Ông Biden đang xem xét kế hoạch mời “di dân khí hậu’ tới Mỹ
- Xuân Thành
- •
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden có thể trao quyền nhập cư và quốc tịch Mỹ cho nhiều “di dân khí hậu” nước ngoài. “Di dân khí hậu” là những người phải chuyển chỗ ở do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, theo AP đưa tin tuần này.
Hôm thứ Ba (20/4), hãng tin AP lưu ý: “Không quốc gia nào tạo cơ hội tị nạn hoặc những bảo vệ pháp lý khác cho những người phải di tản đặc biệt vì biến đổi khí hậu. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang nghiên cứu ý tưởng này và di cư khí hậu dự kiến sẽ là vấn đề được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh khí hậu đầu tiên của ông Biden, được tổ chức trực tuyến vào thứ Năm (22/4) và thứ Sáu (23/4)”.
Tổng thống Biden hôm 4/2 đã ban hành lệnh hành pháp yêu cầu cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan phải soạn thảo một báo cáo trước ngày 3/8 về “Kế hoạch cho những Ảnh hưởng của Biến đổi Khí hậu lên Di cư”, trong đó có các lựa chọn về bảo vệ và tái định cư cho những người phải di tản do tác động từ biến đổi khí hậu.
Hôm thứ Năm (22/4), tổ chức Quốc tế về Người tị nạn đã loan báo thành lập một tổ công tác chuyên gia về biến đổi khí hậu và di cư để đáp ứng lệnh hành pháp nêu trên của ông Biden.
Đề cập tới “cuộc khủng hoảng khí hậu”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đầu tuần này đã khẳng định rằng biến đổi khí hậu đang châm ngòi cho sự tăng vọt người di cư từ Guatemala, El Salvador, và Honduras. Những người di cư Trung Mỹ này đang áp đảo các nguồn lực và giới chức nhập cư Mỹ tại biên giới Mỹ – Mexico.
Tuy thế mà, không có lãnh đạo nào trong số 40 nguyên thủ quốc gia được ông Biden đã mời tham dự hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về biến đổi khí hậu đến từ ba nước Trung Mỹ hay còn được gọi là khu vực “Tam giác Phương Bắc” kể trên.
Trong khi đó, Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador trong sự kiện Ngày Trái Đất hôm thứ Năm (22/4) đã đề xuất một thỏa thuận tái trồng rừng nhằm ngăn chặn làn sóng di cư tới Mỹ, đổi lại Mỹ sẽ cấp thị thực lao động và cuối cùng là trao quyền công dân cho người Mexico và người Trung Mỹ.
Cụ thể, ông Obrador đã đề xuất rằng Mỹ sẽ cung cấp thị thực lao động tạm thời và sau cuối là quyền công dân cho những người tham gia vào chương trình trồng cây quy mô lớn mà tổng thống Mexico muốn mở rộng từ Mexico sang tới Trung Mỹ.
Ông Obrador nói rằng Chính quyền Biden “có thể cấp tiền” cho việc mở rộng chương trình tạo việc làm này tới khu vực Tam giác Phương Bắc.
“Sau khi đánh giá tất cả các mặt, tôi đã thêm vào một đề xuất đáng tán tụng rằng chính phủ Mỹ có thể đề nghị những người tham gia vào chương trình trồng cây này rằng họ sẽ có cơ hội nhận thị thực lao động tạm thời [tại Mỹ] sau khi họ đã gieo trồng trên đất đai của họ 3 năm liên tiếp”, ông Obrador nói.
Tổng thống Mexico nói thêm: “Và sau khoảng 3 hoặc 4 năm tiếp theo, họ có thể được chấp nhận thường trú tại Mỹ hoặc được nhận song tịch”.
Hôm thứ Năm (22/4), Thượng nghị sĩ Dân chủ Edward Markey (bang Massachusetts) và Dân biểu Dân chủ Nydia Velázquez (bang New York) đã giới thiệu lại một dự luật để giải quyết tình trạng thiếu sự bảo vệ người di cư vốn không phù hợp với định nghĩa về “người tị nạn” theo luật pháp Mỹ và luật pháp quốc tế.
AP trong bản tin hôm thứ Ba (20/4) đã xác nhận: “Ý tưởng [nhận di dân khí hậu tới Mỹ] vẫn đối mặt với những thách thức vô cùng lớn, trong đó có việc làm sao để xác định rõ ràng một người nào đó là người tị nạn khí hậu khi mà thảm họa tự nhiên, hạn hán và bạo lực vẫn thường là những nguyên nhân đan xen vào nhau dẫn đến người dân trong các khu vực phải trốn chạy khỏi quê hương mình, chẳng hạn như ở Trung Mỹ. Nếu Mỹ xác định được ai là di dân khí hậu, thì điều đó có thể đánh dấu một sự chuyển đổi lớn trong chính sách tị nạn toàn cầu”.
Đề cập tới dự luật đã giới thiệu và không thể thông qua trong năm 2019, văn phòng của Thượng nghị sĩ Markey cho biết hôm 22/4:
“Luật này sẽ thiết lập một chiến lược quốc gia để giải quyết vấn nạn di tản bắt nguồn từ biến đổi khí hậu toàn cầu và cung cấp sự hỗ trợ cần thiết nhằm thực hiện những giải pháp lâu dài đối với những người phải di tản vì ảnh hưởng biến đổi khí hậu.
…
Mặc dù những tác động của biến đổi khí hậu thường làm trầm trọng thêm các mâu thuẫn xã hội, từ đó dẫn đến bức hại đàn áp người dân, nhưng những người tản cư vì khí hậu lại không đáp ứng được định nghĩa của Mỹ về người tị nạn, và vì thế, họ không thế tiếp cận được các cơ hội tái định cư tại Mỹ”.
Cụ thể, luật này sẽ thiết lập một con đường tái định cư Mỹ cho những người phải tản cư do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, cùng với những nguyên do khác.
“Chúng ta hiện giờ đang có một cơ hội to lớn hơn bao giờ hết để hoàn thành việc này”, Thượng nghị sĩ Markey nói với AP. Cơ hội rất lớn mà ông Markey đề cập ở đây là chương trình ngoại giao khí hậu và nhận thức về biến đổi khí hậu của Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden.
Tổng thống Biden từ lúc tranh cử cho đến khi chính thức bước vào Nhà Trắng luôn đặt vấn đề biến đổi khí hậu là trọng tâm quan trọng nhất trong chương trình nghị sự của ông, ở cả mặt trận đối nội và đối ngoại.
Trong tuyên bố Ngày Trái Đất 2021 hôm 22/4, Tổng thống Biden tiếp tục tán dương “nghị trình khí hậu đầy tham vọng” của mình. Ông Biden nói rằng nghị trình này đâu đó sẽ “tạo ra được hàng triệu việc làm lương cao” và “đảm bảo được sự cạnh tranh của nền kinh tế Mỹ”, đồng thời cắt giảm phát thải khí nhà kính xuống còn một nửa so với mức năm 2005 vào năm 2030.
Tổ chức Khí tượng Thế giới đầu tuần này đã phát hành một báo cáo tuyên bố rằng biến đổi khí hậu đã khiến khoảng trung bình 23 triệu người trên toàn cầu phải chuyển chỗ ở hàng năm kể từ năm 2010 và chỉ nửa đầu năm 2020 đã có 10 triệu người phải tản cư, đặc biệt rơi vào khu vực châu Á và Đông Phi. Báo cáo cũng xác nhận rằng hầu hết “người tị nạn khí hậu” đã di tản trong nội bố quốc gia của họ.
Xuân Thành (Theo Breitbart News)
Xem thêm:
Từ khóa biến đổi khí hậu chính quyền Biden Di dân khí hậu