộ trưởng Quốc phòng Niger Salifou Modi và các quan chức đồng cấp Nga.
Từ khóa Dòng sự kiện Niger Quân hệ Mỹ - Niger